Kết hợp hài hòa giữa đặc thù lao động của Việt Nam với trình độ công nghệ của thế giới là điều ngành dệt - may cần làm trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

PGS-Ts Phan Thanh Thảo - Viện trưởng Viện Dệt may - Da giày và Thời trang.

Sự dồi dào của nguồn lao động không phù hợp với hướng tự động hóa quá cao. Bài toán mà ngành cần giải quyết là tối ưu hiệu quả của nguồn lao động.

Công nhân ngành dệt - may Việt Nam vốn khéo tay, nhiều sáng kiến, chăm chỉ nhưng tính kỷ luật và đồng bộ chưa cao. Khi đứng một mình trong dây chuyền may, họ tạo ra năng suất tốt, nhưng trong cả tập thể lại không đồng đều. Tình trạng người làm nhanh, người làm chậm sẽ khiến cả hệ thống trì trệ. Vì thế, hướng đi quan trọng mà ngành dệt - may Việt Nam nên hướng tới là ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất cho cá nhân và tập thể.


Theo quan điểm của tôi, để nâng cao giá trị cho ngành dệt - may trong tương lai xa, Chính phủ cần nghĩ tới việc đầu tư và phát triển chuỗi sản xuất cho ngành dệt - may từ khâu nguyên liệu đến máy móc đáp ứng yêu cầu dệt, nhuộm và may mặc. Hiện giờ giá trị của ngành không lớn do chúng ta chủ yếu gia công theo đơn đặt hàng; nhưng nếu đầu tư từ gốc đến ngọn, tôi tin rằng giá trị thu được không hề nhỏ. Việt Nam có thể nhập bông nhưng phải chủ động được việc kéo sợi, dệt và nhuộm.

Có một điều tôi luôn trăn trở là tại sao ngành cơ khí không nhảy vào sản xuất máy móc cho ngành dệt - may?

Hiện nay, chúng ta đều phải đi nhập máy từ Thụy Sỹ, Đức, Hàn Quốc và Trung Quốc với giá rất đắt đỏ, lên tới hàng tỷ đồng cho một hệ thống. Tôi vẫn luôn mơ về một dây chuyền sản xuất với những chiếc máy dệt mini thông minh. Sau khi có bản thiết kế, người thợ chỉ cần cho vào máy để lên mẫu. Không phải nhìn đâu xa, chỉ từ sản phẩm thu nhỏ, người thợ sẽ kiểm soát được chất lượng và các thông số của sản phẩm mẫu để điều chỉnh trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.

Thực tế, việc làm ra những chiếc máy phục vụ dệt - may không phức tạp bởi ngành cơ khí của Việt Nam đã phát triển. Chỉ là lâu nay, tư duy của chúng ta chỉ tập trung vào phát triển ngành ôtô, điện tử mà quên mất một ngành đã có vị thế trên thị trường quốc tế. Tôi tin rằng, nếu được đầu tư phát triển toàn diện, dệt - may Việt Nam sẽ còn đi xa.