Trong khi vaccine và khẩu trang được chứng minh là các biện pháp hàng đầu trong việc ngăn ngừa bùng phát COVID-19 ở trường học, thì các biện khác như vách ngăn bằng kính và kiểm tra nhiệt độ không thực sự hiệu quả.

Đó là kết luận của nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm Brandon Guthrie ở Đại học Washington sau khi làm việc với một nhóm nhà dịch tễ học và chuyên gia y tế để thu thập các bằng các chứng khoa học về COVID-19.

Học sinh ở Pháp đeo khẩu trang trong lớp học. Ảnh: npr.org

Những biện pháp hàng đầu

Vaccine COVID-19 là công cụ quan trọng nhất để ngăn ngừa COVID-19 trong trường học, cũng như ở hầu hết những nơi khác. Tất cả các loại vaccine hiện được phép sử dụng đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh và bảo vệ chống lại bệnh vừa và nặng.

Càng nhiều người trong trường được tiêm chủng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh và khả năng xuất hiện những ca bệnh nặng ở đó càng thấp. Các vaccine COVID-19 hiện có đều có thể tiêm được tiêm cho bất kỳ ai từ 12 tuổi trở lên và Mỹ đã cho phép tiêm vaccine Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Khẩu trang cũng quan trọng. Không phải mọi người ở trường đều chủng ngừa - có những người lựa chọn không tiêm; bên cạnh đó còn có nguy cơ xảy ra các ca nhiễm vượt vaccine. Khẩu trang góp phần giảm nguy cơ lây lan virus của người bị nhiễm và bảo vệ người đeo. Trong năm học vừa qua, việc đeo khẩu trang đã được chứng minh là làm giảm sự lây lan của COVID-19 trong trường học. Khẩu trang cũng không làm gián đoạn ngày học như một số biện pháp khác, chẳng hạn như chia học sinh thành các nhóm cố định hoặc rút ngắn buổi học.

Dữ liệu từ các trường từ mẫu giáo đến lớp 5 ở bang Georgia mở cửa học trực tiếp vào mùa thu năm 2020, cho thấy, trong số 169 trường, tỷ lệ mắc COVID-19 trung bình là 3,08 ca/500 người. Tỷ lệ mắc COVID-19 giảm 37% ở các trường yêu cầu sử dụng khẩu trang, giảm 39% ở các trường yêu cầu đeo khẩu trang và cải thiện hệ thống thông gió, so với các trường không sử dụng biện pháp phòng ngừa này.

Những biện pháp hiệu quả không tương xứng chi phí

Một số biện pháp phòng ngừa khác rất ít hiệu quả ở trường học, và có thể hoàn toàn không xứng đáng với chi phí và nỗ lực bỏ ra để thực hiện.

Các vách ngăn bằng kính, phổ biến trong các doanh nghiệp và một số địa điểm khác, là biện pháp đắt tiền và ít hiệu quả trong việc ngăn chặn lây truyền qua đường không khí trong môi trường trường học, vì ngoài khẩu trang, yếu tố làm giảm lây truyền là lưu thông không khí. Trong một số tình huống, các vật chắn như vách ngăn giữa các bàn còn có thể làm tăng nguy cơ.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science phân tích dữ liệu từ hơn 2,1 triệu người được hỏi ở 50 bang của Mỹ trong hai khoảng thời gian trong năm học (24/11 đến 23/12/2020, và 11/1 đến 10/2/2021), gần 580 nghìn người (26,9%) cho biết có ít nhất một trẻ em từ mẫu giáo đến trung học sống trong hộ gia đình họ. 49% trong số này (hơn 285 nghìn) cho biết một đứa trẻ sống trong hộ gia đình đi học tại trường toàn thời gian (68,8%) hoặc bán thời gian (46,0%). Kết quả cho thấy có mối tương quan tỉ lệ thuận giữa các biện pháp giảm thiểu lây nhiễm (bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách chỗ ngồi, đóng cửa nhà ăn và sân chơi, đặt vách ngăn giữa các bàn, v.v..) và nguy cơ mắc COVID-19. Trung bình, mỗi biện pháp giúp giảm 7% nguy cơ mắc bệnh; tuy nhiên việc sử dụng vách ngăn tạo ra mức giảm nguy cơ thấp hơn, và đôi khi làm tăng nguy cơ.

