Trong mùa tuyển sinh năm nay, các trường đại học công bố mở khá nhiều ngành học mới với thông điệp “đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động”.

Tuy nhiên, theo TS Phạm Hiệp, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia, việc mở ngành mới để tạo lợi thế tuyển sinh không phải là một tiếp cận bền vững, đặc biệt đối với những trường công chuyên về khoa học cơ bản.

Năm 2019, Khoa Quản trị và Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) lần đầu tuyển sinh Chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị doanh nghiệp và Công nghệ. Ảnh: vnu.edu.vn
Năm 2019, Khoa Quản trị và Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) lần đầu tuyển sinh Chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị doanh nghiệp và Công nghệ. Ảnh: vnu.edu.vn

Anh có cho rằng “nhu cầu của thị trường” là một tiêu chí quyết định việc mở một ngành/chương trình đào tạo mới không?

Theo quy định hiện hành của Nhà nước, quy trình mở ngành đòi hỏi phải có sự tham gia góp ý của đại diện nhà tuyển dụng do nhà trường lựa chọn và khảo sát về nhu cầu tuyển dụng. Tôi nghĩ, cách nói “đáp ứng thị trường” không thật chính xác. Tôi thích dùng “đáp ứng nhu cầu xã hội” hơn, vì nghĩa của nó bao quát nhu cầu của các viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ… và bản thân các trường đại học, chứ không chỉ là nhu cầu của các doanh nghiệp như cụm từ “đáp ứng thị trường” hàm ý.

Tôi không chắc các ngành mới được mở với những tên gọi rất kêu - như ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, một trong 5 ngành mà ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa mở - có đáp ứng nhu cầu xã hội hay không, vì dự đoán nhu cầu xã hội của 5-7 năm sau không phải là việc dễ dàng. Nhưng một điều hiển nhiên là các trường cần tuyển sinh cho đủ để đảm bảo nguồn thu ổn định. Đây là vấn đề chung của tất cả các trường đại học trên thế giới nhưng điều này đặc biệt quan trọng đối với đại học Việt Nam vốn đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu học phí của sinh viên. Những thống kê gần đây nhất mà tôi thu thập được cho đến năm 2017 thì ở các trường công, nguồn thu từ học phí chiếm đến 60-70%. Đây là con số không tưởng tượng nổi nếu đối sánh với tỷ lệ tương ứng của các trường công trên thế giới - chỉ vào khoảng 30-40%.

Việc phải phụ thuộc quá nhiều vào tuyển sinh để bảo đảm nguồn thu gây ra những hệ lụy gì cho các trường đại học công lập, theo anh?

Trước hết, phải nhìn nhận đây là xu thế tất yếu, là điều các trường công phải đối mặt, hết rồi thời Nhà nước đầu tư toàn bộ cho trường đại học công như cách đây 30-40 năm. Nhưng mức độ phụ thuộc bao nhiêu là điều các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội cần quan tâm. Theo tôi thì tỷ lệ của học phí lên đến mức 60-70% là quá nhiều, tạo gánh nặng rất lớn cho các trường công trong việc buộc phải tìm cách tuyển sinh bằng được. Và đấy cũng chính là chỗ nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng lâu dài về chất lượng đào tạo cũng như vấn đề thất nghiệp hoặc bán thất nghiệp trong những ngành được mở ồ ạt, không kiểm soát, như chúng ta đã chứng kiến ở ngành ngân hàng.

Để giải quyết vấn đề này, có những hướng tiếp cận nào bền vững hơn không?

