Cách đây khoảng 5 năm, chúng ta vui mừng vì có những công ty nhập khẩu chương trình giáo dục STEM về để phổ biến thì giờ đây chúng ta càng có lý do chính đáng để vui mừng khi bắt đầu xuất hiện những chương trình do các thầy cô trong nước xây dựng và được chứng nhận đạt chuẩn. Nhưng bản thân chương trình chưa phải là tất cả trong lĩnh vực này.
Trước khi trở thành giáo viên chuyên dạy tích hợp STEM cho tất cả các khối lớp ở Trường tiểu học Dạ Hợp, TP Hòa Bình, thầy Hà Văn Lanh chỉ dạy mỗi môn Toán. Kể về các tiết học tích hợp STEM còn rất mới mẻ ngay với chính mình, người thầy trẻ tuổi không thể quên những tiết học “thất bại”: một lần, thầy đã không thể thả mô hình con cá làm từ những chiếc ghim chữ A nổi trên mặt nước trong giờ dạy các em học sinh lớp 1, “dù trước đó thử hàng chục lần ngon rồi”. Thầy cũng đang phải tạm thời “nhảy cóc” bài chế tạo xe chạy bằng động cơ dựa trên nguyên vật liệu đã cho ở lớp 3 và bài chế tạo thuyền từ foil nhôm có khả năng nổi trên mặt nước ở lớp 2 vì chưa “gọt giũa” được những mô hình như ý. “Nhưng tôi sẽ không ‘trốn’, sẽ trả nợ các em trước khi năm học kết thúc.” Trong trường hợp khó quá, thầy sẽ nhờ sự trợ giúp của Học viện Sáng tạo S3, nơi cung cấp chương trình các hoạt động STEM cho trường Dạ Hợp.
Ở ngôi trường tư thục mới tuyển sinh lần đầu vào năm ngoái này, các tiết học tích hợp STEM được đưa vào chính khóa ở tất cả các lớp (gồm 3 lớp ở 3 khối 1, 2 và 3), thay thế một phần nội dung các môn Toán, Khoa học, Tự nhiên và Xã hội, Mĩ thuật – Thủ công. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã định hướng đề cao trải nghiệm của học sinh, giảm bớt sự nhàm chán của việc học chay 1+1=2 hay tam giác là hình có 3 cạnh và 3 góc. Sau khi tìm hiểu và được các đối tác giới thiệu, chúng tôi quyết định chọn chương trình của S3. Phải nói là một số đơn vị khác cũng có chương trình hấp dẫn và dễ triển khai nhưng chỉ có chương trình của S3 đáp ứng được mục tiêu giáo dục của Hệ thống,” cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc điều hành Hệ thống Giáo dục Dạ Hợp, cho biết. “Chương trình của S3 được xây dựng bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT, đồng thời áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại với mục tiêu lấy người học là trung tâm.”
Chương trình mà Trường tiểu học Dạ Hợp nhận chuyển giao có tên đầy đủ là “Chương trình hoạt động giáo dục STEM cho học sinh tiểu học”, do Học viện Sáng tạo S3 hình thành nên trong quá trình tham gia các hoạt động tập huấn và phổ biến giáo dục STEM ở nhiều địa phương từ năm 2015. TS Đặng Văn Sơn, người sáng lập S3, cho biết, “Chương trình được viết trước hết để phục vụ hoạt động của S3, nhưng chúng tôi nhận thấy, nó cũng có thể được sử dụng như giáo án cho các thầy cô dạy tích hợp STEM ở các trường. Khi soạn thảo, chúng tôi có tham khảo các chuẩn của chương trình khoa học của Cambrigde và chuẩn khoa học mới NGSS [Next Generation Science Standards] của Mỹ.”
Mới đây, Chương trình đã được chuyển giao trọn vẹn cho ba trường tiểu học ở Hà Nội và Hòa Bình. “Tuy nhiên, chỉ các trường tư mới có điều kiện nhận chuyển giao, còn các trường công thì không vì cơ chế không cho phép họ dùng ngân sách để mua giáo án,” theo TS Sơn.
