Trong cuộc trao đổi với KH&PT, anh Nguyễn Tiến Trung, Nhà đầu tư thiên thần thường cho rằng, một trong những cản trở với việc hình thành mạng lưới các nhà đầu tư chuyên nghiệp là không ít doanh nhân đã thành đạt và có kinh nghiệm thường nghĩ họ biết hết rồi, không phải học ai nữa.

Nguyễn Tiến Trung tại Festival Khởi nghiệp ngày 18/1/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: KH&PTPT
Nguyễn Tiến Trung tại Festival Khởi nghiệp ngày 18/1/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: KH&PT

Điều gì khiến anh đầu tư vào startup, đặc biệt là hình thức đầu tư rủi ro cao như đầu tư thiên thần?

Tôi đã từng đầu tư vào một số hình thức khác như chứng khoán, vàng, mở doanh nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình hỗ trợ cho các bạn khởi nghiệp thì cá nhân tôi cũng như nhiều doanh nhân khác nhận thấy đây cũng là một kênh đầu tư có thể sinh lời, thậm chí là sinh lời với tỉ suất lợi nhuận rất cao nếu như đầu tư đúng vào các nhóm khởi nghiệp có tiềm năng phát triển.

Một điều nữa là tôi thích khám phá những cái mới, đặc biệt là công nghệ, thích làm việc với đội ngũ các nhà sáng lập trẻ, nhiệt huyết, sẵn sàng chấp nhận thử thách.

Tất nhiên các nhà đầu tư thiên thần vẫn phải duy trì, phát triển các hoạt động của công ty [các doanh nghiệp của nhà đầu tư – PV], vì đầu tư thiên thần rất rủi ro và để có lợi nhuận đem về thì không thể tính bằng một năm, mà phải tính bằng 5 năm, 10 năm. Không thể bỏ toàn bộ tiền vào đầu tư một kênh rủi ro như vậy.

Anh có thể kể lại về thất bại của mình khi đầu tư thiên thần? Sai lầm lớn nhất mà các startup thường gặp phải là gì?

Ban đầu, tôi và một vài nhà đầu tư khác thường đầu tư vào các dự án trong các cuộc thi khởi nghiệp của sinh viên. Các bạn ấy có thể rất giỏi trong lĩnh vực học của mình, tạo ra được sản phẩm hoàn chỉnh nhưng đến khi bán hàng thì các vấn đề như quản lý tài chính, vận hành doanh nghiệp rất yếu. Thậm chí có bạn không tính được giá vốn với giá bán, không kiểm soát được dòng tiền, dẫn tới hệ quả sáu tháng hoặc một năm sau tiền các bạn ấy góp vào và tiền của nhà đầu tư đều đốt hết, mà không biết đi về đâu. Mất tiền nhưng không biết tại sao mất. Đấy là vấn đề chúng tôi đã gặp phải nhiều nhất ở các nhóm khởi nghiệp sinh viên và các startup ở giai đoạn đầu.

Ví dụ có một dự án sau khi nhận đầu tư gần 700 triệu, các bạn ấy đã đốt ngay hơn 200 triệu cho 2 tháng marketing facebook, google ad, TVC… nhưng chỉ mang lại hơn 20 triệu doanh thu và chỉ dừng việc đốt tiền khi nhận được tư vấn từ các nhà đầu tư. Một dự án khác sau khi gọi được vốn mồi, các bạn đốt tiền như một richkid (con nhà giàu) cho hàng loạt hoạt động như tiếp khách, ăn nhậu, đi lại, quảng cáo lên tới vài trăm triệu mỗi tháng dù mới chỉ bán được 5-6 sản phẩm. Chúng tôi thực sự lo ngại về cách quản lý tài chính của họ.

Vậy có phải khả năng quản lý tài chính của startup là yếu tố quan trọng nhất với anh mỗi khi đưa ra quyết định đầu tư?

Không hẳn, với tôi, 70% lí do quyết định đầu tư phải đến từ yếu tố con người của startup. Họ có đam mê, có quyết tâm lớn, có chấp nhận thất bại, có trung thực không? Startup đó có khả năng vận hành mô hình kinh doanh đó hay không?

Các nhà đầu tư đã gặp rất nhiều trường hợp không trung thực, sử dụng tiền không minh bạch, thậm chí họ rút tiền ra làm những việc cá nhân sau đó lại tính vào chi phí của công ty.

