Khoa học đã phát triển nhanh chóng ở Afghanistan trong 20 năm qua. Nhưng giờ đây, nhiều nhà nghiên cứu đang bỏ trốn, còn những người ở lại thì phải đối mặt với những khó khăn về tài chính và nỗi e sợ tương lai sẽ bị bỏ rơi.
Waizy, một nhà nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Kabul, người vừa được bổ nhiệm vị trí quản lý các dự án tìm kiếm và thăm dò của mỏ của Bộ Mỏ và Dầu Mỏ Afghanistan, đã sững sờ trước sự sụp đổ nhanh chóng của Kabul. Kể từ đó, ông sống trong những ngày tháng lo âu, chỉ có thể nép mình trong căn nhà khép chặt cửa.
Hầu hết các trường đại học và công sở đã ngừng hoạt động. Taliban nói rằng họ muốn các quan chức tiếp tục làm việc, nhưng không ai biết rằng công việc sẽ diễn ra như thế nào. “Tương lai thật vô định”, Waizy nói với Nature.
Một đội nghiên cứu robot của Afghanistan. Ảnh: news.sky.com
Kể từ lần cuối Taliban nắm quyền từ năm 1996 đến 2001, họ đã áp dụng những quy định cực đoan theo luật Hồi giáo Sharia - vi phạm quyền phụ nữ và đàn áp quyền tự do ngôn luận. Nhưng sau khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001, những khoản tài trợ quốc tế đã đổ vào Afghanistan, giúp các trường đại học phát triển nhanh chóng.
Giờ đây, giới học thuật lo sợ cho sự an toàn của chính mình. Họ cũng lo lắng rằng công việc nghiên cứu sẽ bị đình trệ, bởi các nhóm nghiên cứu sẽ không còn tiền lẫn quyền tự do cá nhân, và quan trọng hơn là bởi vì những nhà khoa học sẽ bỏ trốn vì lo sợ rằng họ có thể bị bắt vì tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế, hoặc vì lĩnh vực mà họ nghiên cứu, hay thậm chí là sắc tộc của họ.
Những dự định bỏ ngỏ
Kenneth Holland, hiện là chủ nhiệm khoa tại Đại học O.P. Jindal Global ở Sonipat (Ấn Độ), từng giữ vị trí hiệu trưởng Đại học Hoa Kỳ tại Afghanistan (AUAF) ở Kabul vào năm 2017-19. Holland kể lại rằng, vào năm 2006, khi lần đầu tiên đặt chân đến đất nước này, ông nhận thấy “các trường đại học nơi đây không có văn hóa nghiên cứu, họ không thực hiện bất cứ một nghiên cứu nào”. Tuy nhiên, kể từ năm 2004, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế khác đã rót hàng trăm triệu USD vào các trường đại học để hỗ trợ giảng dạy, đào tạo giảng viên và tiến hành một số nghiên cứu.
Kéo theo đó, kể từ năm 2010, khoảng 30 trường đại học công lập đã được thành lập hoặc tái thành lập và hàng chục trường đại học tư nhân cũng ra đời. Holland cho biết Bộ Giáo dục Đại học đã tài trợ cho các trường đại học công lập, còn các trường đại học tư nhân thì ‘sống’ nhờ học phí của sinh viên, riêng AUAF hoạt động dưới sự tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ.
Số lượng sinh viên theo học tại các trường đại học công lập đã tăng từ 8.000 người vào năm 2001 lên 170.000 người vào năm 2018, một phần tư trong số đó là phụ nữ. Và mặc dù số công bố của Afghanistan trên các tạp chí quốc tế còn ít, nhưng số lượng bài báo được ghi nhận hằng năm trên cơ sở dữ liệu Scopus đã tăng từ 71 bài vào năm 2011 lên 285 bài vào năm 2019.
Najibullah Kakar, một nhà khoa học địa chất tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất GFZ Đức ở Potsdam cho biết trong một thời gian dài “các nhà khoa học coi Afghanistan là một lỗ đen”. Anh là một trong số những người Afghanistan đã ra nước ngoài du học, sau đó quyết định trở về để giúp xây dựng đất nước. Năm 2014, anh đã giúp lắp đặt mạng lưới trạm địa chấn đầu tiên của Afghanistan để nghiên cứu kiến tạo mảng. Anh vẫn tiếp tục công việc đó cho đến năm 2019, khi xung đột khiến việc đi đến các vùng sâu vùng xa trở nên khó khăn.
