Nhiều nước phương Tây đã dần dỡ bỏ các hạn chế để chuẩn bị cho việc chung sống với COVID-19. Nhưng các nhà khoa học cảnh báo chưa nên ảo tưởng rằng COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu trong ngày một ngày hai. Hãy chuẩn bị cho sự xuất hiện của biến thể tiếp theo.

Các nhà quản lý muốn chung sống...

Sau một đợt bùng phát nghiêm trọng, khi số ca nhiễm Omicron giảm dần, nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ đã dỡ bỏ các hạn chế đối với công chúng. Các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy đi đầu trong việc bãi bỏ gần như tất cả các hạn chế liên quan COVID-19. Đan Mạch thậm chí đã thực hiện những điều này từ ngày 1/2, sớm nhất châu Âu. Na Uy cũng có các động thái tương tự từ ngày 12/2, ngoại trừ vùng lãnh thổ Svalbard ở Bắc Cực. Tiếp bước Đan Mạch, bộ Y tế Thụy Điển tuyên bố đại dịch không còn là mối nguy cấp độ đại dịch, các quán bar và nhà hàng được phép mở cửa sau 23 giờ và không chịu hạn chế về số lượng khách. Hành khách trên phương tiện công cộng cũng không bắt buộc phải đeo khẩu trang. Thụy Điển cũng mở cửa biên giới với các nước châu Âu.

Các nước Bắc Âu như Đan Mạch đi tiên phong trong việc dỡ bỏ các hạn chế COVID sau khi cân nhắc tỉ lệ tiêm vaccine và khả năng của hệ thống y tế.

Tuyên bố của các nước Bắc Âu đều xuất phát từ việc cân nhắc giữa tỉ lệ tiêm chủng và khả năng của hệ thống y tế. Chẳng hạn Đan Mạch quyết định mở sau khi thống kê cho thấy 81% dân số Đan Mạch đã được tiêm 2 mũi vaccine, và 62% đã nhận thêm liều tiêm tăng cường. Nói về vấn đề này, Michael Bang Peterson, nhà khoa học chính trị tại Đại học Aarhus và là cố vấn cho Chính phủ Đan Mạch ủng hộ quyết định dỡ bỏ các biện pháp giới hạn giờ sinh hoạt về đêm, giới hạn thời gian các sự kiện công cộng trong nhà, bắt buộc đeo khẩu trang hoặc xuất trình chứng nhận tiêm vaccine. Ông cho rằng chính phủ không thể biện minh cho sự (đóng cửa) đánh đổi về kinh tế, xã hội, luật pháp trong khi số lượng bệnh nhân cần điều trị hồi sức tích cực (ICU) vẫn ổn định và trong khả năng của hệ thống y tế. Nhưng Anderson cũng lưu ý tỷ lệ giường ICU còn khả dụng tương đối thấp, và giảm bớt lây lan vẫn là chìa khóa giảm rủi ro của hội chứng COVID kéo dài và bảo vệ người già, người suy giảm miễn dịch khỏi nhiễm bệnh.

Nước Anh tuyên bố sẽ sớm nối gót trong tháng này, thậm chí sẽ loại bỏ yêu cầu bắt buộc phải cách ly sau khi xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính. Tại Hoa Kỳ, mặc dù số ca nhập viện và tử vong do COVID-19 liên tục ở mức cao và các bệnh viện luôn vất vả để ứng phó nhưng gần đây thống đốc của 10 tiểu bang đã thông báo không còn quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà và trường học nữa.

Các động thái trên đều hướng đến một mục tiêu: “Sống chung với dịch bệnh”. Các nhà quản lý ở nhiều nước giờ đây muốn xem coronavirus là mầm bệnh đặc hữu, như virus cúm và các virus gây cảm lạnh.

Hiện nay chỉ còn Trung Quốc vẫn quyết liệt nhất với chính sách zero-COVID nhưng cũng đã phê duyệt thuốc điều trị COVID hiệu quả nhất hiện nay là Paxlovid của Pfizer và dự kiến tiêm mũi tăng cường vaccine mRNA cho Trung Quốc tự sản xuất cho người dân. Đây là chỉ dấu cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc từ bỏ dần dần chính sách kiểm dịch hà khắc của mình.

Ngược lại, các nhà khoa học lại rất quan ngại với đề xuất này, vì nó khiến các chính phủ lơ là theo dõi đại dịch, và không chuẩn bị cho các biến thể tiếp theo. Nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Krishtian Andersen tại Viện Scripps đặc biệt chỉ trích chính phủ quê hương Đan Mạch của ông đã nóng vội đưa ra quyết định trong khi tỷ lệ tử vong và nhập viện do COVID vẫn đang tăng.

