Trước khi luật Bayh-Dole ra đời, Hoa Kỳ quy định thành quả nghiên cứu được hình thành từ ngân sách, do các cơ quan chính phủ chi trả thuộc về chính phủ liên bang. Không một ai có thể khai thác tài sản trí tuệ hình thành từ các nghiên cứu này nếu không thực hiện các thủ tục hành chính "rườm rà" với các cơ quan quản lý liên quan của liên bang. Các công ty nhận thấy không thể chuyển giao mua bán để có được độc quyền đối với bằng sáng chế hình thành tại các đơn vị công lập. Và nếu không thể chuyển giao và sở hữu độc quyền thì rất ít công ty sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD để biến một ý tưởng nghiên cứu thô từ trong phòng thí nghiệm thành một sản phẩm bán được trên thị trường.
Kết quả là các phát minh, sáng chế do các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ chủ yếu nằm trên “nóc tủ”. Trong tổng số 28.000 bằng sáng chế mà chính phủ Hoa Kỳ sở hữu vào năm 1980, chưa đến 5% đi được đến khâu chuyển giao quyền sử dụng cho ngành công nghiệp.
Và mốc tháng 12/1980 đã đánh dấu sự thay đổi rất lớn, đạo luật Bayh-Dole (tên đầy đủ là Luật sửa đổi luật về sáng chế và nhãn hiệu) đã tạo nên hai điều lớn lao: Một là luật cho phép chuyển quyền sở hữu một phát minh sáng chế hình thành từ nghiên cứu do cơ quan chính phủ tài trợ cho chính tổ chức học thuật đã thực hiện nghiên cứu đó; và hai là nó cho phép các nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu đó được chia sẻ một phần lợi nhuận từ kết quả nghiên cứu đó.
Một sửa đổi pháp lý đã trở thành bệ đỡ quan trọng để đẩy công nghệ trong quy mô phòng thí nghiệm lên dây chuyền công nghiệp nhanh chóng. Chỉ chờ có thế, các trường đại học trên khắp Hoa Kỳ đã trở thành tâm điểm của đổi mới sáng tạo, nhiều nhà nghiên cứu đã mang các phát minh sáng chế (và cả các sinh viên đã tốt nghiệp) ra khỏi khuôn viên trường để thành lập các công ty của riêng họ. Theo thống kê của The Economist, vào năm 2002, chỉ riêng trong các trường đại học Hoa Kỳ, số lượng bằng sáng chế đã tăng gấp 10 lần, tạo ra hơn 2.200 công ty để khai thác các nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm, tạo ra 260.000 việc làm và hiện đóng góp 40 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Một thống kê vào năm 2005 cũng của The Economist cho thấy, có hơn 4.500 công ty - hình thành từ cơ sở tài sản trí tuệ, đã được tách ra khỏi các viện nghiên cứu phi lợi nhuận. Để hình dung cụ thể hơn, chỉ trong năm 2004, các trường đại học và viện nghiên cứu của Hoa Kỳ đã thu về 1,39 tỷ USD doanh thu từ việc chuyển giao và đã nộp đơn xin cấp hơn 10.000 bằng sáng chế mới. Rất nhiều tiến bộ khoa học, cải tiến kỹ thuật được áp dụng trong đời sống hằng ngày mà chúng ta vẫn đang “sờ tận tay” đã được thúc đẩy đưa ra giới công nghiệp nhờ đạo luật Bayh-Dole, như chụp ảnh cộng hưởng từ MRI, vaccine viêm gan B, kính hiển vi ở cấp độ nguyên tử và cả công nghệ gốc đằng sau công cụ tìm kiếm của Google...
Sự thành công của đạo luật này đã “truyền cảm hứng” cho rất nhiều quốc gia khác. Nhật Bản, Đức, và gần đây là Trung Quốc cũng đã áp dụng các chính sách tương tự. Năm 2002, sau hai thập kỷ nhìn lại về sự ra đời của Luật Bayh-Dole, tờ The Economist đã đặt một tựa bài “Con ngỗng vàng của đổi mới sáng tạo” và ca ngợi đạo luật này là “có thể là bộ luật truyền cảm hứng nhất được ban hành ở Hoa Kỳ trong nửa thế kỷ qua”.