Nghị định số 109/2022/NĐ-CP về hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học được ban hành mới đây đưa ra các quy định khung mà nếu các trường vận dụng tốt thì có thể tháo gỡ khá nhiều vướng mắc bấy lâu nay trong các hoạt động KH&CN.

Điểm đầu tiên, Nghị định đề cập việc các cơ sở giáo dục đại học được phép thành lập quỹ phát triển KH&CN của đơn vị. Chuyện này quan trọng như thế nào? Chúng ta có thể thống nhất với nhau rằng, phát triển KH&CN trình độ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học thực nghiệm, là rất tốn kém, đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải có nguồn kinh phí phù hợp.

PGS.TS Trần Đình Phong, Phó hiệu trưởng USTH. Ảnh: USTH
PGS.TS Trần Đình Phong, Phó hiệu trưởng USTH. Ảnh: USTH

Cho đến nay, các trường công lập như USTH vẫn xây dựng và sử dụng kinh phí cho phát triển KH&CN theo cơ chế dự toán tài chính hằng năm, ví dụ trích tối thiểu 5% từ các nguồn thu hợp pháp của trường (học phí, kinh phí nhà nước cấp, v.v)... Kinh phí này không được lũy kế cho các năm tiếp theo. Đối với các trường lớn có nguồn thu lớn thì có thể ít gặp khó khăn, nhưng đối với những trường đang xây dựng và phát triển như USTH thì có rất nhiều khó khăn ở chỗ, chúng tôi không thể có ngay vài chục tỷ cho phát triển các chương trình nghiên cứu lớn. Mặc dù đã rất cố gắng tài trợ các đề tài cấp trường ở mức 300-350 triệu đồng/1 đề tài hai năm, nhưng kinh phí này là khá khiêm tốn so với tài trợ nghiên cứu của các đồng nghiệp Pháp và đồng nghiệp quốc tế khác. Kết quả là sẽ khó tạo được các thay đổi về chất. Bây giờ, việc thành lập quỹ KH&CN đã được chính thức đề cập trong Nghị định, và các trường đang có cơ hội linh hoạt trong việc bố trí, sử dụng kinh phí để tích lũy đủ nguồn lực cần thiết cho những chương trình nghiên cứu lớn.

Ngoài kinh phí trích từ nguồn thu học phí hằng năm (trích tối thiểu 5% với các trường, và tối thiểu 8% với các trường định hướng nghiên cứu), theo Nghị định mới, quỹ KH&CN của các trường còn được phép nhận các khoản đóng góp tự nguyện, tài trợ, hiến, tặng của cựu sinh viên hoặc của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước – những nguồn tài chính mà các trường chưa được phép tiếp nhận trước Nghị định 109. Có thể hy vọng các mạnh thường quân sẽ hiến tặng cho quỹ KH&CN để xây dựng một chương trình nghiên cứu cụ thể, trong đó có kinh phí để mời các nhà khoa học tiềm năng, trả học bổng cho các nghiên cứu sinh giỏi, đầu tư các trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, hay vận hành và sửa chữa các trang thiết bị nghiên cứu đã được nhà nước đầu tư, v.v.

Quỹ KH&CN cũng cho phép các trường chủ động nguồn kinh phí cần thiết để dịch chuyển từ “học tiến sĩ” sang “làm tiến sĩ”, từ đó thay đổi về chất hoạt động đào tạo tiến sĩ trong nước.

Không chỉ được phép tiếp nhận và sử dụng các nguồn tài chính đa dạng, các cơ sở đào tạo còn được quyền sử dụng quỹ KH&CN để thực hiện đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo v.v để tăng vốn. Quỹ KH&CN khỏe mạnh là một điều kiện để các trường đảm bảo chất lượng nghiên cứu, chất lượng đào tạo mà không phải tăng học phí quá cao so với mặt bằng kinh tế chung của gia đình người học.

Một điểm nghẽn nữa mà Nghị định đã giúp khơi thông, đó là trước đây các quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp chỉ được tiêu nội bộ, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa đủ nhân lực để triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển nên khó giải ngân quỹ này. Giờ đây, với nghị định mới, các doanh nghiệp có thể dùng quỹ KH&CN hợp tác với các trường để xây dựng các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ chung, xây dựng các phòng thí nghiệm nghiên cứu chung, hay các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp chung. Các doanh nghiệp cũng được sử dụng quỹ KH&CN để chi trả tiền công, thuê chuyên gia là giảng viên, học viên của cơ sở giáo dục đại học nhằm thực hiện hoạt động KH&CN của mình. Làm được như vậy, chúng ta sẽ có cơ hội kéo nhà trường và doanh nghiệp lại gần nhau hơn, thực chất hóa các hợp tác và tối ưu hóa nguồn lực KH&CN của các bên cho sự phát triển chung.

