Tự thân các nhà sản xuất thực phẩm sẽ khó lòng thay đổi thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi để nâng cao năng suất và lợi nhuận, nhưng dưới áp lực từ nhiều bên, họ đang buộc phải thay đổi.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới "mở mắt" vì tác động tàn phá không ngờ của những loài vi khuẩn nhỏ bé.
Đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới "mở mắt" vì tác động tàn phá không ngờ của những loài vi khuẩn nhỏ bé. Ảnh: Rodolfo Parulan Jr.

Kháng kháng sinh (Antibiotic resistance – AMR) xảy ra khi các loại vi trùng như vi khuẩn, nấm phát triển khả năng đánh bại các loại thuốc được thiết kế ra để tiêu diệt chúng. Tình trạng này đã khiến một số bệnh chết người như lao, viêm phổi, nhiễm trùng thận trở nên khó điều trị hơn; và những can thiệp y tế như thay khớp, điều trị ung thư và mổ đẻ có khả năng giảm hiệu quả.

Có một mối liên hệ giữa sức khỏe của động vật và con người. Khi động vật được giết mổ và chế biến, vi trùng trong ruột của chúng (bao gồm cả vi khuẩn kháng thuốc) có thể làm ô nhiễm thịt và khiến người ăn vào bị ốm. Chất thải động vật cũng có thể chứa dấu vết của kháng sinh tiêu thụ và vi khuẩn kháng thuốc. Khi chúng được sử dụng làm phân bón, vi khuẩn kháng thuốc trong đó sẽ xâm nhập vào môi trường và có thể quay lại vào cơ thể con người.

Vài năm trở lại, các nhóm phi lợi nhuận và các nhà đầu tư đã thuyết phục được gần hết 25 chuỗi thức ăn nhanh hàng đầu của Mỹ, bao gồm McDonald, Wendy và Subway chỉ phục vụ thịt gà được nuôi mà không dùng các thuốc kháng sinh y tế quan trọng. Đến năm 2018, 92% gà thịt ở Mỹ được nuôi mà không có kháng sinh như vậy.





Christy Spees, giám đốc chương trình sức khỏe môi trường của nhóm vận động As You Sow tại California nhận xét rằng "Đó là một chiến thắng lớn, là sự kết hợp của nhiều loại áp lực đã phát huy được tác dụng”.

Lan truyền kháng kháng sinh giữa động vật, con người và môi trường | Ảnh: BioMerieux Lan truyền kháng kháng sinh giữa động vật, con người và môi trường | Ảnh: BioMerieux
Lan truyền kháng kháng sinh giữa động vật, con người và môi trường | Ảnh: BioMerieux

Trong khi thịt gà đã đạt được những tiến bộ nhất định, 2/3 loại kháng sinh được coi là quan trọng đối với sức khỏe con người vẫn tiếp tục được dùng trên các động vật nuôi cung cấp protein khác như bò, lợn - theo dữ liệu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Do các nhà sản xuất ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil đang sử dụng kháng sinh ngày càng nhiều, việc tiêu thụ kháng sinh trong nông nghiệp toàn cầu dự kiến tăng hơn 67% trong giai đoạn 2010-2030. Trong số 27 loại kháng sinh khác nhau dùng để thúc đẩy tăng trưởng chăn nuôi, có tới 18 loại là thuốc kháng sinh dùng để điều trị cho con người, chẳng hạn như tetracycline.

Nếu tình trạng kháng kháng sinh không được giải quyết, Ngân hàng Thế giới cảnh báo, vào năm 2050, GDP toàn cầu sẽ giảm từ 1,1%-3,8% mỗi năm do hệ quả của việc nhiễm trùng kháng thuốc, và gây tàn phá nền kinh tế như cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Thay đổi đến từ nhiều bên

Người tiêu dùng đang chống lại việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và các nhà quản lý cũng không đứng ngoài cuộc.

