Đầu tư vào startup tạo tác động xã hội đang là xu hướng ngày càng gia tăng trên thế giới nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và đáp ứng cả nhu cầu của người tiêu dùng thuộc thế hệ Z – rất quan tâm tới các yếu tố xã hội, môi trường. Nhưng đứng trước nhà đầu tư, startup nên làm thế nào để yếu tố tạo tác động xã hội trở thành điểm cộng.
Khi lằn ranh đã nhạt
“Nếu như startup khác đi gặp 100 nhà đầu tư thì được 1 người đồng ý thì chúng tôi phải đi gặp 200 nhà đầu tư mới được 1” – là chia sẻ của Trịnh Khánh Hạ - đồng sáng lập Vulcan Augmetics – startup phát triển tay giả cho người khuyết tật. Điều đó đủ để thấy khó khăn của một startup tạo tác động xã hội kiểu như Vulcan. Giấc mơ của những người sáng lập Vulcan Augmetics là giúp cho người mất tay có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt và làm việc bình thường với một chiếc tay cực kỳ công nghệ và giá cả hoàn toàn made in Vietnam, rẻ hơn khoảng 3-5 lần so với những cánh tay tương tự trên thế giới. Trong suốt bốn năm kể từ khi bắt tay vào khởi nghiệp Khánh Hạ thừa nhận họ có muôn vàn cái khó, mà khó nhất chính là đi thuyết phục nhà đầu tư rót vốn cho mình, dù rằng, Vulcan đã đạt không ít giải thưởng công nghệ và thậm chí từng là đại diện duy nhất của Đông Nam Á lọt top 10 cuộc thi The Venture năm 2019 tại Anh.
Cánh tay Vulcan với công nghệ thông minh và kiểu dáng đẹp mắt giúp người khuyết tật trong việc cầm - nắm - nâng - đỡ, giúp mọi hoạt động sống linh hoạt, tự tin.
Ảnh: Vulcan
“Đã có lúc chúng tôi chỉ có vài trăm nghìn trong tài khoản công ty. Nhưng những hình ảnh, video người khuyết tật có một cuộc sống bình thường, vui vẻ đã khiến chúng tôi đứng dậy, kể cả là đi vay nóng cũng phải vượt qua khó khăn” – Khánh Hạ nói. Trong số hơn 10 nhà đầu tư gồm cả quỹ và nhà đầu tư cá nhân, Khánh Hạ cho biết, họ không thuyết phục các nhà đầu tư của mình bằng câu chuyện tăng trưởng nhanh, mạnh như cách của các công ty fintech hay thương mại điện tử, mà thuyết phục bằng một tầm nhìn dài hơn, có thể là 7-10 năm.
“Với tầm nhìn dài hạn, các nhà đầu tư của Vulcan hiểu rõ rằng, 2-3 năm tới vẫn sẽ là thử thách để thuyết phục thị trường. Ngành này rất khó để tăng trưởng nhanh theo kiểu năm trước doanh thu 1 triệu USD và năm sau đạt 100 triệu USD mà sẽ là bài toán lâu dài cho cả Vulcan, xã hội và nhà đầu tư” – Khánh Hạ nói.
Tất nhiên, Vulcan cũng là startup khá đặc thù trong nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội đang có mặt trên thị trường hiện nay. Giờ đây, ranh giới của một startup thông thường và một doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội (impact startup đã có phần mờ nhạt, trong bối cảnh, startup cũng phải tìm một vấn đề đủ lớn của cộng đồng để giải quyết.
Báo cáo Bản đồ 100 doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam do UNDP và CSIE thực hiện năm 2021 đưa ra định nghĩa: “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động xã hội là doanh nghiệp mới thành lập trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ công nghệ, mô hình kinh doanh mới, có khả năng tăng trưởng nhanh, cùng lúc theo đuổi hai mục tiêu chiến lược là tạo giá trị kinh tế và giải quyết các thách thức xã hội và môi trường”.