Như vậy, tôi thấy, nếu vận dụng Nghị định, các trường sẽ có cơ sở để huy động nhiều nguồn lực sẵn có của xã hội để phát triển KH&CN. Và đây là điểm khởi đầu cho những câu chuyện nghĩ lớn, làm lớn vì chúng ta có cơ sở để tích lũy vốn.

Ngoài ra, có một điểm quan trọng nữa, lâu nay chúng ta hay nói rằng khoảng cách giữa nghiên cứu trong trường đại học và thị trường rất xa. Chúng ta mơ ước về một quốc gia khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp công nghệ, nhưng chúng ta còn thiếu hành lang pháp lý cho sự ra đời của các spinoff, startup trong trường đại học. Nghị định 109 quy định rằng bằng sáng chế - sản phẩm của một đề tài, chương trình nghiên cứu sử dụng vốn nhà nước - sẽ được cơ quan quản lý trực tiếp nguồn vốn đó giao lại cho trường là đơn vị tạo ra sáng chế. Trường sở hữu bằng độc quyền sáng chế được thành lập doanh nghiệp, đăng ký doanh nghiệp KH&CN, hoặc dùng bằng độc quyền sáng chế làm vốn đối ứng thành lập doanh nghiệp (mà đối tác có thể là cựu sinh viên, giảng viên của trường – các tác giả của bằng sáng chế). Trường còn được phép đóng góp vốn đối ứng cho các doanh nghiệp này từ quỹ KH&CN. Đương nhiên, lợi nhuận từ các đầu tư trí tuệ, tài chính đem lại một nguồn thu khác cho quỹ KH&CN của trường.

Cũng trong Nghị định, vấn đề liêm chính học thuật trong cơ sở giáo dục đại học chính thức được đề cập. Các trường đều phải ban hành quy định và tự chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến liêm chính học thuật của mình. Trước đây, chúng ta có xu hướng thảo luận vấn đề liêm chính học thuật một cách cảm tính, theo các thông lệ quốc tế nhưng thiếu các quy định - thông lệ thành văn - của các trường. Tôi nghĩ rằng, khi các quy định này được thảo luận công khai, xây dựng và ban hành chính thức tại các trường thì sẽ rất tốt cho không khí học thuật chung của đất nước.

Như vậy, tôi tin rằng Nghị định mang đến rất nhiều điều tích cực cho hoạt động KH&CN trong cơ sở giáo dục đại học. Nếu còn băn khoăn thì chỉ nằm đâu đấy ở những quy định liên quan đến tiêu chí công nhận nhóm nghiên cứu mạnh. Tôi hiểu khái niệm nhóm nghiên cứu mạnh trong văn bản này hàm ý nhóm nghiên cứu mạnh được thừa nhận ở cấp độ quốc gia. Nhưng các nhóm này lại do các trường thành lập, do đó Nghị định có quan điểm chốt những điều kiện cứng để các trường có thể áp dụng.

Theo văn bản thì chưa rõ để được công nhận, một nhóm nghiên cứu mạnh có phải đáp ứng đồng thời tất cả các tiêu chí hay không. Còn nếu hiểu là yêu cầu đồng thời vừa nghiên cứu cơ bản công bố quốc tế tốt, vừa nghiên cứu ứng dụng có sản phẩm là các bằng độc quyền sáng chế, vừa chuyển giao công nghệ tốt thì có nghĩa rằng chúng ta sẽ không có các nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực toán học, vật lý thiên văn, vật lý hạt nhân, hay các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, ngoài các nhóm nghiên cứu mạnh, Nghị định còn đề cập việc xây dựng các loại hình nhóm nghiên cứu khác. Do đó, các trường tùy theo đặc điểm và chiến lược phát triển của mình xây dựng các nhóm nghiên cứu - có thể gọi là nhóm nghiên cứu tiềm năng, nhóm nghiên cứu mũi nhọn, nhóm nghiên cứu dẫn dắt, v.v - tên gọi một nhóm nghiên không quan trọng bằng nội lực, uy tín và ảnh hưởng của nó tới cộng đồng.

