Xu thế tất yếu
Theo báo cáo khảo sát hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2011-2016, trong 142 trường đại học có 945 nhóm nghiên cứu. Trung bình mỗi trường có khoảng 7 nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, số nhóm nghiên cứu giữa các trường không đồng đều, có trường rất mạnh với hàng chục nhóm, có trường rất ít hoặc không có nhóm nào. Theo các chuyên gia, việc hình thành nhóm nghiên cứu là xu thế tất yếu mà các trường đại học trên thế giới đã và đang triển khai.
Ủng hộ quan điểm này, Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Kinh tế TPHCM - nêu vấn đề: “Trong bối cảnh của cách mạng 4.0, để giải quyết một vấn đề, cần sự tham gia của mọi ngành, từ những tính toán của khoa học cơ bản cho đến công nghệ thông tin và chuyên gia kinh tế để nghiên cứu và đưa sản phẩm vào cuộc sống. Tuy nhiên, điều này khá khó khăn với các trường đại học đã có lịch sử lâu đời theo mô hình cũ của châu Âu, chủ yếu theo hướng đơn ngành.
Ví dụ, ĐH kinh tế chỉ chuyên về dạy kinh doanh, thương mại, ĐH y chỉ nghiên cứu, giảng dạy y học. Về dài hạn, Bộ GD&ĐT cần thực hiện những nghiên cứu ủng hộ các trường đại học tại Việt Nam phát triển theo hướng đa ngành”.
Sản phẩm máy phay 4 trục BK CIM - CNC của Viện Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ảnh: Anh Tuấn
Với mục tiêu đưa nghiên cứu khoa học trở thành văn hóa của các trường, PGS-TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - cũng cho rằng, mô hình bộ môn đã không còn phù hợp. Giống như các trường đại học trên thế giới, ĐH Bách khoa đang phát triển mạnh mô hình phòng lab và phòng nghiên cứu. Trường đại học này đang có 82 nhóm nghiên cứu.
“Có nhóm nghiên cứu, có phòng thí nghiệm trọng điểm nhưng nếu không xây dựng được những chương trình nghiên cứu liên ngành thì rất khó có sự hợp tác để đạt mục tiêu cụ thể” - PGS Sơn nhấn mạnh.
Nhiều chính sách hỗ trợ
ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) thuộc nhóm trường ngoài công lập đang đầu tư mạnh cho nghiên cứu. TS Vũ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng - cho rằng những chia sẻ của mình sẽ có ích với những trường đang ở giai đoạn đầu xây dựng nhóm nghiên cứu: “Đại học phải là nơi tạo ra tri thức mới, giảng viên có nghiên cứu mới có kiến thức để dạy cho sinh viên. Vì thế, ĐH Duy Tân xây dựng cơ chế cho các nhà nghiên cứu có thu nhập tốt. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trường trả kinh phí để giảng viên ra nước ngoài làm việc với nhóm quốc tế”.
Khi xét duyệt đề tài, trường ưu tiên đề tài của nhóm nghiên cứu liên ngành, liên trường. Nhờ vậy, nghiên cứu viên có cơ hội sử dụng phòng lab hiện đại của nhiều trường đại học hàng đầu trong nước, quốc tế. “Chúng tôi có nhiều bài báo khoa học mà kết quả nghiên cứu có được là nhờ sử dụng lab của các trường đại học ở Đài Loan, Hàn Quốc. Khi điều kiện cơ sở vật chất không cho phép, chúng tôi tìm cách vươn ra hợp tác quốc tế để tận dụng cơ sở vật chất của họ” - TS Hải chia sẻ.
Bổ sung ý kiến này, PGS-TS Vũ Văn Tích - ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng, theo tiêu chuẩn, một nhóm nghiên cứu cần triển khai đủ 3 giai đoạn: Nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm. Hầu hết các nhóm nghiên cứu tại Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh về cơ cấu tổ chức nên sản phẩm thiếu sự hoàn chỉnh. “Việc thành lập các công viên khoa học với các trường đại học nằm cạnh khu công nghệ cao theo mô hình technopolis cần được hình thành. Mô hình của ĐH Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần tiếp tục được nhân rộng. Ở các địa phương, bộ ngành khác, sự kết nối này còn rời rạc” - PGS Tích nói.
Chia sẻ với các trường đại học, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng việc hình thành các nhóm nghiên cứu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Trong chuỗi nghiên cứu của nhóm liên ngành, Bộ KH&CN đã có nhiều chính sách hỗ trợ, như Quỹ Nafotest hỗ trợ các nghiên cứu cơ bản, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia hỗ trợ các kết quả nghiên cứu tiền thương mại hóa.
“Bộ cần có một cuộc làm việc để xem lại từng chính sách xuyên suốt thành một bức tranh toàn diện. Bộ KH&CN không phân biệt các trường công lập hay ngoài công lập. Sân chơi từ các chương trình quốc gia mở cho mọi người, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Với từng trường, từng nhóm nghiên cứu, tùy theo định hướng là ứng dụng hay cơ bản, bộ sẽ có cơ chế chính sách riêng, phù hợp” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.