Thay vì để các trường cứ phải chạy theo việc mở các ngành/chương trình đào tạo với những cái tên lạ tai thì nên thay đổi cách tiếp cận về đào tạo đại học. Có lẽ chúng ta nên dừng việc xác định ngay chương trình đào tạo từ lúc tuyển sinh và chuyển sang trong 2 năm đầu, sinh viên chỉ cần chọn thiên hướng, ví dụ vào ngành kỹ thuật, khoa học cơ bản, xã hội nhân văn hay nghệ thuật và để các em chọn chuyên ngành ở những năm cuối đại học. Như vậy các em được chọn chuyên ngành sau khi đã có những trải nghiệm nhất định ở bậc đại học và khoảng thời điểm xác định chuyên ngành gần hơn với thời điểm các em ra trường, khả năng sát với nhu cầu xã hội sẽ cao hơn.

Một số cơ chế cũng phải thay đổi theo. Ví dụ, việc cấp chỉ tiêu tuyển sinh phải gắn với tổng số giảng viên toàn trường chứ không phải gắn với từng chương trình như hiện nay, dẫn đến các trường muốn tuyển thêm sinh viên lại phải mở chương trình mới để có chỉ tiêu. Cái này là tự chúng ta đưa ra quy định làm cản trở phát triển bền vững của giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, cơ chế cấp ngân sách cho các trường công cũng cần được điều chỉnh tương đối căn cơ. Theo phân tích trong nghiên cứu mới đây của chúng tôi thì việc cấp ngân sách cho trường công đang áp dụng cách tiếp cận cổ điển mà thế giới không còn dùng hoặc hạn chế dùng, đó là cấp ngân sách chủ yếu dựa trên dữ liệu lịch sử. Nghĩa là, kinh phí cấp năm nay dựa vào kinh phí đã cấp năm trước cộng với một tỷ lệ tăng nhất định (thường tương đương với mức độ lạm phát). Cơ chế này không khuyến khích các trường nâng cao hiệu quả và chất lượng. Có lẽ cần hướng tới phương thức cấp ngân sách mà theo đó các trường làm tốt hơn sẽ được nhận ngân sách nhiều hơn trong đợt cấp ngân sách tiếp theo, chu kỳ cấp ngân sách cũng nên kéo dài ra 3-5 năm thay vì từng năm một như hiện nay. Đây là mô hình thế giới đã làm từ rất lâu nhưng Việt Nam chưa áp dụng. Nếu làm được vậy, các trường sẽ yên tâm làm tốt phần đào tạo và nghiên cứu khoa học, bởi khi đó họ được đảm bảo một khoản ngân sách nhất định và không còn phải lo quá nhiều về mặt tuyển sinh.

Gần đây có một số trường về khoa học cơ bản thông báo mở những ngành hướng tới thị trường, theo tôi là một cái dở. Tất nhiên không phải hoàn toàn là lỗi của nhà trường. Từ góc độ quản lý nhà nước, chúng ta phải nhận thấy rằng nó là hệ quả tất yếu của chính sách không có sự phân biệt đúng mức giữa những chương trình đào tạo mà thị trường và người dân sẵn sàng chi trả với những chương trình cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước và cần được Nhà nước quan tâm đầu tư.

Liệu kế hoạch sắp xếp lại các trường đại học công lập đang được triển khai có thể đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước không, anh nghĩ sao?

Để trả lời, chúng ta phải nhìn lại một vấn đề lịch sử. Trong mấy chục năm qua, chúng ta mở quá nhiều trường đại học công. Hiện nay số trường công ở nước ta chiếm khoảng 70% và đào tạo khoảng 85% số sinh viên đại học. Con số tương ứng ở các nước đang phát triển khác thấp hơn nhiều. Ví dụ, tại Indonesia, con số tương ứng là 3% và 38%, tại Malaysia là 4% và 60%. Ngay tại Trung Quốc, trường công tuy chiếm 70% nhưng chỉ đào tạo 40% sinh viên đại học. Là một nước kinh tế phát triển nhanh, dân số trẻ và nhu cầu học đại học tăng nhanh, đáng ra chúng ta nên có chính sách tập trung đầu tư vào một số lượng nhỏ các trường công, đồng thời thúc đẩy giáo dục đại học tư nhân phát triển. Nhìn sang các nước quanh chúng ta như trình bày ở trên - họ đều theo mô hình đó, tức là giáo dục đại học tư phát triển rất mạnh. Trong khi ở Việt Nam thì ngược lại. Chúng ta đang rơi vào cảnh trường công đã trót mở rồi, trong khi ngân sách thì hữu hạn, cần có một phương án đầu tư hiệu quả hơn. Đây là vấn đề mà Nhà nước đã nhận ra từ lâu nhưng vẫn đang loay hoay xử lý. Một trong những phương án được tính đến chính là sáp nhập và có thể giải thể những trường công hoạt động không hiệu quả. Nhưng cách này tôi e rằng không dễ thực hiện.