Tất nhiên, nếu hướng tới các ưu đãi ở tầm quốc gia cho nhóm nghiên cứu mạnh như quy định trong nghị định này thì nhóm nghiên cứu phải đạt được các tiêu chí đã được ban hành. Cộng đồng học thuật có thể thảo luận lại sự phù hợp của các tiêu chí hiện nay trong lần sửa đổi nghị định sau.


Nhóm nghiên cứu phát triển thuốc từ thực vật Phytomedicine, một nhóm nghiên cứu mạnh của USTH, được thành lập vào năm 2022 nhằm tìm kiếm các nguồn hoạt chất tự nhiên có tác dụng chống ung thư, kháng viêm, chống loãng xương... Ảnh: USTH

Giữa năm 2022, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã công bố quy chế về việc tuyển chọn, thành lập và tổ chức hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm nghiên cứu tiềm năng với các tiêu chí rõ ràng cùng các chế độ hỗ trợ cụ thể. Chia sẻ thêm về chiến lược phát triển nhóm nghiên cứu của trường, Phó hiệu trưởng Trần Đình Phong cho biết:

Đến năm 2030, quy mô dự kiến của USTH là 5.000 sinh viên. Theo quy định đối với trường đại học nghiên cứu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên là 20/1, thì lúc đó chúng tôi cần có khoảng 250 giảng viên – hiện giờ chúng tôi có gần 100.

Với đội ngũ 250 giảng viên, chúng tôi hướng tới tổ chức thành khoảng 15 – 20 nhóm nghiên cứu. Giữa năm 2022, chúng tôi đã triển khai đợt tuyển chọn nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng đầu tiên. Kết quả đã tuyển chọn và thành lập được một nhóm nghiên cứu mạnh và hai nhóm nghiên cứu tiềm năng. Trong quý I này, chúng tôi sẽ thông báo tuyển chọn lần hai. Hy vọng, đến năm 2030, chúng tôi sẽ có 5-6 nhóm nghiên cứu mạnh cùng khoảng chục nhóm nghiên cứu tiềm năng, trong đó sẽ có 2-3 nhóm nghiên cứu mạnh nổi hẳn lên, giúp định danh USTH.

Quan điểm của chúng tôi là ưu tiên đầu tư cho các nhóm nghiên cứu, dù hiện nay chúng tôi vẫn đang triển khai song song cả tài trợ cho cá nhân nhà nghiên cứu thông qua các đề tài. Với các nhóm nghiên cứu, chúng tôi cố gắng trao quyền tự chủ tối đa về tài chính cho các trưởng nhóm - điều này cũng phù hợp với tinh thần của Nghị định 109. Nhóm nghiên cứu được coi như một đơn vị chuyên môn trực thuộc của trường. Vào tháng 12 hằng năm, nhóm nghiên cứu được yêu cầu xây dựng kế hoạch tài chính năm tiếp theo như tất cả các phòng, ban khác. Nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm nghiên cứu tiềm năng được chi tối đa lần lượt là 1 tỷ đồng và 500 triệu đồng / năm.

Ngoài việc yêu cầu trưởng nhóm phải xây dựng được lộ trình phát triển cả về nội dung KH&CN và nhân lực, chúng tôi còn đưa ra một yêu cầu kỹ thuật khá đặc biệt để mọi người không coi nhóm nghiên cứu như dự án nghiên cứu. Theo đó, nhóm nghiên cứu phải chứng minh được khả năng thu hút kinh phí tài trợ nghiên cứu từ các nguồn khác ngoài trường. Ví dụ, trong ba năm, nhóm nghiên cứu mạnh nhận 3 tỷ đồng tài trợ của trường thì có trách nhiệm tìm được 1,5 tỷ đồng kinh phí từ bên ngoài. Thời gian tài trợ cho nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng là ba năm, có thể kéo dài tối đa sáu năm. Từ năm thứ bảy, nhóm phải có khả năng tiếp tục phát triển với các nguồn tài trợ, đầu tư nghiên cứu ngoài trường. Chúng tôi muốn đưa ra thông điệp rất rõ ràng rằng, nếu chỉ sử dụng kinh phí của trường thì đó chưa phải là nhóm nghiên cứu mạnh.

NN ghi