PGS TS. Nguyễn Anh Thi - Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG-TP. HCM (IEC) – vừa bắt tay vào thực hiện tập sách chuyên khảo “Bàn về Giáo dục khởi nghiệp”.

Ông tin rằng, trong năm tầng nấc của kim tự tháp khởi nghiệp, thì giáo dục khởi nghiệp chính là điểm khởi đầu và tạo nền tảng để có xã hội khởi nghiệp, hệ sinh thái, doanh nhân và đỉnh cao là doanh nghiệp khởi nghiệp.

PGS. TS Nguyễn Anh Thi trao đổi với sinh viên ĐHQG-HCM về ý tưởng khởi nghiệp.
PGS. TS Nguyễn Anh Thi trao đổi với sinh viên ĐHQG-HCM về ý tưởng khởi nghiệp.

Vị trí của giáo dục trong khởi nghiệp

Theo ông Thi, hiện vẫn kiêm luôn vị trí giám đốc khu công nghệ phần mềm ĐHQG-HCM (ITP), giáo dục khởi nghiệp là nền tảng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Doanh nhân khởi nghiệp (entrepreneur) là sản phẩm, cũng là chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp lại là môi trường để đào luyện và phát triển nên các doanh nhân khởi nghiệp. Ngược lại, chính họ có vai trò là người dẫn dắt việc kiến tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp của một địa phương, thậm chí của cả nước.

Hệ sinh thái khởi nghiệp chỉ có thể hình thành và phát triển trong lòng của một xã hội khởi nghiệp, nơi mà mọi người trong xã hội trân trọng và đề cao vai trò của doanh nhân, của hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Muốn vậy, chúng ta cần phải bắt đầu bằng giáo dục tư duy khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Giáo dục tư duy khởi nghiệp cần phải được thực hiện trên diện rộng, hướng đến tất cả mọi học sinh, sinh viên, bắt đầu từ bậc tiểu học vì những công dân có tư duy khởi nghiệp (entrepreneurial mindset) là yếu tố nền tảng của một xã hội khởi nghiệp.

Sinh viên TP. HCM trao đổi, chia sẻ các ý tưởng tại Không gian sinh viên khởi nghiệp, Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM. Ảnh: bantincongnghe.xyz
Sinh viên TP. HCM trao đổi, chia sẻ các ý tưởng tại Không gian sinh viên khởi nghiệp, Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM. Ảnh: bantincongnghe.xyz

Vai trò của trường đại học

Ông Thi tin rằng, mô hình của Techstars, một chương trình tăng tốc khởi nghiệp tại thành phố hẻo lánh bên sườn núi ở Boulder, Mỹ, thì sự phát triển của một hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương chịu tác động của năm yếu tố cốt lõi, bao gồm tài năng, văn hóa, mật độ, nguồn vốn và môi trường pháp lý. Nhờ hội tụ được những giá trị này, mà Boulder luôn có chỉ số khởi nghiệp cao nhất nước Mỹ trong những năm gần đây.

Trong đó, họ xem tài năng (talent) là yếu tố nền tảng của hệ sinh thái khởi nghiệp. Bởi như đã đề cập ở trên, để phát triển bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp, cần phải bắt đầu từ phát triển một thế hệ trẻ tài năng, có tư duy khởi nghiệp. Các trường đại học chính là nguồn cung cho những tài năng này.

Đó được xem là nhiệm vụ chính của các trường đại học - đào tạo và phát triển nhân tài. Bên trong có thể có các vườn ươm, nhưng mục đích chính của nó là tạo môi trường trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên, giúp sinh viên tích luỹ kiến thức, kỹ năng về quản trị dự án khởi nghiệp. Hay nói cách khác, mục tiêu của các trường đại học chính là phát hiện và bồi dưỡng các doanh nhân khởi nghiệp chứ không phải là phát triển doanh nghiệp (nếu có chỉ là sản phẩm phụ). Vì vậy nên bên cạnh “sản xuất” nhân tài, nhà trường là nơi cung cấp công nghệ, nguồn lực quan trọng cho các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và cũng là nơi cung cấp điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho các doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp.

Cần nhìn nhận một cách thực tế rằng hoạt động khởi nghiệp không dành cho tất cả mọi sinh viên. Theo thống kê, chỉ có khoảng 2-3% sinh viên đại học là có thiên hướng khởi nghiệp. Trong đó, chỉ một phần nhỏ trong số này về sau sẽ trở thành doanh nhân khởi nghiệp đích thực.

Nhà trường cần tạo bối cảnh và điều kiện phù hợp để học sinh, sinh viên tự nhận thức việc trở thành doanh nhân với sứ mạng là kiến tạo các giá trị mới cho xã hội có phải là mục đích của cuộc đời mình và mình có sở hữu những thế mạnh để thực hiện hiệu quả điều này hay không? Đam mê sẽ mang lại cho sinh viên động lực và sự đàn hồi cần thiết để vượt qua những chướng ngại rất đa dạng trên hành trình kiến tạo doanh nghiệp khởi nghiệp của doanh nhân. Hành trình khởi nghiệp gian nan không dành cho những người thiếu đam mê!

Đội ngũ cán bộ, giảng viên tư vấn hướng nghiệp, nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên cần nắm rõ quan điểm này để có sự tư vấn, hướng dẫn phù hợp cho sinh viên, tránh tạo ra những sự ngộ nhận, hoang tưởng trong khởi nghiệp, gây ra những tác động tiêu cực đối với việc học của học sinh, sinh viên.