Ngày hội STEM vừa là một chỉ dấu cho thành tựu của giáo dục STEM, vừa là nơi bộc lộ rõ những bất cập của chính lĩnh vực này trong nhà trường phổ thông.

Tính đến năm học 2023-2024, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai được bốn năm, trong đó, giáo dục STEM như là một phương thức/mô hình giáo dục bắt buộc triển khai trong các môn học: Khoa học (Tiểu học); Khoa học Tự nhiên (THCS); Vật lý, Hoá học, Sinh học (THPT); và Toán, Công nghệ, Tin học ở cả ba cấp.

Kết quả triển khai ra sao, chúng ta phải đợi các cơ quan chức năng tổng kết và đánh giá. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của xã hội thì các hoạt động giáo dục STEM hiện đang được triển khai khá tích cực tại các cơ sở giáo dục trên khắp cả nước, từ bậc mầm non đến THPT. Căn cứ để nói như vậy chính là việc các Ngày hội STEM đang được tổ chức có phần hoành tráng tại nhiều địa phương - từ thành phố đến nông thôn, miền núi.

Tại Hà Nội, hầu như cả 32 Phòng Giáo dục đều có kế hoạch tổ chức Ngày hội STEM và Công nghệ thông tin vào dịp cuối học kì 1 đầu học kì 2 năm học 2023-2024, và một ngày hội cấp thành phố được dự định tổ chức trong tháng Tư này.

Không chỉ ở thành phố lớn, Ngày hội STEM cấp tỉnh cũng được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước như An Giang (6/4), Hải Dương (13/4)…

Ở cấp huyện thì ngay cả những huyện thuộc danh sách khó khăn nhất cả nước cũng tổ chức Ngày hội STEM hết sức quy củ với dự tham dự của nhiều chuyên gia và học sinh các trường từ Hà Nội về thi đấu robot và giao lưu như Ngày hội STEM huyện Văn Quan (Lạng Sơn) vào ngày 6/4 vừa qua.

Trong ngày 12 và 13/4/2024, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Ngày hội STEM cấp huyện kết hợp với hai cuộc thi robot VEX VR và robot Kcbot cấp THCS. Ảnh: ĐHS
Trong ngày 12 và 13/4/2024, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Ngày hội STEM cấp huyện kết hợp với hai cuộc thi robot VEX VR và robot Kcbot cấp THCS. Ảnh: ĐHS

Nếu năm 2015, chúng ta mới tổ chức Ngày hội STEM đầu tiên tại Hà Nội, thì đến nay, hàng ngàn Ngày hội STEM các cấp, từ cấp trường đến cấp huyện và tỉnh/thành phố, đã được tổ chức. Đây là con số đáng mừng bởi nó cho thấy giáo dục STEM ít nhiều đã hiện diện ở từng trường, từng địa phương. Nhưng nếu xét đến những giá trị giáo dục của các Ngày hội STEM thì có lẽ còn rất nhiều bất cập phải khắc phục để sự kiện này nói riêng và giáo dục STEM nói chung đi vào thực chất.

Thứ nhất: Nặng tính thi thố, thành tích


Hầu hết các Ngày hội STEM tại trường học và địa phương đều có chung một định dạng và hình thức, và còn nặng tính thi thố và tranh đoạt thành tích.

Với mô hình ban đầu của Ngày hội STEM Việt Nam năm 2015, Ban tổ chức mong muốn tạo ra một sân chơi, nơi kiến thức về dạy và học STEM được chia sẻ thông qua các hoạt động trải nghiệm tại chỗ, biểu diễn khoa học, hội thảo trao đổi…; và hết sức hạn chế các hoạt động có tính thi thố. Những năm về sau, khi được triển khai tại các địa phương, thì xuất hiện phổ biến các hoạt động nặng về thi thố để lấy thành tích như chấm điểm các gian trưng bày sản phẩm giáo dục STEM. Hệ quả là các sản phẩm trưng bày hầu như đều không phải do học sinh làm trong quá trình học theo định hướng STEM mà do người lớn – trong đó có thầy cô, phụ huynh và các nguồn khác; và Ngày hội STEM bị biến thành một dạng triển lãm.

Với nhiều địa phương, đặc biệt là ở cấp trường và cấp huyện, Ngày hội STEM đã kết nối nhà trường với xã hội thông qua việc trưng bày, bán, trình diễn… các sản phẩm địa phương, giúp học sinh gắn bó thêm với nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, việc trưng bày và kết nối đó vẫn chỉ dừng ở hình thức hội chợ chứ các đơn vị tổ chức hoàn toàn chưa khai thác được các yếu tố liên quan đến khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán trong các sản phẩm địa phương, giúp học sinh có cái nhìn học tập về sản phẩm địa phương thông qua giáo dục STEM.

Thứ hai: Nội dung và sản phẩm vượt ra ngoài khả năng của số đông học sinh


Rất ít các hoạt động, sản phẩm STEM dùng cho tiết học STEM (theo hướng dẫn tại công văn 3089 và 909 của Bộ GD&ĐT về triển khai giáo dục STEM) được trưng bày và đem đến trải nghiệm cho người tham dự Ngày hội STEM. Hầu hết các sản phẩm đó là sản phẩm phục vụ hoạt động thi Khoa học - Kĩ thuật, một nội dung thường dành cho nhóm nhỏ học nâng cao. Chính vì vậy, tham gia Ngày hội STEM, học sinh chưa thực sự được trải nghiệm các hoạt động giáo dục STEM phù hợp với nội dung học trên lớp. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ yêu cầu cao của ban tổ chức đối với các sản phẩm trưng bày. Điều này còn dẫn đến việc một số trường vì thành tích sẵn sàng đi mua/thuê các sản phẩm phức tạp để trưng bày.

