Gán một giá trị kinh tế cho mạng sống con người là điều cấm kỵ nhưng sự thật là trong dịch bệnh Covid-19 chúng ta phải đối mặt với sự đánh đổi giữa các yếu tố kinh tế và sức khỏe.

Bệnh dịch làm tổn thất kinh tế toàn cầu, chao đảo các sàn chứng khoán kể từ đầu năm. Nguồn: Getty
Bệnh dịch làm tổn thất kinh tế toàn cầu, chao đảo các sàn chứng khoán kể từ đầu năm. Nguồn: Getty

Tính chi phí đánh đổi để ra quyết định chính sách

Câu hỏi về giá trị sinh mạng đã làm day dứt các nhà triết học hàng nghìn năm qua, nhưng ngày nay các nhà kinh tế học cũng phải đối mặt với câu hỏi tương tự khi dịch Covid-19 lây nhiễm toàn cầu. Sự đánh đổi giữa nguy cơ tử vong y tế và những tàn phá về kinh tế xã hội đã được đưa ra bàn tính. Ở Pháp, theo Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia, một tháng cách ly đã làm GDP giảm 3%.

Vậy giới hạn cho chi phí kiểm soát bệnh dịch là bao nhiêu? Các nhà khoa học đã bắt đầu tính toán điều này. Chẳng hạn đầu tháng 4/2020, TS. Bryce Wilkinson, thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu Sáng kiến New Zealand, dựa trên mô hình tính toán lây nhiễm phát triển năm 2017, đã ước lượng rằng việc chi tiêu tới 6,1% GDP cho công tác phòng chống đại dịch có thể được coi là hợp lý nếu cứu sống 33.600 người (số người chết do Bộ Y tế quốc gia dự báo nếu đại dịch không được kiểm soát); nhưng nếu trong trường hợp dự báo thiệt mạng ít hơn là 12.600 người (nếu kiểm soát sớm dịch bệnh), thì việc chi ra hơn 3,7% GDP là quá mức, dù cho nó có đảm bảo kiểm soát dịch thành công.

Ở Mỹ, nhà kinh tế học TS. Daniel Hamermesh, chuyên gia nghiên cứu tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia và tại Viện Nghiên cứu Tương lai Lao động, đã ước tính rằng, cứ một mạng người được cứu thì tổn thất trung bình khoảng 4 triệu USD tiền lương. Ở đất nước này, “giá trị thống kê của mỗi mạng sống” (VSL- Value of Statistical Life) từng được nhiều cơ quan liên bang như Cơ quan Bảo vệ môi sinh (EPA) ước tính vào khoảng 9-10 triệu USD. Như vậy, “cứu mạng người là lựa chọn kinh tế tốt nhất”, TS. Hamermesh lập luận, chưa kể là “mất một mạng người là mất vĩnh viễn” - khác với mất đi một việc làm.

Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng đưa ra một phương pháp ước tính chi phí cho sức khỏe căn cứ vào khái niệm số năm sống khỏe mạnh (HALE - Healthy life expectancy). Theo quy tắc đó, chi phí để sống thêm một năm khỏe mạnh sẽ không đắt hơn ba lần GDP bình quân đầu người.

Giá trị thống kê của mỗi mạng sống đã được dùng phổ biến trong giới kinh tế ngày nay, nhưng nó cũng không hoàn hảo. Mặc dù không nhất quán và có những điểm mù trong hành vi, con người liên tục cân nhắc rủi ro nhỏ của tử vong và quyết định xem chúng có đáng hay không. Việc giảm thiểu rủi ro mặc dù được đánh giá cao nhưng không phải luôn luôn là lựa chọn của mỗi cá nhân. Nếu một cá nhân không mua túi khí chống sốc trong xe hơi, nhưng lại chịu khánh kiệt để chữa trị một căn bệnh mà cơ may sống sót chỉ tăng lên chút ít, thì liệu có phải họ không xem mạng sống có cùng giá trị trong mọi thời điểm?

Nó cũng đặt ra các câu hỏi đạo đức trên diện rộng, chẳng hạn vậy ở các nước nghèo không có trợ cấp cho những nghề nghiệp nguy hiểm, thì có phải mạng người ở đó ít giá trị hơn? Như vậy, nhà nghiên cứu có thể phải cân nhắc nhiều yếu tố liên quan như tâm lý, văn hóa, xã hội và có khả năng làm thay đổi các công thức tính toán

Câu hỏi không dễ trả lời

Một điểm thú vị mà Gillian Tett, cây bút chuyên mục tài chính của tờ Financial Times, đặt ra là: Tại sao có rất ít nhà kinh tế cố gắng tính toán sự đánh đổi giữa kinh tế và mạng sống theo cách rõ ràng như TS.Wilkinson đã làm cho New Zealand? Theo bà, “câu trả lời hiển nhiên là nó dường như vi phạm tất cả các loại cấm kỵ về chính trị và văn hóa”, tuy nhiên bà cũng chỉ ra rằng các chính phủ vẫn luôn phải đưa ra các quyết định, trong đó ngầm phản ánh giá trị mạng sống tính bằng tiền của công dân.

Mặt khác, một yếu tố khiến người ta không đưa ra được các tính toán cụ thể là vì rất khó để chuyên gia ngành này nói về vấn đề của ngành khác, mà cụ thể ở đây là nếu nhà kinh tế đưa ra các lời khuyên cho chính sách về dịch tễ học thì sẽ gây phẫn nộ. Người ta sẽ phản đối nếu cố vấn trưởng Y tế Deborah Birx của Nhà trắng đưa ra lời khuyên tài chính; hay Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin giảng giải về việc làm phẳng đường cong tử vong của dịch Covid-19. “Nhưng đó cũng là cơ hội để cọ xát”, Gillian Tett nhấn mạnh. “Hầu như các quyết định quan trọng hiện đại đều đòi hỏi những phân tích liên ngành có tính phá vỡ các đường biên của một ngành”.

Nếu không có sự hợp tác của các chuyên gia khác ngành, hoặc nhận thức chung của một vài chuyên gia có hiểu biết đa ngành thì chúng ta sẽ không thể thảo luận được nội dung liên quan đến đánh đổi kinh tế-sức khỏe trong đại dịch Covid-19 hay bất kì vấn đề nào khác. Việc đưa ra một quyết định - chẳng hạn tháo gỡ các biện pháp cách ly hoặc phong tỏa - sẽ cần có những thảo luận công khai, minh bạch và liên ngành, chứ không chỉ để các nhà lãnh đạo có được một vài con số tư vấn của những cố vấn riêng và đóng cửa tự ra quyết định. Nói cho cùng, nhà chức trách và những bên liên quan vẫn phải có trách nhiệm với mạng sống con người và công khai điều đó.