Theo Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, năm 2021, Trung Quốc đã dành một khoản ngân sách kỷ lục 2,79 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 441,3 tỉ USD) vào nghiên cứu và phát triển, tăng 14% so với năm 2020, đưa Trung Quốc trở lại đường đua thế giới trong đầu tư cho R&D.

Nhấn mạnh vào khoa học cơ bản

Những khoản đầu tư tài chính cho nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật của Trung Quốc đã sụt giảm trong năm 2020 khi quốc gia này chịu ảnh hưởng của đại dịch, dẫu cho các doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng trong đầu tư cho R&D đạt gần 10%, Tổng cục Thống kê quốc gia nước này cho biết.

Đầu tư cho R&D từng bị giảm sút trong năm 2020 khi Trung Quốc dồn lực đối phó Covid-19.

Ở khía cạnh ngân sách đầu tư cho các dự án nghiên cứu khoa học cơ bản lại còn có nhiều khó khăn (theo số liệu năm 2018, chỉ 5% tổng chi cho R&D của Trung Quốc là dành cho khoa học cơ bản, trong khi Mỹ đạt 15%,). Bởi lẽ, khoa học cơ bản phụ thuộc lớn vào sự hỗ trợ của chính phủ song chủ yếu là bị đóng băng hoặc cắt giảm, theo một số nhà khoa học tham gia vào các dự án nghiên cứu lớn này.

Tình hình đã được cải thiện dần dần. Zhang Qilong, một nhà thống kê tại Bộ phận Xã hội, khoa học và văn hóa của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, cho biết ngân sách của chính phủ cho khoa học cơ bản đã gia tăng hơn 15% trong năm 2021. Điều này cho thấy sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc cho “những đột phá mới của đổi mới sáng tạo nguyên bản” đã thực sự trở lại, ông nói với Nhân dân nhật báo.

Tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 14 vào năm 2021, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hứa hẹn thực hiện các tái cơ cấu các cơ sở KH&CN và đưa các mức khuyến khích về thuế để thúc đẩy các sáng kiến R&D. “Đầu tư cho R&D của chúng ta vẫn còn khiêm tốn, đặc biệt về khoa học cơ bản”, ông nói trong một buổi họp báo. “Do đó, chúng ta sẽ tiếp tục gia tăng mức đầu tư vào khoa học cơ bản. Chúng ta sẽ tái cơ cấu các cơ sở khoa học theo hướng đổi mới sáng tạo KH&CN”.

Những trọng tâm đặt vào nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ để định hướng các hình thức đổi mới sáng tạo công nghệ nội địa nhiều hơn là một phần của kế hoạch năm năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Theo kế hoạch này, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu thành lập các trung tâm KH&CN quốc gia tại Bắc Kinh, Thượng Hải, An Huy và Quảng Đông - Hong Kong - Macau. Những cơ sở nghiên cứu này có thể giúp cải thiện chính sách của mỗi vùng, giúp triển khai các chương trình phát triển hấp dẫn để thu hút những chuyên gia và tài năng nước ngoài và cung cấp một môi trường cạnh tranh ở tầm quốc tế cho những nhà khoa học nước ngoài đến làm việc ở Trung Quốc.

“Nghiên cứu cơ bản là một chủ đề được đề cập tới hằng năm nhưng chưa bao giờ lại được nhấn mạnh như năm 2021”, Sun Yutao, giáo sư nghiên cứu về chính sách khoa học ở trường Đại học Công nghệ Dalian, nói.

Khuyến khích lĩnh vực tư nhân đầu tư cho R&D

Chính phủ lên kế hoạch ban hành những chính sách mới để khuyến khích cam kết đầu tư cho R&D của xã hội, Zhang Qilong nhận xét. Lý giải cho các quyết tâm này, ông nói “Khi so sánh với các cường quốc khoa học và công nghệ của thế giới, đầu tư cho R&D đất nước của chúng ta vẫn còn chưa thể bằng về quy mô, cấu trúc và hiệu quả”.

Vào năm 2019, khoản ngân sách đầu tư cho R&D của Chính phủ Mỹ, doanh nghiệp và các trường đại học đạt con số 667 tỉ USD, tương đương 3% GDP của Mỹ, đưa quốc gia này vào vị trí thứ chín bảng xếp hạng đầu tư cho R&D toàn cầu, theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Trong danh sách này, Trung Quốc xếp hạng 14 với tổng mức đầu tư cho R&D là 346 tỉ USD.

Vào năm 2021, Trung Quốc nhảy lên hai bậc lên vị trí 12 trong bảng xếp hạng này với tổng mức đầu tư cho R&D đạt mốc mới là chiếm 2,44 % GDP. Ông Zhang Qilong cho rằng, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ chủ yếu tập trung vào các mức ưu đãi và khuyến khích cắt giảm thuế để thúc đẩy mức đầu tư cho R&D. Hiện các công ty Trung Quốc đã đóng góp hơn 70% mức tổng đầu tư cho R&D của quốc gia, họ có thể được hưởng các mức điều chỉnh thuế và hưởng ưu đãi trực tiếp từ chính phủ cho các hoạt động đầu tư cho nghiên cứu, ông nói.

Các mức ưu đãi của chính phủ sẽ cần được điều chỉnh cao gấp sáu lần vì nhiều công ty lớn của Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào R&D, một nghiên cứu xuất bản vào năm ngoái trên Business and Economy - tạp chí khoa học Trung Quốc có bình duyệt, đã phát hiện ra.

Tuy vậy, tác giả chính của công bố này là giáo sư Liu Mingxu ở trường Đại học Công nghệ thông tin Chengdu và cộng sự đã phát hiện thêm một thông tin khác: sự phụ thuộc vào chính phủ ngày một gia tăng của các công ty này là nguyên nhân khiến các khoản đầu tư của họ thăng giáng rất lớn cùng với sự thay đổi của chính sách.

Mặt khác, các chính sách khuyến khích đầu tư vào R&D đang ngày một định hướng việc các công ty Trung Quốc bổ nhiệm các thành viên có những kết nối chặt chẽ với chính phủ, với hy vọng sẽ bảo toàn vốn nhiều hơn, theo những nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế Trung Quốc. Các nhà “vận động chính sách” R&D này đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ các công ty Trung Quốc đạt được những thăng tiến về công nghệ, đặc biệt là tại những khu vực kém phát triển như miền Tây Trung Quốc, nhưng việc thắt chặt mối quan hệ với chính phủ cũng có thể dẫn đến khả năng gia tăng rủi ro chính sách và chuyển giao lợi ích bất hợp pháp, các nhà nghiên cứu cảnh báo.

Nguồn và và ảnh: scmp.com