Nhìn lại năm 2017, điểm sáng trong xây dựng cơ chế, chính sách KH&CN chính là việc Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ 2017 nhằm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN.

Luật được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ trong nước; ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam…

Năm nhóm vấn đề lớn

Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) 2017, thay thế Luật Chuyển giao công nghệ 2006, đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, những nội dung cơ bản của Luật gồm 9 nhóm nội dung, tập trung vào 5 nhóm vấn đề lớn.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh giới thiệu những điểm mới của Luật CGCN 2017 tại lễ công bố Luật hôm 12/7/2017. Ảnh: N. Hạnh

Một là, chính sách của nhà nước đối với hoạt động CGCN. Luật CGCN 2017 đã bao quát tất cả những định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đồng thời cũng lựa chọn, xử lý được những vấn đề phát sinh căn bản liên quan đến việc một mặt tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp, khuyến khích CGCN, mặt khác kiểm soát được thực trạng công nghệ và ngăn chặn công nghệ lạc hậu để đảm bảo phát triển xanh và bền vững đất nước. Tinh thần này được thể hiện qua Điều 3 của Luật quy định về Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ.

Hai là, nhóm vấn đề về quản lý CGCN thông qua các biện pháp khuyến khích, hạn chế hoặc cấm chuyển giao. Tinh thần của Luật 2017 vẫn đảm bảo thông thoáng như Luật năm 2006 nhưng sẽ kiểm soát được trong tình hình kinh tế xã hội đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi. Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn lêncác doanh nghiệp Việt Nam, buộc họ phải đổi mới công nghệ. Đây cũng là thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát được thực trạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư để bảo đảm gìn giữ môi trường, phát triển bền vững.

Ba là, công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Với Luật CGCN 2017, lần đầu tiên chúng ta có một chương tập trung giải quyết căn cơ yêu cầu về công tác thẩm định CGCN.

Bốn là, biện pháp khuyến khích thúc đẩy CGCN và các giải pháp đồng bộ phát triển thị trường công nghệ. Luật CGCN 2006 đã đáp ứng rất tốt với những yêu cầu hội nhập quốc tế. Nhưng đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì việc hoàn thiệncông nghệ nội sinh cũng như nhập các công nghệ nước ngoài thế nào để phù hợp, phục vụ cho nền kinh tế,… hiện gần như chưa đáp ứng được.

“Ở Luật CGCN 2017, giải pháp sửa đổi, bổ sung sẽ đáp ứng những yêu cầu căn bản này để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, có cơ chế hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ” - Bộ trưởng nói tại lễ công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Chuyển giao công nghệ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Cuối cùng là trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Luật CGCN trong tất cả yêu cầu công việc, từ quản lý công nghệ đến xem xét một cách thấu đáo trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong thẩm định công nghệ của dự án đầu tư.


Một vài băn khoăn

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đánh giá cao đối với Luật CGCN 2017, cho rằng Luật đã được sửa đổi một cách căn bản so với Luật 2006, sẽ góp phần đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như tháo gỡ cho việc hợp tác CGCN giữa viện, trường và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Thông - Giám đốc Sở KH&CN, Đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa - để Luật thực sự phát huy tác dụng trong cuộc sống thì phải tính đến việc đồng bộ hóa các luật liên quan. Cụ thể, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác cần điều chỉnh cho phù hợp với Luật Chuyển giao công nghệ mới.

Hiện Luật Đầu tư công không quy định rõ việc thẩm định công nghệ, trong khi Luật Bảo vệ môi trường tại Điểm 2, Điều 22, Mục 3, Chương 2 lại đòi hỏi phải có đánh giá tác độngcủa công nghệ chuyển giao tớimôi trường, giống với Luật CGCN 2017, ông Thông nói với Báo Khoa học và Phát triển. Nghĩa là, Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường đang “đá” nhau trong khi Luật Bảo vệ môi trường và Luật CGCN 2017 lại “giẫm lên chân nhau”.

Theo ông Thông, trước khi quyết định chủ trương đầu tư thì phải thẩm định công nghệ để xem xét có được chấp nhận chuyển giao công nghệ hay không rồi mới thực hiện việc đánh giá tác động môi trường. “Chúng ta cần hạn chế tối đa các thủ tục để khỏi làm phiền đến các nhà đầu tư. Sửa đổi quy định này cũng là giảm chồng chéo khi có một công nghệ mà hai Bộ cùng thẩm định.” Ông Thông cũng cho rằng, cần sớm chi tiết hóa danh mục các công nghệ bị hạn chế hay được khuyến khích chuyển giao để dễ tra cứu sau này.

Trong khi đó, đại biểu Lê Quân–Đoàn đại biểu TP Hà Nội– khi cho ý kiến về Luật Chuyển giao công nghệ 2017 đã nhận xét rằng, hiện Luật quy định chỉ cần bộ chủ quản, một ngành liên quan đầu mối cho ý kiến về công nghệ là bước cải tiến quan trọng. Tuy nhiên, “cần quy định rõ hơn là trong thời hạn bao nhiêu ngàycác bộ, sở, ban, ngành có liên quan phải cho ý kiến. Quá thời hạn đó thì cơ quan chủ trì thẩm định có quyền và có nghĩa vụ quyết định trả lời ý kiến cho doanh nghiệp, tránh trường hợp khi doanh nghiệp nộp hồ sơ chỗ này, nhưng vì chưa có ý kiến của nơi khác, do đó chưa trả lời được” – ông Quân nói.

Luật CGCN 2017 gồm 6 Chương, 60 Điều, cụ thể: Chương I - Những quy định chung; Chương II - Thẩm định công nghệ dự án đầu tư; Chương III - Hợp đồng CGCN; Chương IV - Biện pháp khuyến khích CGCN, phát triển thị trường KH&CN; Chương V - Quản lý nhà nước về CGCN; Chương VI - Điều khoản thi ành.

Câu lạc bộ Nhà báo khoa học và công nghệ (Hội Nhà báo Việt Nam) đã bầu chọn việc thông qua Luật CGCN 2017 là một trong 10 sự kiện nổi bật của năm.