...Nhưng còn Khả năng theo dõi diễn biến dịch bệnh?

Các nhà khoa học đều thừa nhận sự kém hiệu quả của các biện pháp kiểm dịch cộng đồng trong bối cảnh biến thể Omicron rất dễ lây lan. Các nhà quản lý cũng không thể nắm chính xác tỷ lệ số ca nhiễm nhẹ và không triệu chứng có tăng lên hay không, bởi người dân ngày càng ít khai báo các xét nghiệm nhanh dương tính tự thực hiện tại nhà. Trong khi đó, như các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nhưng nhập viện do các bệnh lý khác đã làm xáo trộn các con số thống kê.

Tại California, Mỹ, thống đốc Gavin Newsom trích dẫn tỷ lệ nhập viện ổn định và số ca mắc Omicron đã giảm 65% so với thời kỳ đỉnh điểm để khẳng định việc chấm dứt các biện pháp kiểm dịch là phù hợp. Giới lãnh đạo đã chịu rất nhiều sức ép chính trị và kinh tế, và giờ đây họ phải đưa ra quyết định. Nhưng nhà dịch tễ Dustin Duncan tại Đại học Columbia cho rằng các động thái như vậy của các nhà quản lý chủ yếu do được sức ép từ phía công chúng đã không còn kiên nhẫn với các biện pháp chống dịch. Những người thận trọng với bệnh dịch giờ đây cũng có xu hướng dễ chấp nhận rủi ro hơn, nhất là sau khi đã tiêm vaccine hoặc/và đã hồi phục sau COVID-19.

Tuy nhiên các cơ quan chuyên môn y tế như CDC Hoa Kỳ vẫn kiên quyết khuyến nghị đeo khẩu trang tại không gian công cộng trong nhà và vùng dễ lây nhiễm, tức là gần như khắp mọi nơi tại Hoa Kỳ. Bởi vì chỉ tuần trước, Hoa Kỳ vẫn ghi nhận 2000 ca tử vong mỗi ngày. Đó là con số không thể chấp nhận được khi muốn sống chung với virus, theo Jodie Guest, nhà dịch tễ tại Đại học Emory. Nhóm của bà đã đưa ra các hướng dẫn sơ bộ về thời điểm mà COVID nên được coi là bệnh lưu hành đặc hữu: tỷ lệ mắc dưới 30/100,000, công suất ICU dưới 80%, tỷ lệ tiêm chủng từ 75%, và dưới 100 ca tử vong mỗi ngày trên toàn quốc.

Khi nào có thể chấm dứt quy định đeo khẩu trang trong trường học là một câu hỏi rất khó trả lời. Nhưng rõ ràng là khẩu trang cản trở rất nhiều việc học tập và tương tác trong lớp.

Thậm chí Thụy Điển nước có cách tiếp cận thông thoáng nhất đối với đại dịch: đã khai tử các trạm xét nghiệm lưu động. Tại nhiều nước khác, người dân ít có động lực cần làm xét nghiệm, và chính phủ cũng ít có động lực để thống kê số ca nhiễm hằng ngày mà có xu hướng chuyển sang thống kê hằng tuần hoặc hằng tháng.

Nhưng người ta chưa biết việc từ bỏ theo dõi COVID liên tục sẽ đưa tới hệ quả gì. Hiện nay vì không nắm được tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ này cũng ngày càng kém tin cậy nên các nhà nghiên cứu phải dựa vào các số liệu khác như nồng độ kháng thể trong mẫu máu ngẫu nhiên để ước đoán tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 trong dân số. Vậy nhưng Văn phòng Thống kê Anh Quốc dự kiến chấm dứt tài trợ cho các nghiên cứu như vậy, gây nên sự phản đối kịch liệt. Giới khoa học rất thất vọng vì các khuyến nghị của họ (về việc tiếp tục theo dõi dịch bệnh và các biến thể) đối với các chính phủ dường như chỉ là đàn gảy tai trâu.

Tin mới nhất cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đồng ý tiếp tục tài trợ cho chương trình giám sát COVID sau khi vấp phải nhiều chỉ trích, nhưng không rõ sẽ kéo dài bao lâu. Trong khi đó, các nhà khoa học vẫn cho rằng nhu cầu theo dõi virus vẫn là cấp thiết và đang rất lo lắng khi các chính phủ dường như chưa chuẩn bị kế hoạch ứng phó với đợt bùng phát tiếp theo.

doi: 10.1126/science.ada1340