COVID là một phép thử khiến cho những điểm yếu trong hệ thống quản lý trong xã hội và trong mỗi con người bị bộc lộ rõ ràng nhất. Trong bối cảnh đó, những nhà nghiên cứu dịch tễ cần phải đưa ra các phân tích, khuyến nghị giúp cho các nhà quản lý ra chính sách hợp lý, doanh nghiệp và người dân có cách ứng xử phù hợp.
Tình thế lưỡng nan
Trước khi nói về giải pháp, chúng ta cần nhìn lại xem đang có gì trong tay? Về vaccine: chúng ta không đủ vaccine để tiêm đủ 70% dân trong năm nay; và có đủ vaccine cũng sẽ không thể đạt miễn dịch cộng đồng mà chỉ có thể giảm tối đa nguy cơ tăng nặng hoặc tử vong. Về năng lực của hệ thống y tế: không đủ nguồn lực và nhân lực để xét nghiệm, cách ly, cơ chế đấu thầu quá chặt chẽ không cho phép chuẩn bị trang thiết bị cho đại dịch kịp thời, không đủ nguồn lực chữa trị cho bệnh nhân COVID nên tỉ lệ tử vong quá cao, tập trung nhiều nhất ở độ tuổi 50 trở lên (chưa kể nhiều bệnh nhân mắc các bệnh khác không được chữa trị kịp thời). Về kinh tế: người dân và doanh nghiệp không thể chịu nổi phong tỏa quá lâu. Chưa kể các quy trình chính sách sửa đổi liên tục khiến cả cấp cơ sở thực thi chính sách, doanh nghiệp và người dân bối rối. Dịch bệnh cũng là đất sống cho các tin giả về y tế, xã hội tràn ngập trên không gian mạng xã hội, gây nhiều tranh cãi, ảnh hưởng tới tâm lý của người dân.
Người dân đã nêu cao ý thức trong việc sử dụng khẩu trang và tuân thủ sát khuẩn tay ở nơi công cộng. Ảnh: baogialai.com.vn
Nhìn chung, chúng ta đều thấy COVID là một phép thử khiến cho những điểm yếu trong hệ thống quản lý, trong xã hội và trong mỗi con người bị bộc lộ rõ ràng nhất.
Trong bối cảnh đó, những nhà nghiên cứu dịch tễ cần phải đưa ra các phân tích, khuyến nghị giúp cho các nhà quản lý ra chính sách hợp lý, doanh nghiệp và người dân có cách ứng xử phù hợp. Nhưng rất tiếc là trong tình thế nguy nan ở trên thì dữ liệu mà các nhà khoa học độc lập có thể tiếp cận lại quá ít ỏi, không được chia sẻ, không liên thông, không được tập hợp một cách hệ thống. Ví dụ, từ nguồn báo cáo của Bộ Y tế, các sở y tế các tỉnh và các báo chính thống về dữ liệu các ca nhiễm COVID hiện nay, chúng tôi chỉ nắm được nhóm tuổi, tử vong cho một giai đoạn ngắn mà không dữ liệu về đặc điểm xã hội của các ca nhiễm nên không thể phân tích sâu hơn. Nhiều lúc tôi cảm thấy bản thân mình và các chuyên gia dịch tễ học khác thiếu dữ liệu giống như một người đang đi dò đường.
Nhưng cho dù thế nào thì tất cả chúng ta đều cùng muốn một điều - đó làm giảm tối đa thiệt hại về mọi mặt khi trong tay có quá ít vũ khí. Thay đổi toàn bộ cơ chế, động lực, chính sách, năng lực trong vài ngày là điều gần như không tưởng.
Biểu đồ 1&2: Mặc dù số liệu chưa đầy đủ nhưng cũng đã cho thấy tỉ lệ tử vong rơi chủ yếu vào nhóm từ 50 tuổi trở lên. Nói một cách khác, cứ 2 người từ 75 trở lên nhiễm thì 1 người tử vong; 3 người 65-74 tuổi nhiễm thì 1 tử vong; 10 người 50-64 nhiễm thì 1 tử vong. Với các nhóm thanh niên nhiễm virus thì tỉ lệ tử vong là rất nhỏ, nhóm18-29 chỉ khoảng 0.1% ở nữ và nam 0.2%, nhóm 30-39 chỉ tương ứng là 0.6% và 0.9%. Nguồn biểu đồ: Nhóm 5F. Số liệu từ Bộ Y tế.
Ta có thể làm gì khi hầu như chẳng có gì nhiều?
