Những kinh nghiệm của Anh trong việc thay đổi cách đánh giá, phân loại và điều trị cho bệnh nhân cũng như tái thiết lập hệ thống y tế ở các tuyến khi những làn sóng COVID-19 dồn dập diễn ra tại quốc gia này vào quý đầu năm ngoái và năm nay có thể gợi ý giải pháp cho Việt Nam trong kế hoạch chuẩn bị ứng phó đại dịch trong thời gian tới.

“Việc bệnh nhân được chăm sóc tốt tại nhà thậm chí còn quan trọng hơn vai trò của các máy thở”, GS. Matt Inada-Kim, Giám đốc Quốc gia về Truyền nhiễm, Kháng kháng sinh và Suy giảm chức năng, Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) nhấn mạnh trong tọa đàm "COVID-19: Tái phân bổ nguồn lực trong điều trị tại bệnh viện và cộng đồng - Kinh nghiệm của Vương quốc Anh” do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Liên minh Sức khỏe Toàn cầu thuộc Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) phối hợp tổ chức.

Nâng cao vai trò của người bệnh tại nhà

Trong làn sóng COVID thứ hai vào đầu năm 2021, mỗi ngày ở Anh có khoảng 40,000 ca mắc mới, khiến cho hệ thống y tế của quốc gia này phải “gánh” số lượng bệnh nhân nhập viện lớn chưa từng có. Và một trong những giải pháp mà hệ thống y tế của Anh đã thực hiện để giảm tải bệnh nhân cho các bệnh viện đó chính là sáng kiến COVID@Home (điều trị COVID tại nhà) và chương trình Oximetry@Home (cung cấp máy hỗ trợ theo dõi nồng độ oxy cho bệnh nhân COVID-19 từ xa), giúp giảm một nửa số ca cấp cứu hồi sức tích cực và giảm 70% tỉ lệ tử vong trung bình trong 30 ngày.

Theo GS. Matt Inada-Kim, đa phần những bệnh nhân COVID-19 có thể được chữa trị một cách an toàn tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Tuy nhiên, trong các trường hợp bệnh trở nặng, bệnh nhân thường được nhập viện khi đã ở giai đoạn quá muộn, dẫn đến việc nhiều người đã ở trong tình trạng nguy kịch, hoặc rất khó thở và độ bão hòa oxy trong máu đã giảm rất sâu. “Câu hỏi đặt ra làm sao để chúng ta có thể can thiệp sớm hơn? Câu trả lời là chúng ta phải phân loại, đánh giá được nguy cơ của người bệnh và chăm sóc bệnh nhân từ xa, đặc biệt là những người ở nhóm tuổi cao; cũng như nâng cao vai trò của họ tại nhà, hướng dẫn họ tự theo dõi, chăm sóc mà không làm ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe”, ông nói.

Việc chăm sóc tốt cho bệnh nhân tại nhà có thể giúp giảm tỉ lệ chuyển nặng và nhập viện. Ảnh minh họa: Laodong.vn
Việc chăm sóc tốt cho bệnh nhân tại nhà có thể giúp giảm tỉ lệ chuyển nặng và nhập viện. Ảnh minh họa: Laodong.vn

Vậy làm thế nào để việc điều trị bệnh nhân tại nhà có thể mang lại kết quả tốt nhất? Tiêu chí đầu tiên là cần phát hiện sớm tình trạng của người bệnh thông qua việc kiểm tra nồng độ oxy, bởi đây chính là một chỉ điểm giúp đánh giá tình trạng xấu đi trên lâm sàng của bệnh nhân mắc COVID-19. “Nếu nồng độ này bằng hoặc cao hơn 95%, bệnh nhân sẽ có biểu hiện nhẹ và có thể không cần đến bệnh viện; nếu nồng độ 93-94%, bệnh nhân cần được theo dõi sát sao, cân nhắc cho nhập viện; và nếu nồng độ thấp hơn 92% thì cần nhập viện khẩn cấp”, ông cho biết.

Như vậy, ở giai đoạn này, vấn đề không phụ thuộc vào tiền bạc hay nguồn lực mà điều cần làm nhất là phải trao quyền cho bệnh nhân và dạy họ cách tự chăm sóc bản thân, “truyền đạt để người dân biết rõ các triệu chứng của COVID, thế nào được gọi là triệu chứng nhẹ, thế nào được gọi là triệu chứng nặng, khi nào cần hoặc không cần liên lạc với cơ sở y tế. Điểm quan trọng nhất ở đây là người dân cần phải biết thông tin, biết tìm kiếm sự hỗ trợ ở đâu, và đặc biệt khi các dấu hiệu đang xấu đi thì người dân biết cần phải làm gì. Điều này sẽ giúp bảo vệ được khả năng tiếp nhận của hệ thống y tế và dành nguồn lực để tập trung vào những người đang trở nặng, trong khi vẫn có thể bảo vệ được bệnh nhân”, GS. Matt Inada-Kim nói.

