Theo một nghiên cứu mới, ở Việt Nam, các ngành nghệ thuật và nhân văn đang mang lại thu nhập cao nhất cho nữ giới. Trong khi đó, đối với nam giới, các ngành có mức lương hấp dẫn bao gồm sư phạm, giáo dục, y dược học. Ngành có mức lương cao cho cả hai giới là an ninh quốc phòng.

Sinh viên ngành kỹ thuật xây dựng ĐH Nguyễn Tất Thành đi thực tập. Ảnh: ntt.edu.vn
Sinh viên ngành kỹ thuật xây dựng ĐH Nguyễn Tất Thành đi thực tập. Ảnh: ntt.edu.vn

Mới đây, hai tác giả Trần Quang Tuyến và Vũ Văn Hưởng (thuộc nhóm nghiên cứu của Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) có công bố mới với tiêu đề “Wage earning differentials by field of study: Evidence from Vietnamese university graduates” (Chênh lệch thu nhập theo ngành học: Bằng chứng từ sinh viên tốt nghiệp đại học Việt Nam) đăng trên tạp chí International Journal of Educational Development (Q1 theo Scimago-Scopus, CiteScore 2.8 và trong danh mục SSCI).

Chênh lệch mức lương từ lâu đã nhận được sự quan tâm chú ý tại các nước có n ền kinh tế phát triển. Các ước tính về khoảng cách thu nhập cung cấp thông tin hữu ích về giá trị của các loại vốn nhân lực mà các ngành tương ứng đại diện. Đồng thời, nó cũng cung cấp những bằng chứng quan trọng hỗ trợ cho các nhà hoạch định chính sách khi xem xét mở rộng tuyển sinh, đào tạo và điều chỉnh chi tiêu chính phủ. Ngoài ra, những phát hiện về vấn đề này đóng vai trò không nhỏ cho công tác hướng nghiệp và việc lập kế hoạch tương lai của các học sinh, sinh viên.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu thứ cấp từ cuộc điều tra Lao động và việc làm do Tổng cục Thống kê Việt Nam thực hiện hằng năm, mang tính đại diện ở cấp quốc gia. Cuộc điều tra này thu thập thông tin về việc tham gia thị trường lao động từ những người từ 15 tuổi trở lên và hiện đang sinh sống tại Việt Nam. Kết quả điều tra chính là cơ sở để xây dựng và hoạch định các chính sách phát triển nguồn nhân lực và các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với xu hướng phát triển của thị trường lao động.

Từ dữ liệu của cuộc điều tra năm 2018, các tác giả đã sử dụng một mẫu cắt ngang gồm 38.623 người, từ sinh viên tốt nghiệp đến những người dưới 61 tuổi đã tốt nghiệp đại học và đang có công việc chính là làm công ăn lương.

Nghiên cứu sử dụng mô hình phân tích kinh tế lượng áp dụng hàm thu nhập Mincer, phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất (OLS), và mô hình Endogenous Switching Regression. Các mô hình có kiểm soát các biến số về tuổi nghề, giới tính, khu vực việc làm, nghề nghiệp, việc làm đúng/trái ngành đào tạo, tổng sản phẩm quốc nội cấp tỉnh, và khu vực địa lý thành thị - nông thôn

Những kết quả có phần bất ngờ

Kết quả nghiên cứu đã làm sáng tỏ giá trị của các loại nguồn vốn nhân lực được đại diện bởi các lĩnh vực đào tạo khác nhau ở Việt Nam.

Cụ thể, về thu nhập, mức bình quân của tất cả các chuyên ngành đạt khoảng 7,80 triệu đồng/tháng. Những người tốt nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh đạt thu nhập cao nhất, trong khi những người tốt nghiệp ngành nông nghiệp và thú y có mức lương thấp nhất.

Nếu lấy ngành nhân văn/nghệ thuật làm nhóm so sánh, phân tích hồi quy cho thấy chênh lệch tiền lương theo chuyên ngành là đáng kể và có ý nghĩa thống kê trong hầu hết các trường hợp ở khu vực kinh tế tư nhân hơn là tại các khu vực kinh tế công. Đối với khu vực công, tiền lương được Chính phủ quy định rất chặt chẽ, đây là lý do khiến mức lương có ít sự thay đổi giữa các chuyên ngành, ngoại trừ lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Trong khi đó, chênh lệch trong khu vực tư thường đến từ sự khác nhau giữa vốn đầu tư cho các lĩnh vực.

Các phân tích thống kê mô tả sâu về giới tính cũng chỉ ra một số điểm thú vị. Nhìn chung, nam giới có mức thu nhập lớn hơn đáng kể so với nữ giới, và khoảng cách này càng lớn hơn trong khu vực tư. Mức lương bình quân của nam giới và nữ giới lần lượt là khoảng 8,68 triệu đồng/tháng và 7,00 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê mô tả, nữ giới tốt nghiệp ngành nghệ thuật và nhân văn thu nhập khoảng 8,16 triệu đồng/tháng, chỉ sau nữ sinh viên tốt nghiệp ngành quốc phòng và an ninh. Đối với nam giới, những người thuộc lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn thu nhập khoảng 8,48 triệu đồng/tháng; xếp sau những người đã tốt nghiệp các ngành quốc phòng và an ninh, y tế và sức khỏe, kỹ sư và các ngành dịch vụ khác.