Kiểm tra nhiệt độ hằng ngày và sàng lọc triệu chứng cũng không tỏ ra hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 ở những nơi công cộng. Cách tiếp cận này bỏ sót các trường hợp không có triệu chứng - đặc biệt phổ biến ở trẻ em và thanh niên. (Học sinh, giáo viên và nhân viên nên ở nhà cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính, nếu đang có các triệu chứng COVID-19 hoặc đã tiếp xúc với một người nhiễm COVID-19.)

Tháng 1/2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã tiến hành một chương trình sàng lọc (báo cáo các dấu hiệu ho, sốt, khó thở; đo nhiệt độ; và báo cáo tiếp xúc với các trường hợp nhiễm COVID-19) đối với hành khách đi máy bay đến từ một số quốc gia mà SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh trên diện rộng. Từ ngày 17/1 đến ngày 13/9/2020, tổng số gần 770 nghìn khách du lịch đã được khám sàng lọc, 298 (0,04%) trong số đó đáp ứng các tiêu chí để tiếp tục đánh giá sức khỏe kỹ hơn; 35 (0,005%) được xét nghiệm SARS-CoV-2 và chỉ tìm ra 9 trường hợp (0,001%) có kết quả xét nghiệm dương tính. Những phát hiện này chứng minh rằng việc kiểm tra nhiệt độ và triệu chứng trên diện rộng phát hiện được ít trường hợp COVID-19 và tiêu tốn nguồn lực đáng kể.

Các chính sách khác có thể làm giảm lây nhiễm nhưng có khả năng gây khó chịu cho học sinh, chẳng hạn như giữ khoảng cách ít nhất 2 mét hoặc tách học sinh thành các nhóm riêng. Nếu học sinh đeo khẩu trang, và đặc biệt là nếu hầu hết học sinh đã được tiêm phòng, thì những biện pháp này không tăng cường đáng kể khả năng bảo vệ.

Việc xét nghiệm thường xuyên cũng không đáng với chi phí bỏ ra. Thứ nhất, xét nghiệm thường xuyên rất tốn kém và ngoài ra, các ví dụ thực tế và mô hình toán học chỉ ra rằng xét nghiệm COVID-19 diện rộng thường xuyên ở trường học không mang lại nhiều lợi ích.

Ăn trưa an toàn

Một trong những vấn đề khó khăn nhất là đảm bảo phòng dịch trong giờ ăn trưa, khi học sinh tập trung đông đúc và không đeo khẩu trang. Tuy nhiên cũng có các biện pháp để tổ chức bữa trưa một cách an toàn.

Học sinh nên đeo khẩu trang bất cứ khi nào không ăn uống. Nên hạn chế việc la hét hoặc nói to do các hành động này phát ra nhiều giọt bắn làm phát tán nhiều virus hơn, đặc biệt là khi không đeo khẩu trang. Phòng ăn nên được thông gió tốt, đặc biệt là ở những vị trí học sinh ngồi ăn.

Học sinh cũng cần giữ khoảng cách với nhau trong khi ăn. Trường học có thể cân nhắc tổ chức chia ca các giờ ăn trưa khác nhau, để trẻ em ăn ngay trong lớp, hoặc sử dụng các không gian khác nhau trong trường làm nơi ăn trưa, giảm tải cho không gian nhà ăn.

Rủi ro lây nhiễm bên ngoài trường học

Động lực lây nhiễm quan trọng nhất không phải ở trường học, mà là mức độ lây truyền trong cộng đồng. Sau khi phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19 ở Florida vào tháng 3/2020, thống đốc bang này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 9/3/2020 và tất cả các trường trong bang đã tạm ngừng giảng dạy trực tiếp. Hầu hết từ cấp mẫu giáo đến lớp 12 mở cửa trở lại trong tháng 8/2020. Trong thời gian từ ngày 10/8 đến ngày 21/12/2020, tổng số gần 64 nghìn trường hợp nhiễm COVID-19 đã được báo cáo ở trẻ em trong độ tuổi đi học; ước tính khoảng 60% những trường hợp này không liên quan đến trường học. Tỷ lệ mắc bệnh của học sinh luôn ở mức tương đương với tỷ lệ mắc bệnh của dân số trong quận mà học sinh sinh sống, và việc đi học trực tiếp không liên quan đến tăng số ca mắc COVID-19 ở trẻ em trong độ tuổi đi học.

Nếu mức độ lây truyền trong cộng đồng thấp, các trường học có thể tiếp tục hoạt động bình thường mà không lo ngại trở thành các điểm siêu lây nhiễm. Biện pháp chính để đảm bảo an toàn cho học sinh là ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 bên ngoài trường học.

Nguồn:

theconversation.com