Thực tế, khi các cơ sở cách ly tập trung tại TP.HCM trở nên quá tải vào giữa tháng bảy, giải pháp cách ly và điều trị F0 tại nhà tương tự cũng đã được áp dụng với mô hình tháp ba tầng. Theo TS.BS. Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, hiện nay TP.HCM đang có khoảng 18,000 F0 điều trị tại nhà và các cơ sở cách ly tập trung. “Đại học Y Dược đã phối hợp với Bệnh viện Quận 10 thực hiện mô hình trạm cấp cứu cộng đồng. Theo đó, đội một sẽ có nhiệm vụ gọi điện tư vấn cho các F0 đang điều trị tại nhà. Nếu phát hiện F0 có dấu hiệu chuyển nặng, đội hai sẽ vào đưa bệnh nhân ra Nhà văn hóa Quận 10 - trạm cấp cứu ban đầu - để thở oxy và sau đó liên hệ với các tuyến trên”, ông cho biết. Hiện nay, mô hình này cũng đã được nhân rộng tại TP.HCM với 400 đội cấp cứu lưu động.

Tối ưu việc chăm sóc ban đầu và điều trị các bệnh không lây nhiễm

Trong 18 tháng qua, các đợt bùng phát dịch bệnh không chỉ khiến cho bệnh nhân mắc COVID-19 không được cấp cứu kịp thời do quá tải bệnh viện, mà còn đem đến một vấn đề khác là sự gián đoạn các dịch vụ khám chữa bệnh thường quy đối với các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường,...

Trong khi đó, “đây là các bệnh mãn tính cũng có yếu tố gây tỉ lệ tử vong rất cao, làm tăng tỉ lệ nhập viện và tiếp tục tạo thêm gánh nặng cho các cơ sở y tế”, TS. Matt Kearney, Giám đốc Y tế và Giám đốc Chương trình Chăm sóc Chủ động và Bệnh tim mạch, UCL Partners nói. Theo Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu năm 2019, các bệnh lý về tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Anh, trong khi đó tại Việt Nam, đột quỵ chiếm vị trị đầu bảng. Cả hai quốc gia đồng thời có chung nhiều nguy cơ về sức khỏe khác như huyết áp cao, mỡ máu,... Và điều đáng chú ý là ở Anh, có đến 40% người mắc các loại bệnh này không được chẩn đoán, 3/10 bị rung nhĩ nhưng không được điều trị trước khi bị đột quỵ, và tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Việt Nam. “Như vậy nếu điều trị sớm các yếu tố nguy cơ chuyển hóa thì sẽ rất hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh tật và tử vong”, TS. Matt Kearney nói.

Do vậy, một chương trình chăm sóc chủ động tại nhà của NHS đã được thí điểm ở bốn hệ thống y tế và đang được mở rộng trên khắp nước Anh nhằm giúp khôi phục và chuyển đổi hoạt động chăm sóc chủ động, dự phòng cho bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm. “Đây là cơ hội để chúng ta đổi mới việc chăm sóc cho người mắc các bệnh mãn tính này, đồng thời tối ưu việc quản lý lâm sàng với các bệnh mà trước đây thường chưa được chú ý. Chương trình chăm sóc này sẽ giúp người bệnh được tiếp cận thông tin, tự quản lý và thay đổi lối sống của mình”, ông nói.

Theo đó, khung chăm sóc chủ động sẽ phân loại nguy cơ và sắp xếp ưu tiên điều trị lâm sàng cho các bệnh nhân, đồng thời cung cấp thông tin để họ có thể tự theo dõi, thay đổi các hành vi của mình như bỏ thuốc lá, tập thể dục, kiêng rượu bia,..., từ đó giúp tối ưu việc chăm sóc từ xa và điều trị cho người bệnh. Để có nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động này, TS. Matt Kearney cho biết có thể huy động các nhân viên hỗ trợ, “những bước phân loại và tư vấn ban đầu không nhất thiết phải được cung cấp bởi bác sĩ có quá nhiều kinh nghiệm mà có thể là những lực lượng y tế đã được hướng dẫn để chia sẻ lại thông tin cho người bệnh nhận diện được các yếu tố cần chú ý”. Song song với đó, các công cụ hỗ trợ trong khung chăm sóc chủ động như công cụ phân loại bệnh nhân toàn diện cho hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử; quy trình chuyên môn hỗ trợ nhân viên y tế trong các hoạt động liên quan đến tư vấn, đào tạo, điều trị, giáo dục cho bệnh nhân; ứng dụng số hóa và các nguồn thông tin khác cũng đã được cung cấp miễn phí trên website.

Trong bối cảnh thế giới hậu đại dịch sẽ cố gắng giữ bệnh nhân ở ngoài bệnh viện để giải phóng năng lực và giảm lây nhiễm chéo như nhận xét của TS. Christopher Hui - Chuyên gia Hô hấp và Điều trị, Bệnh viện NHS Royal Free, “việc chăm sóc ban đầu như thế này cực kỳ quan trọng trong việc giúp cho người bệnh không phải tới bệnh viện cũng như các cơ sở y tế, trừ trường hợp thực sự cần thiết”, TS. Helen Crawley - Đào tạo viên Quốc tế, Hiệp hội Bác sĩ Đa khoa Hoàng gia Anh nhấn mạnh.