Nhóm nghiên cứu của anh đã lên kế hoạch thành lập một trung tâm nghiên cứu và giám sát địa chấn ở Afghanistan để cảnh báo về các hiểm họa tự nhiên. Nhưng kể từ khi Kabul sụp đổ, họ đã rơi vào trạng thái hoảng loạn, và Kakar - đã nhiều ngày không được chợp mắt - đang cố gắng hết sức để giúp các đồng nghiệp của mình bỏ trốn khỏi đất nước.
Số phận các nhà khoa học giữa loạn lạc
Các đồng nghiệp của Kakar đã hòa vào làn sóng các nhà nghiên cứu xin tị nạn ở nước ngoài. Rose Anderson, giám đốc tổ chức nhân đạo Scholars at Risk (SAR) ở thành phố New York, cho biết chỉ trong tháng tám, SAR đã nhận được hơn 500 đơn đăng ký nhận hỗ trợ từ những nhà nghiên cứu ở Afghanistan.
Anderson cũng cho biết, cho đến nay, có 164 tổ chức trên toàn cầu đã đồng ý tiếp nhận các nhà nghiên cứu, và SAR đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và các nước châu Âu cấp thị thực nhanh chóng và tiếp tục triển khai các chuyến bay sơ tán. Nhưng việc đưa người ra khỏi Afghanistan rất khó: các đại sứ quán đã đóng cửa, sân bay Kabul tràn ngập nguy hiểm. Bóng đen hiểm nguy đang che phủ khắp Afghanistan.
Musa Joya là một nhà vật lý y khoa tại Đại học Khoa học Y tế Tehran ở Iran, đồng thời là giảng viên tại Kabul. Joya thuộc cộng đồng Hazara nói tiếng Farsi, và theo ông điều này sẽ biến ông trở thành mục tiêu của Taliban. Ông đã lên kế hoạch trở lại Kabul vào năm tới để làm việc tại một trung tâm xạ trị do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế hỗ trợ, nhưng những kế hoạch đó đã sụp đổ. Joya cho biết việc ở lại Iran cũng không phải là một phương án tối ưu, bởi vì những người không quốc tịch sẽ khó kiếm được việc làm tại các viện nghiên cứu.
Tương lai mịt mù của nền khoa học
Không chỉ số phận của từng cá nhân, các nhà khoa học còn lo lắng về tương lai của nền khoa học. Joya e ngại rằng Taliban sẽ không quan tâm gì đến công việc nghiên cứu hay thậm chí là chẳng hề nhận ra giá trị của nó. Và ông không biết các trường đại học sẽ đối phó như thế nào nếu không có nguồn hỗ trợ tài chính từ quốc tế.
Theo tin mới nhất, nguồn tiền quốc tế trị giá hàng tỷ USD dự định tài trợ cho Chính phủ Afghanistan đã bị đóng băng. Không rõ liệu khoản tài trợ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các trường đại học và nhà nghiên cứu, nhưng nhiều người cho biết đến hiện tại họ vẫn chưa nhận được lương.
Một nhà nghiên cứu giấu tên sống tại Kabul và là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Afghanistan cho biết đây là lần thứ ba ông và gia đình, cũng như nhiều người ở Afghanistan, mất hết tất cả. Ông đã chạy trốn trong thời kỳ bất ổn vào cuối những năm 1970, một lần nữa vào cuối những năm 1990 và giờ đây phải tiếp tục cân nhắc đến việc bỏ trốn một lần nữa. “Một đời người loạn lạc: sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh và giờ đây sẽ chết trong chiến tranh.”
Không rõ liệu cộng đồng quốc tế có công nhận chính phủ mới và tiếp tục cung cấp nguồn tài trợ hay không, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng họ sẽ không bị bỏ rơi. “Chúng tôi đã dành trọn tiền bạc, sức lực lẫn thời gian ở Afghanistan để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho bản thân và con cái. Nhưng giờ đây tất cả cuộc sống, tất cả hy vọng của chúng tôi đều đã bị phá hủy”, Joya thốt lên.
Nguồn: nature.com