Tại buổi sơ kết 3 năm thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KHCN và Bộ GDĐT vào ngày 25/6, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa hai bên, và cho rằng nên có thêm những chính sách cụ thể để đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học vào thời gian tới.
Quang cảnh Hội nghị sơ kết.
Ngày 01/8/2017, Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT đã ký chương trình phối hợp công tác số 496/ CTrPH-BGDĐT-BKHCN về KH&CN giai đoạn 2017-2025 với mục đích nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực KH&CN, thúc đẩy liên kết giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.
Theo ông Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT), “Trong giai đoạn 2017-2020 vừa qua, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và ban hành các chính sách phục vụ phát triển ngành. Chương trình Khoa học giáo dục cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 cũng đã phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng, ban hành chính sách đổi mới GD-ĐT và phát triển kinh tế - xã hội.”
Đồng thời, nhiều nghiên cứu phục vụ công tác quản lý của ngành như đổi mới thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên…. cũng đang được triển khai và bước đầu đã chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị có liên quan. “Điều đó cho thấy, nghiên cứu khoa học đã gắn với thực tế nhiều hơn, khẳng định bước tiến lớn và hướng đi đúng của chương trình” – ông Tạ Ngọc Đôn cho biết.
Hai bên cũng đã phối hợp triển khai Chương trình trọng điểm quốc gia về Toán giai đoạn 2010-2020 và Chương trình phát triển Vật lý, góp phần nâng cao vị thế của Toán học và Vật lý Việt Nam trên trường quốc tế; Chương trình 562 nhằm thúc đẩy công bố quốc tế và đào tạo tiến sĩ; triển khai hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp của sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học.
Ông Đôn đề xuất, trong thời gian tới, hai Bộ cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung trong Chương trình phối hợp; “tập trung vào một số dự án đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ các chương trình nghiên cứu cơ bản, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, trang thiết bị chuyên dụng để thực hiện chương trình nghiên cứu gắn với nhóm nghiên cứu mạnh.”
Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KHCN và Bộ GDĐT vào ngày 25/6.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, những kết quả này cho thấy sự phối hợp hiệu quả giữa hai Bộ trong thời gian vừa qua. “Và đây là lúc chúng ta cùng nhìn lại để tiếp tục xác định những nội dung trọng tâm của Chương trình phối hợp trong 5 năm tới”.
Theo Bộ trưởng, “ngành Giáo dục trong thời gian gần đây đã có những bước tiến mới, thể hiện bằng sự chuyển động mạnh mẽ trong cơ chế chính sách và từng hoạt động cụ thể. Thời gian sắp tới, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục xây dựng một số Chương trình nghiên cứu lớn đa lĩnh vực, liên ngành gắn với các ngành đào tạo mũi nhọn, đào tạo tiến sĩ, công bố quốc tế, sáng chế, giải pháp hữu ích và phát triển sáng phẩm KH&CN chủ lực. Bên cạnh đó, cần xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh mang tính dẫn dắt KH&CN để giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, của quốc gia.”
Việc đầu tư phát triển nhóm nghiên cứu mạnh cũng là một phần nội dung mà Bộ KH&CN sẽ góp ý cho Bộ GD&ĐT để xây dựng chính sách trong thời gian tới. Song song với việc đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học, cần có thêm chính sách nghiên cứu khoa học dành cho giảng viên trẻ.
Cần có những chính sách hợp lý để phát triển nhóm nghiên cứu mạnh ở các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: Châu Long.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự đồng tình: “Cần có những cơ chế hợp lý cho các nhóm nghiên cứu. Các nhóm nghiên cứu mạnh nếu có sản phẩm tốt thì được phép trực tiếp nhận vốn của Bộ KH&CN, hạn chế qua trung gian. Điều này sẽ tạo ra sự đua tranh tích cực giữa các nhóm với nhau.” Ngoài ra, ông cho biết cần có hình thức ghi nhận xứng đáng với các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu có đóng góp, cống hiến tích cực.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị.
Cũng trong buổi sơ kết, một số khó khăn trong quá trình triển khai chương trình đã được nêu ra. Cụ thể, việc đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN của các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT chưa tương xứng với tiềm lực của đội ngũ, dẫn đến nhiều dự án sản xuất thử nghiệm, dự án thuộc các chương trình nghiên cứu cơ bản, chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp bộ không đủ kinh phí thực hiện. Ngoài ra, việc triển khai Chương trình khoa học giáo dục cấp quốc gia chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc bố trí kinh phí thực hiện; số lượng nhiệm vụ và kinh phí bố trí cho các nhiệm vụ thuộc các Chương trình KH&CN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn khiêm tốn. Chính vì vậy, trong thời gian tới, hai bên cần sớm có giải pháp để khắc phục toàn bộ những khó khăn này.
Kết thúc hội nghị sơ kết, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh kết luận, từ những kết quả đạt được, hoạt động phối hợp cần đi vào chiều sâu, thực chất và thường xuyên hơn nữa. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của đơn vị đầu mối trong công tác phối hợp giữa hai Bộ, từ đó có thể phối hợp chặt chẽ để Chương trình phối hợp đạt kết quả tốt trong thời gian tới.
Hiện nay, bộ GD&ĐT đang quản lý trực tiếp hoạt động KH&CN của 43 đại học, trường đại học, học viện và trường cao đẳng sư phạm (gọi chung là các cơ sở giáo dục đại học) và viện nghiên cứu, trong đó có 03 đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng - với 27 đơn vị thành viên), 34 trường đại học, học viện, 03 trường cao đẳng sư phạm và 3 viện nghiên cứu (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, Viện nghiên cứu thiết kế trường học).
Số lượng tiến sĩ trong các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT hiện chiếm 38% tổng số tiến sĩ trong 235 cơ sở giáo dục đại học cả nước hiện nay.
Tuy số lượng cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT chỉ chiếm 18,2% số lượng cơ sở giáo dục đại học trong cả nước, nhưng lực lượng cán bộ KH&CN lại chiếm đến 33% của cả nước.
Đáng chú ý, 7 năm qua, giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trao 20 giải, trong đó có 12/20 giải thuộc cơ sở giáo dục đại học 4 trong số đó là của các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, năm 2019, cả nước có 7.705 bài công bố ISI, trong đó toàn hệ thống giáo dục đại học có 6.549 bài (85%), các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT có 2.412 bài (36,8%).
|