Theo PGS.TS Trương Thị Nam Thắng - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân việc đầu tư vào các startup đang là xu hướng. Bản thân chị Thắng khi làm việc với các nhà tài trợ quốc tế như USAID hay JICA cũng nhận thấy, các tổ chức này đã và đang chuyển một phần nguồn vốn sang đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội thay vì chỉ rót vốn dưới hình thức tài trợ không hoàn lại.
PGS.TS Trương Thị Nam Thắng cho biết: “Ở Ấn Độ, JICA đã đầu tư vào một nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội ở Ấn Độ và có hai startup đã trở thành kỳ lân, đã sẵn sàng cho việc IPO. Và họ muốn lặp lại thành công này ở Việt Nam với kỳ vọng tương tự.
Sự thay đổi của JICA không đơn lẻ. Trong Báo cáo năm 2020 về Đo lường quy mô thị trường đầu tư tạo tác động do Global Impact Investing Network (GIIN) thực hiện đã chỉ ra rằng, quy mô thị trường đầu tư tạo tác động đã phát triển gấp đôi trong hai năm (tức là năm 2018). Theo ước tính của GIIN, năm 2019 thị trường này trị giá 715 tỉ USD và được quản lý bởi 1720 tổ chức. Báo cáo này cũng chỉ ra, những năm gần đây, nhiều ông lớn trong ngành đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE) như Apollo, KKR, Bain và TPG cũng tham gia thị trường đầu tư này và liên tục tung ra các quỹ nhắm đến tác động môi trường và xã hội tích cực.
Những nhà đầu tư có ý thức
Những dự báo phía trên được cho là khả thi khi soi chiếu vào thực tế. Đại dịch cùng với những yếu tố tiêu cực về xã hội, môi trường khiến các nhà đầu tư tin rằng, việc đầu tư tạo tác động vào các startup phát triển bền vững là rất cần thiết.
Điều này càng có thêm thuyết phục khi báo cáo của GIIN chỉ ra rằng, thế hệ Z (Những người từ độ tuổi 16 tới 23) đang là động lực thúc đẩy “Kỷ nguyên của Người tiêu dùng Có ý thức”. Nhóm người tiêu dùng này có xu hướng chọn các sản phẩm được sản xuất mà vẫn bảo vệ môi trường như mua thực phẩm organic, đi lại bằng phương tiện công cộng, không xả thải ra môi trường….
Phân tích từ báo cáo của GIIN, Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: “Nhà đầu tư có ý thức ngày càng có xu hướng để quy chuẩn đạo đức cá nhân định lối đầu tư, họ đòi hỏi nhiều sự minh bạch hơn từ những đối tượng đầu tư của mình. Có thể thấy, Kỷ nguyên của Người tiêu dùng có ý thức đang dần tiến hóa thành Kỷ nguyên của Nhà đầu tư có ý thức”.
Theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm – Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư Nextrans, xu hướng đầu tư vào các vấn đề ESG (môi trường – xã hội – quản trị) đã được quan tâm từ lâu, nhưng 2-3 năm trở lại đây, khi nguồn lực tài chính đủ mạnh thì tiền mới đổ nhiều vào lĩnh vực này. Nextrans và nhiều quỹ đầu tư khác cũng có hẳn một quỹ riêng cho vấn đề này. Trong khi thị trường Việt Nam chưa có nhiều startup đáp ứng được các tiêu chí của nhà đầu tư thì năm năm trước Nextrans đã hoạt động rất năng nổ ở Mỹ. Cụ thể, quỹ này đã rót tiền vào một startup phát triển hệ thống điều hòa cho các nhà hàng, trung tâm mua sắm dựa vào các tấm pin nhận nhiệt lượng từ mặt trời. Điểm đặc biệt của sản phẩm này là không thải ra các khí như CFC hay HCFC có thể làm thủng tầng ozon. Hay thương vụ mới nhất của Nextrans là đầu tư vào một công ty xử lý rác thải nilon bằng vi sinh vật, có thể phân hủy nilon trong 30 phút mà không gây ảnh hưởng đến môi trường. Theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm, những công nghệ đột phá như vậy xứng đáng để nhà đầu tư đặt cược. Bởi nếu thành công đây sẽ là một startup rất lớn.