Trước tình thế trên, tôi cho rằng về ngắn hạn, cần:
Vaccine:
Nhanh chóng dồn nguồn vaccine ít ỏi (kể cả vaccine sinopharm) tiêm cho toàn bộ người từ 50 trở lên, người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh thận mạn tính, bệnh hô hấp mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai. Ưu tiên vaccine có thời gian giữa hai mũi ngắn để tạo nhanh miễn dịch cho người dân. Làm như vậy sẽ giảm tử vong và áp lực lên hệ thống y tế, vì nếu dịch tràn qua thì hệ thống y tế cứ bình tĩnh mà thu dung ca nhẹ và số lượng nhỏ ca nặng (nếu chưa xuất hiện các biến thể mới có độc lực cao hơn). Lưu ý là mặc dù nhanh chóng bao phủ vaccine ở một số vùng dịch đang bùng phát nặng hiện nay như TP HCM và các vùng lân cận thì cũng sẽ mất một thời gian để người được tiêm vaccine sinh miễn dịch và thấy số ca tử vong giảm đi, do đó chúng ta phải kiên trì và chấp nhận mất mát thêm một thời gian nữa (dù chấp nhận hay không thì mất mát vẫn xảy ra).
Đối với người trẻ, xin hãy lùi lại nghĩ về mục đích duy trì sự sống và phát triển của toàn cộng đồng và tiêm vaccine sau người cao tuổi. Nếu người cao tuổi bị nặng và tử vong, hệ thống y tế suy sụp thì kinh tế cũng suy sụp như ta đang thấy, và sẽ ảnh hưởng tới cả những người trẻ.
Phong tỏa, giãn cách:
Với các vùng đang bùng dịch, phong tỏa, giãn cách cho tới sau hai tuần tiêm mũi thứ hai cho toàn bộ nhóm trên rồi mở dần, tiếp tục 5K và tiếp tục tiêm cuốn chiếu vaccine dựa trên số vaccine có sẵn. Phong tỏa mà không phủ vaccine cho nhóm người trên 50 tuổi thì sẽ phí thời gian, phí công, phí mất sự hy sinh về kinh tế.
Để nới lỏng giãn cách, cần đạt được ít nhất hai tiêu chí về (i) độ bao phủ tiêm chủng, và (ii) năng lực xét nghiệm, điều trị và y tế công cộng.
Cần xây dựng kế hoạch nới lỏng và được thực hiện theo từng giai đoạn, thảo luận với chuyên gia đa ngành, thử nghiệm và điều chỉnh kịp thời với diễn biến mới của dịch và các thông tin mới về SARS-CoV 2. Việc nới lỏng cần thực hiện thận trọng, bắt đầu bằng một số khu vực hẹp, và giám sát bằng tỷ lệ xét nghiệm (+), số ca mới và số ca tử vong mỗi ngày.
Giảm áp lực y tế ở vùng dịch bùng phát:
Ở vùng dịch bùng phát, nhanh chóng chuyển đổi mô hình chăm sóc, điều trị để không làm sụp đổ hệ thống y tế chung (chứ không chỉ hệ thống điều trị COVID), cần:
- Quản lý, chăm sóc, điều trị F0, nghi F0 tại cộng đồng, dựa vào cộng đồng (cấp thuốc cùng các hướng dẫn cụ thể trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, gửi tới mọi số điện thoại của người dân). Thiết lập các trạm cấp cứu tạm thời tại cộng đồng để chuyển F0 tới khi bệnh viện quá tải.
- Chuyển F0, nghi F0 trong cộng đồng tới các bệnh viện khi họ có dấu hiệu thiếu oxy hoặc các dấu hiệu cấp cứu khác.
- Huy động đội ngũ tình nguyện trẻ, đã tiêm đủ hai mũi vaccine tới hỗ trợ cán bộ y tế ở tất cả các tuyến nếu trên. Điều phối hỗ trợ một cách có tổ chức, bài bản và an toàn.
- Nhập, hướng dẫn và cho phép người dân sử dụng kit xét nghiệm nhanh để tự xác định họ có phải F0 không.
- Thử nghiệm và áp dụng các phương thức điều trị mới nhằm giảm ca bệnh nặng và giảm tử vong.
Những khuyến nghị trên đây không phải là cách hoàn hảo, nhưng là cách tối ưu trong bối cảnh trong tay chẳng có mấy vũ khí, mà hệ thống và năng lực thì cần thời gian để thay đổi.
Đối với các vùng bùng phát dịch, có thể xác định tiêu chí vùng xanh:
1. Phủ hai mũi vaccine mỗi 6-8 tháng cho tối thiểu là ≥ 90% người 50+, người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh thận mạn tính, bệnh hô hấp mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai.