Một số nước trên thế giới cũng đã trải qua giai đoạn phải tính đến chuyện sáp nhập và giải thể với hai mục tiêu: thành lập một trường đại học mới, mạnh hơn trên cơ sở các trường đại học cũ hoặc giống chúng ta là để giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước của các trường công lập. Và họ làm theo hai phương án, hoặc bằng mệnh lệnh hành chính hoặc bằng cơ chế khuyến khích, ví dụ trường A nhận sáp nhập trường B vào thành một bộ phận của mình thì sẽ được cấp một khoản ngân sách nhất định một lần, sau đó nhà nước sẽ ko đầu tư cho trường B nữa.

Ngoài ra, còn có phương án trung gian, có phần liên quan với câu chuyện cấp ngân sách mà tôi nói ở trên. Đó là chuyển từ cấp ngân sách cho bên cung sang cấp ngân sách cho bên cầu. Tức là, thay vì cấp ngân sách cho nhà trường thì cấp ngân sách cho người học. Thí dụ, chúng ta sẽ có những quy định về người học trình độ như thế nào, học ngành nào thì được cấp ngân sách. Cách này làm cho ranh giới giữa trường công, trường tư mờ đi, thậm chí là chính trường tư cũng có thể được nhận ngân sách, nếu hoạt động của họ đáp ứng tốt nhu cầu chung của xã hội. Tất nhiên vẫn có trường công theo nghĩa do Nhà nước lập ra và quản lý về tài sản nhưng sự cạnh tranh giữa trường công và trường tư sẽ sòng phẳng hơn, Nhà nước cũng kiểm soát được hiệu quả nguồn đầu tư của mình rõ ràng hơn. Nhưng cách này gần như là thay đổi triết lý về cấp ngân sách cho giáo dục đại học, nên để làm được, cần sự đồng thuận rất cao và nghiên cứu kỹ lưỡng. Thực tế một số nước trên thế giới, như Úc chẳng hạn, đã triển khai theo cách này ở mức độ nào đó.

Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trao đổi.

Tháng 2 vừa qua, theo báo chí đưa tin, gần như trường đại học nào cũng có kế hoạch mở 1-2 ngành mới, có trường dự kiến mở đến 5-7 ngành mới, vừa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tương lai, vừa tăng sức hấp dẫn đối với thí sinh. Trong đó, ở phía Bắc, riêng hệ thống các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến mở 17 ngành mới.

Ở phía Nam, ĐH Công nghệ TPHCM dự kiến mở 5 ngành mới gồm: Kinh doanh thương mại, Thương mại điện tử, Luật, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng. Đại học Bách khoa TPHCM dự kiến mở thêm 5 chương trình mới ở hệ chất lượng cao: Kỹ thuật hàng không, Kỹ thuật y sinh, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kỹ thuật cơ điện tử (chuyên ngành kỹ thuật robot) và Khoa học máy tính (tiếng Nhật).

ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM, dự kiến mở thêm 6 ngành gồm Khoa học dữ liệu, Công nghệ vật liệu, Vật lý y khoa, Kỹ thuật địa chất, Toán ứng dụng, Toán tin…

Theo Zing