Biên tập viên Trần Nguyên của Khoa học Phát triển được chọn làm người điều phối phiên thảo luận đặc biệt ngày 19.8 với các giáo sư, doanh nhân, nhà khoa học và khởi nghiệp nổi bật trong cộng đồng người Việt quốc tế. Anh chia sẻ những suy nghĩ của mình về công việc thú vị này.
Ý tưởng được ban tổ chức, bao gồm Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Ngoại giao đưa ra, là cần có một phiên thảo luận với các diễn giả về một câu chuyện gì sát với thời sự cũng như gợi được cảm hứng cho hơn 1.500 khách tham dự nhất. Làm thế nào để câu chuyện về nhân tài, nhân lực chất lượng cao cởi được các nút thắt trong việc tìm kiếm sự đóng góp của nguồn lực quan trọng này đối với sự phát triển của đất nước. Điều bất ngờ đầu tiên, là danh sách những người đồng ý tham gia cho panel này quá… xịn, và không có ai từ chối câu chuyện về cuộc gặp gỡ đặc biệt này cả.
Giáo sư Ngô Bảo Châu là người đầu tiên xác nhận, dù ông vẫn còn mải miết trên hành trình mang “toán học kiểu Pi” tới những miền xa. Chọn đi về giữa Việt Nam và Mỹ với vai trò Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và Giáo sư Đại họcChicago, Hoa Kỳ, người ta kỳ vọng Giáo sư trẻ nhất Việt Nam này có thể chia sẻ được góc nhìn đa chiều hơn về nhân tài và kết nối nhân tài trong và ngoài nước.
Phiên họp nhóm tổ chức do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì. Ảnh: NVCC
PGS TS Trần Thị Như Hoa, hiện đang công tác tại Khoa Khoa học và Công nghệ, Đại học Gachon, Hàn Quốc và Phó Trưởng Ban khoa học Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã mua vé máy bay về dự. Theo chị, những năm qua, hoạt động Khoa học ở Hàn Quốc rất sôi nổi, mạnh mẽ và đóng góp rất lớn vào rất nhiều cho sự phát triển KH & CN như các ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Điện tử viễn thông, Công nghệ vật liệu.
Cùng với kinh nghiệm của tôi, Hội thảo khoa học Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc với 5 lần tổ chức dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam và Văn phòng Khoa học Công nghệ, qua đó tạo sân chơi để các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam tham gia trao đổi và giao lưu học thuật, cũng như mở ra các mối quan hệ hợp tác KHCN trong tương lai. Chị hết sức hào hứng khi bàn về việc kết nối và hội nhập nhân tài Việt Nam với thế giới.
Tiến sĩ Lê Viết Quốc thì nói giản đơn: tôi muốn bàn về chiến lược trí tuệ nhân tạo đối với Việt Nam, và nhân tiện, tôi cũng đang nằm trong hội đồng quản trị của đại học Fulbright Việt Nam, nên có thể chia sẻ góc nhìn dài hạn về nhân lực chất lượng cao. Anh Quốc tốt nghiệp tiến sĩ ngành trí tuệ nhân tạo tại ĐH Stanford, Hoa Kỳ. Anh được báo chí Mỹ gọi là “Ông thầy Việt dạy máy hiểu cảm xúc con người”.
Lê Viết Quốc bắt đầu làm việc tại Google từ năm 2013 chuyên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và ngôn ngữ. Những sản phẩm như Google Translate (công cụ dịch của Google) và Google Search (công cụ tìm kiếm của Google) đều có các đóng góp của Quốc. Anh sẽ cùng nhân vật đang rất nổi tiếng khi nhận lời về điều hành dự án Vinfast của Vingroup ông Võ Quang Huệ chia sẻ những góc nhìn đa chiều về việc làm việc ở nước ngoài, ở công ty quốc tế hay làm việc ở Việt Nam.