Trước câu hỏi, “lợi nhuận có phải yếu tố ưu tiên để nhà đầu tư rót vốn”, bà Lê Hàn Tuệ Lâm cho biết, “quỹ cũng phải đi gọi vốn từ các nhà đầu tư khác với cam kết tăng trưởng”. Bởi vậy, khi quyết định rót vốn, yếu tố tăng trưởng và lợi nhuận vẫn có ý nghĩa quyết định. Khi startup giải quyết được cả hai vần đề, vừa mang lại lợi nhuận vừa có tác động xã hội đủ lớn thì đó sẽ là điểm cộng lớn để nhà đầu tư xuống tiền.
“Trên thị trường đầu tư toàn cầu, không chỉ Nextrans mà các quỹ đầu tư lâu đời cũng đều hướng tới sứ mệnh đầu tư vào các startup tạo tác động xã hội” - bà Lâm nói.
Gợi ý thêm cho các startup tạo tác động xã hội khi thuyết phục nhà đầu tư, bà Lê Hàn Tuệ Lâm cho biết, Nextrans quan tâm tới các bài toán có thể giải quyết được vấn đề của một cộng đồng lớn, nghĩa là càng nhiều người được hưởng lợi từ giải pháp này càng tốt.
“Đơn cử như khi đầu tư vào Selex Motors – công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất xe máy điện, pin và hệ thống trạm thay pin, hai điều thuyết phục chúng tôi là 100% xe máy ở Việt Nam vẫn chạy xăng và đội ngũ này đủ kinh nghiệm và kiến thức để giải quyết bài toán họ đặt ra. Khi Selex Motors thành công, họ sẽ tạo ra một cuộc cách mạng cho môi trường. Quy mô đó đủ lớn để chúng tôi đặt cược” – bà Lê Hàn Tuệ Lâm nói.
Selex Motors kỳ vọng có thể kỳ vọng tạo ra một cuộc cách mạng, thay thế xe điện bằng xe xăng góp phần giảm khí thải ra môi trường. Ảnh: Selex Motors
Đội ngũ sáng lập của Selex Motors - từ trái qua phải: Nguyễn Đình Quảng,
Nguyễn Trọng Hải và Nguyễn Hữu Phước Nguyên. Ảnh: Selex Motors
Selex được thành lập bởi ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên - Giám đốc điều hành/Giám đốc công nghệ, ông Nguyễn Trọng Hải - Kỹ sư trưởng Kỹ thuật Cơ khí và ông Nguyễn Đình Quảng - Kỹ sư trưởng Phần mềm. Cùng tốt nghiệp tiến sĩ Cơ khí từ Đại Học Michigan, ông Nguyên là một chuyên gia về xe điện với kinh nghiệm làm việc cho các công ty trong lĩnh vực ôtô và quốc phòng ở Mỹ, Malaysia và Việt Nam. Ông Hải là một chuyên gia cơ khí với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ôtô, bao gồm Ford và GM. Ông Quảng là chuyên gia kỹ thuật phần mềm/IoT với hơn 12 năm kinh nghiệm, từng là Kỹ sư trưởng Phần mềm cho một công ty quốc phòng của Israel.
Hiện nay, Selex hợp tác với Viettel Post và Lazada Logistics nhằm "điện hóa" đội xe giao hàng và thiết lập các trạm đổi pin trên toàn quốc. Selex đang xây dựng một nhà máy mới sản xuất phương tiện điện và pin, trở thành một trong những công ty tiên phong ở Đông Nam Á có khả năng tự chủ phát triển và sản xuất xe điện, pin cũng như hạ tầng năng lượng đi kèm. Công ty cũng có kế hoạch mở rộng sang các nước Đông Nam Á. |