Còn phân tích hồi quy cho thấy, với các điều kiện khác là như nhau, ngành nghề mang lại thu nhập cao nhất cho nữ giới là các ngành nghệ thuật và nhân văn. Trong khi, đối với nam giới, các ngành có mức lương hấp dẫn là sư phạm, giáo dục, y dược học. Ngành có mức lương cao cho cả hai giới tính là an ninh quốc phòng.

Một kết quả bất ngờ từ phân tích hồi quy đa biến, đó là các ngành thiên hướng định lượng và công nghệ (như kỹ sư, toán học, khoa học máy tính và kinh doanh, tài chính) có mức thu nhập thấp hơn so với các ngành nhân văn và nghệ thuật. Phát hiện này tương tự với trường hợp của Trung Quốc nhưng lại trái ngược hoàn toàn so với các nghiên cứu ở các nền kinh tế phát triển, nơi lĩnh vực có thu nhập cao nhất thường là nhóm ngành kỹ thuật, trong khi lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn luôn có mức lương thấp nhất.

Trong bài báo nghiên cứu, các tác giả đưa ra một số lý giải cho phát hiện mới lạ này. Cử nhân một số ngành định hướng kỹ thuật và định lượng nhận thu nhập không cao hơn, thậm chí còn thấp hơn so với ngành nhân văn, nghệ thuật có thể là do chất lượng đào tạo các ngành này còn thấp. Bên cạnh đó, nhu cầu tương đối thấp về lao động trình độ đại học ở các lĩnh vực này cũng có thể là một phần nguyên nhân. Đặc biệt trong trường hợp Việt Nam, sự khác biệt thu nhập còn đến từ chính sách của chính phủ đối với các ngành, theo đó, nhân sự thuộc các ngành an ninh quốc phòng có mức lương cao đáng kể. Cuối cùng, những ngành nghệ thuật và nhân văn thường có xu hướng thúc đẩy các “kỹ năng mềm” có giá trị như giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và phản biện, khả năng thích ứng và tính linh hoạt. Điều này gợi mở cho các chủ đề nghiên cứu tiếp theo để làm sáng tỏ hơn nguyên nhân của vấn đề, TS Tuyến nói.

Nghiên cứu còn chỉ ra một số yếu tố khác ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê đến sự chênh lệch mức lương. Trong khu vực tư, mức thu nhập sẽ tăng lên theo vị trí việc làm. Công việc trái với ngành đào tạo dẫn đến mức lương thấp hơn, và sự chênh lệch này rõ ràng tại khu vực công hơn là khu vực tư. Có sự chênh lệch giữa vùng nông thôn và thành thị, khoảng cách này càng lớn hơn trong khu vực công. Cuối cùng, tổng sản phẩm quốc nội cấp tỉnh cũng có tương quan thuận với mức thu nhập và mối liên hệ này mạnh hơn ở khu vực tư.

Từ những phát hiện đó, các tác giả nêu lên một số khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý giáo dục.

Thực trạng nhân viên tại khu vực công được trả mức lương thấp hơn so với khu vực tư đã khiến nhân viên khu vực công phải tìm các con đường khác để kiếm thu nhập. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến hối lộ và các khoản thanh toán không chính thức vẫn phổ biến trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Tác giả đưa ra hàm ý rằng, chính sách của chính phủ cần có sự cải thiện về mức thu nhập trong các lĩnh vực này như một cách hiệu quả để chống tham nhũng và thúc đẩy liêm chính ở Việt Nam.

Ngoài ra, tác giả bày tỏ lo ngại chênh lệch trong mức thu nhập sẽ dẫn đến những chênh lệch trong thu hút đầu tư vào các ngành nghề có mức lương chưa hấp dẫn như kỹ sư, từ đó làm thiếu hụt kỹ sư tài năng – nguồn lực cần thiết cho quá trình hiện đại hóa đất nước. Bởi vậy, cần có những biện pháp toàn diện để thúc đẩy cả hai phía cung và cầu đối với ngành học này như tăng cường, nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng lĩnh vực sản xuất, thị trường việc làm để tiếp tục thu hút sinh viên tài năng.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu từ dữ liệu điều tra Lao động và việc làm năm 2018, những ngành đào tạo chiếm nhiều nhân lực trình độ từ đại học trở lên nhất lần lượt là kinh doanh và tài chính (29%, lấy con số xấp xỉ), giáo dục và sư phạm (27%), và kỹ sư (12%). Sự phân bố giới tính theo các lĩnh vực cũng rất khác nhau. Ba ngành học có tỉ lệ nữ cao nhất là ngành giáo dục và sư phạm, kinh doanh và tài chính. Trong khi đó, tỉ lệ nam cao nhất ở các ngành tài chính và kỹ sư.

Về sự phân bố theo ngành và khu vực, nhóm nghiên cứu tính toán, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm và giáo dục làm việc ở khu vực công (42%) và nông thôn (40%) cao hơn so với khu vực tư nhân (5%) và thành thị (23%). Số sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính và kinh doanh làm việc trong khu vực tư nhân (47%) và ở khu vực thành thị (31%) cao hơn so với khu vực công (17%) và ở khu vực nông thôn (20%). Một mô hình phân phối tương tự cũng cho thấy sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật có nhiều việc làm hơn ở khu vực tư nhân và khu vực thành thị.

Nguồn tham khảo:

Tran Quang Tuyen & Vu Van Huong. (2020). Wage earning differentials by field of study: Evidence from Vietnamese university graduates. International Journal of Educational Development, 78, 102271.