2. Khi chưa phủ đủ vaccine: Tuân thủ phong tỏa khi F0 chưa được kiểm soát trong cộng đồng. Tuân thủ 5K khi chưa có F0.
3. Có tổ COVID cộng đồng để đảm bảo thực hiện được hỗ trợ y tế và an sinh cho mọi thành viên trong cộng đồng xanh.
Về dài hạn:
Virus đã, đang và sẽ sinh ra biến thể mới. Chúng ta sẽ phải đối phó với nó rất lâu nữa. Sớm hay muộn cũng phải củng cố lại hệ thống y tế, an sinh xã hội cũng như thiết kế lại hệ thống đô thị.
Cách duy nhất để ứng phó là giải quyết các vấn đề tồn đọng nêu ở đầu bài một cách trung thực, quyết liệt, thực chất; nếu không muốn thụt lùi không chỉ về sức khỏe mà còn kinh tế, xã hội, giáo dục và văn hóa.
Đối với ngành y: Chuẩn bị để không bị động trước một vụ dịch trong tương lai
- Đầu tư cho việc sản xuất vaccine nội địa (có thể là vaccine trong nước và chuyển giao công nghệ). Tôi biết rằng việc này đang được đầu tư rốt ráo. Xin hãy lấy tiêu chuẩn cao nhất để triển khai và đánh giá quy trình này. Đầu tư này sẽ mang lại lợi ích cả về kinh tế và sức khỏe. Cần lưu ý là nhiều khả năng chúng ta sẽ phải tiêm nhắc lại vaccine mỗi 6 tháng, hoặc mỗi 8, 12 tháng.
- Đầu tư cho ngành y để nâng cấp cả về hệ thống, cơ sở vật chất, năng lực và nhân lực.
- Xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo và ứng phó khẩn cấp không chỉ với COVID mà với bất cứ thảm họa nào có thể xảy ra dựa vào cách tiếp cận One Health. Xây dựng hệ thống thông tin hiện đại, thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực để giúp ra quyết định khẩn cấp cũng như huy động mạng lưới chuyên gia đa ngành có thể huy động và phối hợp nhanh chóng.
Quản trị công: Thay đổi các quy trình, thủ tục hành chính, quy trình dự toán/đấu thầu/mua sắm/quản lý. Ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các ngành để quản trị xuyên suốt toàn bộ các khâu, các mảng hoạt động, các ngành một cách tổng thể. Cần có cái nhìn tổng thể, xây dựng hệ thống chuẩn, liên thông để cơ quan quản lý ở các cấp từ trung ương tới các địa phương, các ngành có thể sử dụng được còn hơn xây dựng nhỏ lẻ, riêng rẽ, phân tán, không sử dụng được. Điều này cũng mang lại lợi ích lâu dài.
Quản trị đô thị và an sinh xã hội:
- Hiện nay chúng ta thấy các nhóm yếu thế như người nghèo, người di cư, có điều kiện sống chật chội, không đảm bảo dinh dưỡng, không chịu nổi giãn cách, phong tỏa dễ có nguy cơ nhiễm COVID cũng như các loại bệnh dịch khác. Do đó, về lâu dài, thiết lập chương trình hỗ trợ cho nhóm yếu thế (người nghèo, người di cư) không chỉ ở tại thành thị mà còn cần hỗ trợ chuyển đổi các mô hình kinh tế để giữ người dân ở lại quê hương, giảm di cư.
- Thiết kế lại đô thị để giảm mật độ dân, giảm các khu ổ chuột/phòng trọ chật hẹp thiếu thông thoáng và vệ sinh.
- Các cơ quan quản lý cần xây dựng các chương trình thay đổi lối sống và văn hóa sống để nâng cao sức khỏe, bảo vệ bản thân và cộng đồng. Từng cá nhân đều không thể an toàn khi những người xung quanh không an toàn. Đây là một câu chuyện rất dài.
Còn nhiều việc phải làm nhưng theo thiển ý của một người nghiêng về dịch tễ như tôi thì đó là những điều tối thiểu phải làm được. Điều này không mới, chỉ là có đủ dũng cảm, nhiệt huyết để thay đổi không. Và đầu ra cần đo lường không chỉ là GDP, mà phải là một chỉ số phức hợp về phát triển bền vững.
Virus đã, đang và sẽ sinh ra biến thể mới. Chúng ta sẽ phải đối phó với nó rất lâu nữa. Vì vậy sớm hay muộn cũng phải củng cố lại hệ thống y tế, an sinh xã hội cũng như thiết kế lại hệ thống đô thị, nếu không muốn thụt lùi không chỉ về sức khỏe mà còn kinh tế, xã hội, giáo dục và văn hóa. |