Thứ ba: Chưa xây dựng được hệ sinh thái giáo dục STEM


Để giáo dục STEM hay Ngày hội STEM phát huy hiệu quả thực chất thì không thể không nói đến vai trò của các thành phần trong Hệ sinh thái giáo dục STEM. Tuy nhiên, trong các Ngày hội STEM địa phương, vai trò của các thành phần như chuyên gia, trường đại học, viện nghiên cứu, công ty công nghệ… khá mờ nhạt, có chăng chỉ xuất hiện các đối tác triển khai giáo dục STEM tại địa phương, trong đó có những đối tác không thật sự có chuyên môn về STEM. Đây là điểm yếu đặc biệt tại các khu vực xa thành phố lớn, nơi còn thiếu thốn các kết nối. Nói vậy không có nghĩa là tại các thành phố lớn, mối quan hệ này chặt chẽ - tại nhiều quận/huyện ngay tại Hà Nội, các Ngày hội STEM cũng vẫn rất thiếu vắng sự tham gia của các thành phần nêu trên.

Các thành tố trong hệ sinh thái giáo dục STEM.
Các thành tố trong hệ sinh thái giáo dục STEM.

Trở về bản chất


Để các Ngày hội STEM thực sự là ngày hội của học sinh và giáo viên, thiết nghĩ, trước hết, bản thân việc triển khai giáo dục STEM tại nhà trường phải trở về với bản chất vốn có của nó.

Giáo dục STEM, như định nghĩa trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là mô hình, cách tiếp cận việc dạy các môn liên quan như Khoa học, Toán học, Tin học, Công nghệ, cần được triển khai trong nhà trường một cách tự nhiên thông qua các môn học và mở rộng hơn thông qua các hình thức giáo dục khác nhau. Tuy nhiên, cách tiếp cận giáo dục STEM tại nhiều địa phương hiện nay còn khá gượng ép, giáo viên chỉ làm khi có chỉ đạo và có cuộc thi chứ không vì sự thay đổi trong cách tiếp cận giáo dục.

Hơn nữa, năng lực của giáo viên, đặc biệt tại các khu vực có thu nhập cao, lại chưa được phát huy do các trường thường chọn triển khai giáo dục STEM thông qua các công ty giáo dục. Các công ty này sử dụng hoạt động giáo dục riêng và giáo viên riêng của họ, dẫn đến giáo viên của trường bị loại ra ngoài công cuộc giáo dục STEM, không nâng cao được năng lực qua việc triển khai các hoạt động giáo dục STEM. Như vậy một trong những đòi hỏi đầu tiên để giáo dục STEM đi vào thực chất là giáo viên phải trực tiếp tham gia vào quá trình triển khai, dạy học.

Tuy nhiên, cách làm này (giáo viên nhà trường tự dạy) thường dẫn đến phát sinh chi phí, nhất là chi phí cho nguyên vật liệu thực hành, trong khi việc thu thêm của phụ huynh rất khó khăn khi vướng các quy định. (Triển khai giáo dục STEM qua bên thứ ba, chẳng hạn như các công ty giáo dục, thì sẽ dễ hơn vì đã được dọn đường bởi các chính sách xã hội hóa giáo dục).

Ngược lại, ở khu vực khó khăn về kinh tế, nơi phụ huynh không thể chi thêm cho các công ty giáo dục thì giáo viên phải bắt tay trực tiếp cùng phụ huynh và nhà trường, nhưng do thiếu thốn nguồn lực, các hoạt động thường chỉ có thể diễn ra khi có ngày hội chứ không liên tục trong năm học.

Bên cạnh đó, việc triển khai giáo dục STEM trong môn học dễ bị giới hạn bởi khung chương trình. Chính vì vậy, để có các hoạt động mở rộng, kết nối nhiều hơn với thực tiễn và có những sản phẩm học tập “hoành tráng” thì việc duy trì sinh hoạt của câu lạc bộ STEM là rất cần thiết tại các nhà trường.

Những khó khăn, bất cập nêu trên sẽ được khắc phục nếu các thành phần trong hệ sinh thái giáo dục STEM gắn kết mạnh mẽ. Trong đó, viện nghiên cứu và trường đại học, cao đẳng là nơi tập trung tri thức, vì thế cần sự tham gia của họ trong các vấn đề của giáo dục STEM liên quan đến tri thức mới. Hội nghề nghiệp, công ty hay các tổ chức giáo dục là nơi hỗ trợ các CLB STEM rất tốt các kiến thức có tính ứng dụng, các sản phẩm ngoài thị trường và họ có thể được kết nối tới học sinh thông qua mạng lưới Đại sứ STEM, CLB STEM.

Bên cạnh đó, qua thực tế triển khai giáo dục STEM gần 10 năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy, việc duy trì, phát triển hệ sinh thái giáo dục STEM cần một nhân tố vô cùng quan trọng và đặc trưng của hệ thống quản lý nhà nước về giáo dục tại Việt Nam là “chính quyền địa phương”. Chính quyền địa phương quyết định sự thành bại của hoạt động giáo dục STEM bởi không chỉ cung cấp tài chính, chính quyền địa phương còn là nơi chỉ đạo, điều hành các hoạt động giáo dục một cách hiệu quả. Một yếu tố không được nêu ở đây, nhưng bao trùm tất cả trong các hoạt động giáo dục STEM, đó là sự đồng hành của truyền thông thể hiện trong vòng tròn thứ hai kết nối tất cả các tổ chức với nhau (xem hình trên).