S3 đang tích cực đi tìm nguồn tài trợ để hỗ trợ chuyển giao Chương trình cho các trường công và đến nay, đã chuyển giao một phần Chương trình cho vài chục trường ở TP Hạ Long, Hà Nội và Nghệ An theo cách này. “Không chỉ chuyển giao tài liệu cả bản mềm và bản cứng, chúng tôi còn hỗ trợ tập huấn tại chỗ trong 1 tuần cho giáo viên của các trường,” TS Đặng Văn Sơn cho biết.
Hiện nay, về cơ bản, S3 cũng đã hoàn thành biên soạn Chương trình hoạt động giáo dục STEM cho học sinh THCS và THPT; đồng thời tiếp tục cập nhật thêm các hoạt động mới cho Chương trình tiểu học.
Cách đây khoảng 5 năm, chúng ta vui mừng vì có những công ty nhập khẩu chương trình giáo dục STEM về để phổ biến thì giờ đây chúng ta càng có lý do chính đáng để vui mừng khi bắt đầu xuất hiện những chương trình do các thầy cô trong nước xây dựng và được công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, TS Đặng Văn Sơn cho rằng, trong giáo dục STEM, thách thức về chương trình chưa phải là tất cả. “Càng lên bậc học trên, giáo dục STEM càng đòi hỏi các vật liệu tốn kém hơn và giáo viên phải có trình độ dạy tích hợp cao hơn. Chúng tôi nhận thấy, trong khi học sinh thích ứng rất nhanh với lối học mới thì các thầy cô gặp không ít khó khăn về kỹ thuật và chuyên môn. Giờ mà nói về lập trình thì nhiều khi các thầy cô không nhanh bằng học sinh, bởi vậy vai trò của người thầy cũng sẽ dần nhường chỗ cho vai trò người hướng dẫn hay mentor khi các em học lên. Các thầy cô cũng cần ngồi lại với nhau nhiều hơn để có sự trao đổi liên môn sáng tạo và hiệu quả, điều mà theo tôi quan sát thì hiện nay còn rất hiếm,” TS Sơn chỉ ra.
Nói thêm về các quan sát mang tính khái quát của mình sau 5 năm theo đuổi lĩnh vực giáo dục STEM, TS Sơn cho rằng, điều đáng giá nhất đối với anh là sự hào hứng của các em học sinh với lối học tích hợp. “Đó là niềm vui khi các em phát hiện ra rằng, học không chỉ có nghĩa là lên lớp nghe giảng và về nhà làm bài tập,” anh kết luận.
Chương trình hoạt động giáo dục STEM cho học sinh tiểu học của Học viện Sáng tạo S3 được xây dựng dựa trên các nhóm chủ đề chính về con người và sức khỏe, thế giới động thực vật, môi trường, thiết kế và chế tạo, vật chất năng và lượng, Trái đất và bầu trời.
Thông qua nội dung từ khoảng 35 đến 70 tiết học cho mỗi khối lớp, Chương trình đặt mục tiêu hình thành và phát triển một số năng lực hợp phần đặc trưng của năng lực STEM như thiết kế kỹ thuật để giải quyết vấn đề thực tiễn; tìm tòi, phát hiện vấn đề mới; và sáng tạo khoa học.
Bên cạnh đó, Chương trình còn có mục tiêu hình thành và phát triển các năng lực như ngôn ngữ, tính toán, tin học, công nghệ, tư duy phản biện, giao tiếp và hợp tác.
Tháng 5/2020, Chương trình đã được Hội đồng khoa học thẩm định của Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam xác nhận đủ tiêu chuẩn áp dụng vào các câu lạc bộ và chương trình ngoại khóa của tất cả các trường tiểu học trên cả 63 tỉnh, thành phố. |