Ông Võ Quang Huệ sang Đức học từ năm 18 tuổi. Sau khi tốt nghiệp các chuyên ngành kỹ thuật ô tô ở thành phố Koeln và kỹ thuật cơ khí ở thành phố Achen, rồi ở lại Đức làm việc tại Tập đoàn BMW từ năm 1980. Năm 1993, sau 14 năm làm việc cho BMW, ông Huệ về Việt Nam với vai trò Trưởng đề án đưa BMW vào thị trường Việt Nam. Sau đó, ông đảm nhiệm chức vụ Trưởng đại diện Tập đoàn BMW ở Ai Cập trong 6 năm trước khi trở về Việt Nam làm giám đốc Bosch vào tháng 8/2006. Đến tháng 9.2017, ông về phụ trách dự án Vinfast, bắt đầu giấc mơ xe ô tô do người Việt thực hiện. Nói chuyện qua điện thoại để chuẩn bị cho phiên thảo luận, ông Huệ nói rất hào hứng: “Cuối cùng, việc chúng tôi trở về Việt Nam để làm việc thực sự là do động lực tinh thần, những giải pháp khác đều có thể giải quyết được”.
Còn lại là ông Joseph Huỳnh sẽ đại diện cho những người khởi nghiệp quốc tế về chia sẻ. Từ Úc, Joseph là doanh nhân khởi nghiệp và giám đốc phát triển sản phẩm có hơn 20 năm kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp từ số 0 lên đến doanh số nhiều trăm triệu USD. Mọi người trong nhóm mô tả ông là người chuyên giải quyết vấn đề dựa trên sự cộng tác của tập thể. Ông cũng là một nhà hoạt động xã hội xuất sắc. Joseph từng điều hành các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực từ thương mại điện tử (Lazada), kỹ thuật số (Yahoo, Webtretho), phần mềm (Atlassian, Tinypulse, Candylio), tuyển dụng (vietnamworks), hẹn hò trực tuyến (match.com) và NGO (ARHA, UNFPA).
Chọn một chủ đề cho tên gọi, chúng tôi dùng mô hình Creating Shared Value do giáo sư Micheal Porter của trường Kinh doanh Harvard nghiên cứu và đúc kết: Kiến tạo các giá trị chung cho những hợp tác phát triển bền vững. Đây cũng chính là một mục tiêu mà sáng kiến Vietnam Innovation Network muốn hướng tới: hình thành một cộng đồng các chuyên gia người Việt trên toàn thế giới để có thể cùng nhau kiến tạo những giá trị lớn cho sự phát triển của mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp để từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Vietnam Innovation Network là bước phát triển mới của Chương trình gặp gỡ người Việt Nam làm khoa học công nghệ, trong khuôn khổ triển khai xây dựng Đề án đánh giá tác động và xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ.
Chương trình sẽ quy tụ 100 chuyên gia công nghệ người Việt trong và ngoài nước để cùng chia sẻ tầm nhìn, chiến lược nhằm tiếp cận, tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào Việt Nam.
Mục tiêu của Chương trình bao gồm:
- Chia sẻ tầm nhìn, quan điểm chiến lược của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ hội tiếp cận và tận dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện nay vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới.
- Thu hút sự quan tâm, đóng góp của giới trí thức người Việt ở nước ngoài đang nghiên cứu, công tác trong những ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ hàng đầu để tham gia trực tiếp, ngay từ đầu vào việc triển khai các chiến lược phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam thời gian tới.
- Tạo dựng mạng lưới kết nối các trí thức người Việt tại các quốc gia với đội ngũ làm khoa học, công nghệ ở Việt Nam; tạo cơ chế làm việc, hợp tác linh hoạt cho các chuyên gia trong và ngoài nước khi tham gia vào các dự án, chương trình chiến lược của quốc gia để đảm bảo sự tham gia chủ động theo khả năng cam kết của mỗi cá nhân. |