Từ năm 2017 và 2019, lần lượt Trung Quốc và Ấn Độ đã cấm nông dân sử dụng thuốc kháng sinh Colistin. Ba năm sau lệnh cấm, vào tháng 6/2020, một nhóm các nhà nghiên cứu đã công bố bài báo trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases đánh giá tác động của lệnh cấm của Trung Quốc “có tác động đáng kể đến việc giảm sức đề kháng colistin ở cả động vật và con người tại Trung Quốc" và với quy mô sản xuất của Trung Quốc thì hành động này là “một bước quan trọng trong việc bảo tồn loại kháng sinh thiết yếu đó cho y học nhân loại”.

Liên minh châu Âu cũng đã cấm sử dụng kháng sinh thường xuyên ở động vật từ năm 2022 trở đi.

Các chuỗi thực phẩm là nơi tiêu thụ thịt khổng lồ | Ảnh: AP
Các chuỗi thực phẩm là nơi tiêu thụ thịt khổng lồ | Ảnh: AP

Trong khi đó, mấy năm qua, những chuỗi cung ứng lớn như Tesco và Marks & Spencer của Vương quốc Anh đã yêu cầu áp dụng "quản lý kháng sinh" đối với các nhà cung cấp thịt của mình. Thương hiệu Whole Foods Market của Amazon.com cũng đưa ra chính sách "không dùng kháng sinh" nghiêm ngặt. McDonald, một trong những khách hàng mua thịt bò lớn nhất thế giới, đã cam kết “đo lường việc sử dụng kháng sinh tại 10 thị trường lớn nhất của mình và đặt mục tiêu hạn chế sử dụng chúng”.

Costco Wholesale cho biết vào cuối năm 2020, họ sẽ "đánh giá tính khả thi của việc loại bỏ việc sử dụng thường xuyên các loại kháng sinh quan trọng để phòng ngừa bệnh tật giữa các trang trại cung cấp". Còn công ty JBS SA của Brazil cho biết các hoạt động của họ ở Mỹ sẽ chỉ “sử dụng kháng sinh để kiểm soát hoặc điều trị bệnh, thay vì thúc đẩy tăng trọng hoặc hiệu quả thức ăn".

Các thay đổi như vậy không chỉ đạt được từ áp lực thị trường do người tiêu dùng tạo ra hay từ luật lệ của nhà quản lý, mà còn đến từ phía các nhà đầu tư nắm giữ hầu bao rót vốn. Năm ngoái, BMO Global Asset Management, công ty quản lý khối tài sản hơn 270 tỷ USD, đã gây áp lực cho 38 công ty mà nó đầu tư để đưa vấn đề loại bỏ kháng sinh trong quy trình sản xuất, trong đó có hãng Tyson Foods, Hormel Foods, BRF SA của Brazil và hãng sữa lớn nhất ở Trung Quốc Yili Group.

Theo chuyên gia phân tích cao cấp Catherine McCabe tại BMO, các nhà đầu tư và đối tác phải quan tâm đến vấn đề này hơn, và thông qua đó tạo áp lực buộc ngành công nghiệp thịt lâu đời phải thay đổi phương pháp sản xuất.

Hiện tại, BMO đang tham gia vào một sáng kiến toàn cầu mang tên “Các nhà đầu tư hành động vì kháng kháng sinh” cùng với 15 quỹ đầu tư lớn khác. McCabe tin rằng các nhà đầu tư nắm trong tay quyền điều khiển dòng tiền có thể đóng vai trò không nhỏ trong việc thay đổi hành động của các nhà sản xuất.

Tại Mỹ, theo Hội đồng gia cầm quốc gia, trọng lượng trung bình của gà thịt trên thị trường đã tăng từ khoảng 2,5 pound (khoảng 1,1 kg) vào năm 1930 lên 6,2 pound (khoảng 2,8 kg) vào năm 2015, một phần trong đó do sử dụng kháng sinh. Gà nuôi vỗ béo đem lại nhiều doanh thu hơn cho người chăn nuôi, nhưng nó cũng góp phần khiến cho tình trạng sức khỏe toàn cầu của con người trở nên báo động hơn, bởi nó sinh ra tình trạng kháng kháng sinh.


Tham khảo: