Trong quá khứ, Mauritius (quốc đảo nhỏ nằm ở phía Đông Madagascar và rất khan hiếm tài nguyên) từng phải lệ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu để chạy máy phát điện. Tuy nhiên, tình trạng này đang bắt đầu thay đổi.

Trang tin khoa học Phys.org cho biết, các lãnh đạo của Mauritius đang chuẩn bị cho một tương lai ngày càng khan hiếm bằng cách đầu tư cho năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, và tận dụng thêm cả một loại cây trồng vốn rất phong phú trên đảo: cây mía. Theo ước tính, cây mía đang tạo ra một lượng sinh khối (biomass) đủ lớn để đáp ứng khoảng 14% nhu cầu năng lượng trên đảo nhờ chính sách khuyến khích tận dụng bã mía (nguyên liệu còn sót lại khi chế biến đường, có thể được đem đốt để tạo ra điện) do chính phủ ban hành. Thậm chí, CO2 thu được từ quy trình đốt còn được dùng để bổ sung gas cho các loại nước giải khát.

Thiên đường du lịch. Ảnh: Wikimedia.

Mauritius được xem là một thiên đường du lịch. Ảnh: Wikimedia.

Từ lâu, giới nghiên cứu đã biết bã mía có rất nhiều tiềm năng ứng dụng, nhưng những gì đang diễn ra tại Mauritius còn đang góp phần chứng minh một điều, rằng đó cũng là một nguồn năng lượng có tính kinh tế rất cao – ngay cả khi nó chỉ được xem như một sự thay thế tạm thời cho các dạng năng lượng tái tạo khác. Thứ nữa, những đổi mới này của Mauritius cũng là một chỉ dấu, báo hiệu tương lai của nhiều khu vực trên thế giới, khi con người đang ngày càng cảm nhận được khủng hoảng từ sự cạn kiệt của các nguồn nhiên liệu hóa thạch (vốn đã từng rất rẻ).

Trao đổi với Phys.org, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng năng lượng Mauritius, ông Ivan Mauriti Ivan Collendavelloo cho biết, chính phủ của ông đang đạt ra mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên mức 35% vào năm 2025. “Con số này không phải là quá xa vời khi ngay trong năm tới, chúng tôi sẽ sở hữu ít nhất 11 trạm quang điện và 2 trạm phong điện.”