Liên minh châu Âu EU đã trở thành cơ quan quốc tế đầu tiên hình sự hóa các trường hợp phá hủy môi trường nghiêm trọng được xếp vào dạng “tương đương với hủy diệt môi trường”. Các chuyên gia gọi đây là một cuộc cách mạng về môi trường.

Rò rỉ dầu từ một con tàu. Ảnh: Istock
Rò rỉ dầu từ một con tàu. Ảnh: Istock

Tội phạm môi trường tăng nhanh

Cuối tháng Hai vừa qua, Nghị viện châu Âu đã bật đèn xanh cho một luật quan trọng của EU nhằm phục hồi thiên nhiên. Dự luật được thông qua với 499 phiếu thuận, 100 phiếu chống và 23 phiếu trắng.

Nội dung cơ bản của luật này chống lại những người gây hại cho hệ sinh thái và qua đó, gián tiếp gây hại cho sức khỏe con người.

Theo Marie Toussaint, một luật sư người Pháp và là nghị sĩ châu Âu, luật pháp hiện hành của EU và các quốc gia không ngăn cản người ta phạm tội môi trường do quy định còn hạn chế và chế tài rất thấp.

Bà cho biết, tội phạm môi trường đang phát triển với tốc độ nhanh và chỉ mất vài năm để trở thành lĩnh vực tội phạm lớn thứ tư trên thế giới.

Sự ra đời của quy định mới sẽ nhắm vào nhiều hành vi phạm tội môi trường với mức án cao hơn, bao gồm các hành vi như buôn bán và khai thác gỗ bất hợp pháp; gây cạn kiệt tài nguyên nước; vi phạm nghiêm trọng luật hóa chất của EU; ô nhiễm do tàu gây ra; phá hủy sinh thái do cháy rừng quy mô lớn; đưa vào và làm lây lan các loài ngoại lai xâm lấn; phá hủy tầng ozone

Tuy nhiên, nó không đề cập đến đánh bắt cá, xuất khẩu chất thải độc hại sang các nước đang phát triển hoặc gian lận trên thị trường carbon.

Khi các quốc gia đưa các quy định trên vào luật của nước mình, họ có quyền linh hoạt trong việc lựa chọn áp dụng mức phạt dựa trên tỉ lệ doanh thu của các công ty (có thể lên tới 5% tùy theo loại tội phạm) hoặc mức phạt ấn định lên tới 40 triệu euro.

Theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền", các doanh nghiệp vi phạm phải hành động để phục hồi môi trường bị hư hại, bồi thường cho nạn nhân và chịu mọi chi phí tố tụng tại tòa án

Họ cũng có nguy cơ ngồi tù với một số tội danh nghiêm trọng.

Hình sự hóa tội phạm hủy diệt môi trường

Những người ủng hộ nhấn mạnh rằng Luật hình sự hóa một cách hiệu quả hành vi “hủy diệt môi trường” (ecocide). Mặc dù văn bản luật không dùng từ ecocide một cách trực tiếp nhưng trong phần mở đầu đề cập đến "các trường hợp có thể sánh với hủy diệt môi trường".

Ecocide được định nghĩa là "các hành vi bất hợp pháp hoặc cố ý, được thực hiện với nhận thức rằng nó có khả năng cao gây thiệt hại nghiêm trọng và tạo ra những tổn thương sâu rộng hoặc lâu dài đối với môi trường".

Định nghĩa này được xây dựng vào năm 2021 bởi 12 luật sư từ khắp nơi trên thế giới và được trình bày bởi Tổ chức Stop Ecocide International. Năm ngoái, Nghị viện châu Âu đã đề xuất đưa vấn đề hủy diệt môi trường vào luật của EU.

Theo luật mới, các cá nhân, như lãnh đạo hoặc thành viên hội đồng quản trị công ty có thể lãnh án đến 8 năm tù nếu công ty phạm tội môi trường. Bản án tối đa sẽ tăng lên 10 năm nếu việc đó gây ra cái chết của bất kì người nào.

Luật sư Antonius Manders, nghị sĩ Hà Lan, mô tả những thay đổi về án phạt này là rất đáng hi vọng. “Các CEO có thể không ngại bị phạt tiền, nhưng họ không muốn liên lụy đến cá nhân. Họ không bao giờ muốn đi tù", ông nói.

Cá nhân có thể phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình nếu họ nhận thức được hậu quả và có khả năng ngăn chặn chúng, Manders giải thích.

"Ví dụ, họ không thể bào chữa rằng họ đã được cấp phép để thực hiện hành vi đó và do đó không vi phạm luật pháp, vì mọi người có nghĩa vụ phải bảo vệ môi trường. Nếu thông tin mới cho thấy hành vi của họ đang gây ra thiệt hại không thể đảo ngược đối với sức khỏe và thiên nhiên - họ phải dừng lại", ông nói.

Michael Faure, giáo sư luật môi trường so sánh tại Đại học Maastricht đồng ý với nhận định này. “Khi luật được thực hiện bởi các quốc gia thành viên, các nhà khai thác phải nhận thức được rằng chỉ tuân thủ giấy phép không còn giải phóng họ khỏi trách nhiệm hình sự. Và đó không khác gì một cuộc cách mạng."

Theo quy định trước đây của EU và của hầu hết các quốc gia thành viên, tội phạm môi trường chỉ có thể bị trừng phạt khi có hành vi bất hợp pháp. Nhưng chừng nào doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện của giấy phép, hành động của họ sẽ không bị coi là bất hợp pháp.

Kết quả là, có thể có những trường hợp ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thậm chí gây thiệt hại cụ thể đối với sức khỏe con người nhưng miễn là doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện của giấy phép thì sẽ không có sự bất hợp pháp.

Ví dụ, ngành công nghiệp hóa chất ở Hà Lan được cấp giấy phép xả thải vào năm 1982, “cho phép” gây ô nhiễm nước bằng hóa chất vĩnh cửu PFAS trước khi các hóa chất này được xác định là có hại cho sức khỏe con người.

Nhưng ngày nay, chúng ta biết rằng các hóa chất này gây ung thư và thậm chí tử vong. Vì vậy, trong một vụ kiện như vụ kiện gần đây nhằm vào công ty hóa chất Chemours (cáo buộc công ty cố tình đưa PFAS vào không khí, đất hoặc nước mặt từ năm 1967 đến nay), mặc dù công ty có giấy phép, nhưng khi luật mới có hiệu lực, họ phải dừng việc xả thải, vì PFAS đã được chứng minh gây hại cho mọi người.

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ có 2 năm để đưa nội dung của Luật mới về tội phạm môi trường vào luật pháp quốc gia.

Nguồn: