Đổi mới công nghệ là yêu cầu sống còn với các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam ở sân chơi trong nước cũng như quốc tế đang ngày càng cạnh tranh gay gắt; nhưng làm sao để doanh nghiệp lựa chọn công nghệ phù hợp và nhận chuyển giao thành công.

Những ngày cuối năm 2017, Công ty Cổ phần Dược Danapha (Đà Nẵng) đang hoàn thiện những bước cuối cùng cho hồ sơ tài chính đối với dự án “Khu công nghệ cao Danapha” để sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu cùng các hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ khác, dự kiến công suất đạt 1 tỷ viên thuốc/năm.

Mục tiêu hướng tới là đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ, và doanh nghiệp nhận thức rằng “chỉ có cách cải tiến và đổi mới dây chuyền công nghệ mới có thể giúp đạt được khát vọng ấy”, ông Nguyễn Quang Trị - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược Danapha– một doanh nghiệp khoa học công nghệ chia sẻ với Khoa học và Phát triển.

Ông Trị cho biết nhà máy được xây dựng hoàn toàn mới sẽ đáp ứng tiêu chuẩn US FDA, và “là dự án đầu tiên của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á đảm bảo tiêu chuẩn của Mỹ”.

Tuy nhiên hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ vẫn thường khá rủi ro do tốn rất nhiều tiền. Dự án của Danapha chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn tốn kém hàng trăm tỷ đồng, đưa tổng mức đầu tư dự án lên tới 1.500 tỷ đồng. Bản thân các doanh nghiệp như Danapha có nhu cầu đổi mới công nghệ rất mạnh mẽ, nhưng không phải khi nào doanh nghiệp cũng tự tìm kiếm được công nghệ phù hợp.

Để giảm thiểu rủi ro, các doanh nghiệp như Danapha cần sự hỗ trợ bởi những nhà tư vấn đáng tin cậy. Đó là lý do họ tìm đến Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI) - Bộ KH&CN. SATI đã kết nối với các công ty của Nhật Bản, công ty tư vấn của Mỹ để hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho Danapha từ Nhật Bản. “Việc ký kết chuyển giao công nghệ về sản xuất thuốc tim mạch sẽ được Danapha và công ty của Nhật Bản ký kết tại TechDemo 2017” – ông Trị cho biết.

Cán bộ vận hành dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Dược Danapha. Ảnh: Thanh Xuân
Cán bộ vận hành dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Dược Danapha. Ảnh: Thanh Xuân

Theo ông Trị, các hoạt động tư vấn, kết nối cả về công nghệ và chính sách tài chính mà Bộ KH&CN đang thực hiện có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh thị trường lớn như hiện nay.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có tiềm lực vừa phải, thậm chí nhiều hợp tác xã cũng quan tâm tới đổi mới công nghệ. SATI từng hỗ trợ khá hiệu quả cho Hợp tác xã chè Tuyết Hương (Thái Nguyên) làm chủ và cải tiến công nghệ sấy ga. Nhờ đó, người trồng chè tiếp cận được công nghệ tiên tiến với chi phí phải chăng, phù hợp với đặc tính sản xuất và yêu cầu của thị trường trong nước. Các sản phẩm làm ra có chất lượng cao do không bị giảm và lẫn mùi như công nghệ sấy truyền thống, các mẻ sấy có tính đồng đều do thiết bị được điều chỉnh theo chương trình, chi phí phù hợp và tốn ít công lao động do khả năng tự động hoá cao.

Sau khi đổi mới công nghệ thành công, doanh thu Hợp tác xã chè Tuyết Hương tăng hơn 30%, trở thành đơn vị tiêu biểu của Thái Nguyên. Sản phẩm của Hợp tác xã cũng được nhận giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia do Bộ Công thương trao tặng vào tháng 9 năm 2017.

Sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia công nghệ là rất cần thiết để các nhà sản xuất trong nước nâng tầm sản phẩm, hướng tới những thị trường khó tính hơn. Điển hình như cơ sở sản xuất Hải Yến (Quảng Ninh), sau khi nhận được hỗ trợ, tư vấn để giải quyết các vấn đề của sản phẩm dầu ép đã thành công trong việc nâng cao chất lượng, theo đó tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm sạch qua các kênh phân phối như Bác Tôm; BigGreen,... và đang hướng tới các chuỗi nhà hàng cao cấp.

Ghép giày vừa chân

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng – trong hoạt động kết nối giữa một bên cần công nghệ và một bên có công nghệ mà Bộ KH&CN hỗ trợ trong thời gian qua, không phải lúc nào công nghệ chuyển giao cũng là những công nghệ mới nhất. Lý do là vì công nghệ hoàn toàn mới chưa chắc đã phù hợp với điều kiện và tiềm lực của doanh nghiệp.

“Những doanh nghiệp lớn nhu cầu công nghệ cao, còn doanh nghiệp nhỏ mong muốn tìm kiếm công nghệ phù hợp làm sao để sản xuất hiệu quả hơn, cho sản phẩm tốt hơn và đúng với năng lực họ có.”

Để tìm ra đúng công nghệ phù hợp nhu cầu thực tiễn, điều đần tiên SATI tiến hành trước mỗi dự án chuyển giao công nghệ là điều tra đánh giá nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp, TS Tạ Việt Dũng – Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết. “Hoạt động điều tra khảo sát được thực hiện là để xác định nhu cầu thật của doanh nghiệp, từ đó phân loại và sàng lọc để xác định mong muốn đổi mới công nghệ hoặc nhu cầu tư vấn tiếp nhận công nghệ, cải tiến kỹ thuật ở những khâu nào. Tiếp đó, phải đi tìm kiếm đúng công nghệ sẵn sàng chuyển giao (cả trong và ngoài nước) theo yêu cầu của doanh nghiệp” – ông Dũng nói.

Sau khi tìm kiếm nguồn cung công nghệ, SATI tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho hai bên ngồi lại với nhau để trao đổi, đàm phán. Trong quá trình đàm phán sẽ có sự hỗ trợ của các chuyên gia về pháp lý, chuyên gia công nghệ để có thể tư vấn cho bên mua hiểu sâu hơn trong quá trình đàm phán chuyển giao. Các chuyên gia pháp lý sẽ tư vấn cho doanh nghiệp về hợp đồng chuyển giao công nghệ với nước ngoài như thế nào để giảm thiểu rủi ro.

Gian hàng của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch tại TechDemo 2016 ở Thái Nguyên. Ảnh: Lê Hằng

“Tài chính cũng là vấn đề rất quan trọng, vì vậy tiêu chí phù hợp với năng lực tài chính cũng được các chuyên gia hết sức lưu ý các chuyên gia còn tư vấn cho doanh nghiệp cả về giải pháp tài chính để lựa chọn được công nghệ phù hợp với tiềm lực của mình” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Tạo cơ chế chính sách và môi trường thuận lợi

Hiện nay, Luật Chuyển giao công nghệ 2017 đã được Quốc hội thông qua, cùng với đó nhiều cơ chế chính sách cũng được xây dựng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ cũng như thúc đẩy thị trường công nghệ phát triển.

Cụ thể, Thứ trưởng Trần Văn Tùng dẫn nhiều Chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp mà Bộ KH&CN đang chủ trì thực hiện như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình phát triển sản phẩm công nghệ cao; Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia…

“Thông qua các chương trình và các quỹ này, doanh nghiệp có thể tìm hiểu để nhận được những hỗ trợ phù hợp để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay” – Thứ trưởng Tùng nhận định.

Về phía SATI, một công cụ khá hữu ích được Cục xây dựng và hoàn chỉnh trong thời gian qua là phần mềm quản lý dữ liệu công nghệ với các chức năng thống kê theo địa phương, ngành lĩnh vực đối với doanh nghiệp, nguồn cung, nhu cầu công nghệ; chức năng cập nhật cơ sở dữ liệu tự động, thống nhất quản lý dữ liệu theo doanh nghiệp (theo mã số thuế) và theo viện, trường (mã định danh) đối với nguồn cung công nghệ và nhu cầu công nghệ. Từ đây doanh nghiệp có thể tìm kiếm được công nghệ phù hợp với nhu cầu của mình.

Khách tham quan trải nghiệm một thiết bị y tế tại TechDemo 2016 ở Thái Nguyên. Ảnh: K.Linh
Khách tham quan trải nghiệm một thiết bị y tế tại TechDemo 2016 ở Thái Nguyên. Ảnh: K.Linh

Bên cạnh đó, hiện SATI đang tiếp tục mở rộng các kênh chuyên gia và các nguồn cung công nghệ đầu vào để tăng chất lượng của hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài các kênh đầu vào từ các địa phương, viện trường, Cục đã kết nối với một số hiệp hội và các tổ chức đầu mối khác nhằm nắm bắt tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời phối hợp cùng doanh nghiệp và chuyên gia để cùng đề xuất tham gia các chương trình khoa học và công nghệ của địa phương cũng như các chương trình quốc gia.

Từ việc xác định được danh mục hơn 300 loại nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành/lĩnh vực và nắm bắt thông tin của gần 1.800 loại công nghệ tiềm năng ở trong và ngoài nước phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, SATI đã hỗ trợ kết nối thành công gần 130 hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu với giá trị ký kết lên tới 680 tỷ đồng.

Trong đó, năm 2016 đã hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối cung - cầu trao đổi, thống nhất, xác định được 9 hợp đồng hợp tác chuyển giao công nghệ, biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác với tổng giá trị hơn 56 tỷ đồng.

Nguồn: Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