Có những trường hợp khi mà tôi và một số các nhà đầu tư khác đặt tiền vào startup thì trong tài khoản của họ không còn một đồng nào và đang ôm những khoản nợ lên tới hàng tỉ đồng. Nhưng chúng tôi vẫn quyết định đầu tư vì mô hình và sản phẩm đó đã được kiểm chứng rồi, khi có tiền để làm ra sản phẩm thì sẽ có khách hàng. Nhà đầu tư sẽ bỏ lỡ các startup như vậy nếu họ chỉ tập trung vào các con số liên quan đến tài chính mà không đánh giá startup dựa trên tiềm năng của sản phẩm, của mô hình hoạt động.

Nhiều sự kiện đào tạo đầu tư thiên thần không được các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm, có phải nhiều doanh nhân cảm thấy rằng chỉ cần có tiền là có thể đầu tư thiên thần?

Nhà đầu tư thiên thần thường là những doanh nhân đã thành đạt, kiếm được tiền và có kinh nghiệm rồi thì có cái tôi khá lớn. Nhiều khi họ nghĩ rằng, họ biết hết rồi, không phải dạy họ, đó là một trong những cản trở khi chúng ta muốn xây dựng và hình thành mạng lưới các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Có một sai lầm thường gặp là khi đầu tư vào startup, nhiều nhà đầu tư mong muốn sở hữu chiếm đoạt, rồi gây áp lực, bắt startup phải đi theo cái hướng mà họ vẽ ra, tước đoạt khả năng sáng tạo và triển khai của nhà sáng lập. The KAfe là một ví dụ điển hình. Bản thân người sáng lập muốn sản phẩm này phải tinh tế, phải đi từng bước vững chắc, nhưng nhà đầu tư thì đòi mở rộng quy mô quá nhanh trong khi chưa có địa điểm để kịp mở rộng quy mô, nhiều yếu tố trong quy trình không đạt như chất lượng cà phê, nhân viên chưa được đào tạo…

Vậy theo anh, có cách nào để nâng cao chất lượng các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam?

Chúng tôi rất mong muốn xây dựng được những nhóm đầu tư thiên thần trong mạng lưới thiên thần. Mỗi nhà đầu tư có thể bỏ ra khoảng 10.000 USD, 10 nhà đầu tư sẽ có 100.000 USD; ở quy mô nhỏ thì số tiền này có thể đầu tư được cho 2 đến 3 startup. Khi đầu tư theo nhóm, sẽ có nhiều nhà đầu tư hiểu biết ở các lĩnh vực khác nhau để hỗ trợ startup, khả năng startup sống sót và phát triển sẽ cao hơn.

Cụ thể khi đầu tư theo nhóm, các nhà đầu tư sẽ gọi khoảng 20 cho đến 40 startup để thẩm định, sàng lọc vòng ngoài. Sau đó cố vấn, huấn luyện cho các startup thì cuối cùng sẽ chọn ra 1 hoặc 2 startup để đầu tư chung. Rủi ro sẽ bớt đi rất nhiều vì chia sẻ cho tất cả nhà đầu tư trong nhóm, và startup được lựa chọn thì cũng đã qua rất nhiều vòng tuyển chọn. Cứ sau mỗi vòng khoảng 3 tháng sẽ có ít nhất một vài startup được rót vốn. Một vài năm trước, mô hình này chưa có điều kiện để phát triển vì nguồn startup chưa có nhiều, nhưng hiện giờ thì khác. Tuy nhiên làm thế nào để kết nối được các nhà đầu tư vào mô hình như vậy và cùng phát triển thì không dễ.

Hiện nay, nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp có tiếng như BKHoldings, Song Han incubator, DNES, BSSC, SiHub… và các không gian làm việc chung như Up, The Vuon, Kico, Sihub v.v... đều có hoạt động đầu tư thiên thần, nhưng dường như còn thiếu sự kết nối về đầu tư. Đề án 844 của chính phủ hiện đang có những nhiệm vụ kết nối, đào tạo, phát triển mạng lưới nhà đầu tư thiên thần. Đây sẽ là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của 844 trong đào tạo, kết nối đầu tư. Trong một vài năm tới, cùng với sự phát triển của các startup, sự hỗ trợ của chính phủ, sự vào cuộc của các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước, chắc chắn đầu tư thiên thần sẽ trở thành một trong những kênh đầu tư rất hấp dẫn.

Nguyễn Tiến Trung là nhà đầu tư thiên thần đã tham gia làm cố vấn tại các chương trình quan trọng của chính phủ về khởi nghiệp như Chương trình khởi nghiệp Quốc gia VCCI, Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Phần Lan – Việt Nam (IPP), Đề án 844. Anh vừa là một doanh nhân tự dùng tiền của mình đầu tư vào các startup ở giai đoạn rất sớm, vừa tham gia nhiều hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.