Hydrogen xanh - một trong những dạng nhiên liệu đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát thải ròng bằng "0" - được dự báo sẽ tăng trưởng ồ ạt trong thời gian tới. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lo lắng vì thiếu vắng các ứng dụng hydrogen và chính sách hỗ trợ đầu tư xung quanh loại nhiên liệu này còn mơ hồ.

Gian triển lãm giới thiệu về năng lượng sạch ngày 23/3. Ảnh: Tran Vu Diem Hang
Gian triển lãm giới thiệu về các dạng năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời, hydro xanh) tại sự kiện ngày 23/3. Ảnh: Tran Vu Diem Hang

Ngày 23/3, tại sự kiện “Năng lượng sạch – Kiến tạo tương lai xanh và bền vững”, hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2024, ông Sven Ernedal, Quyền Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (Đức), tin rằng hydrogen xanh đang nổi lên như một nguồn năng lượng mới, góp phần đáng kể giảm phát thải carbon.


Phân loại hydrogen theo màu


Thông thường, người ta gán cho hydrogen ba màu - xanh, lam và xám - ứng với cách mà chúng được sản xuất và lưu trữ carbon.

Hydrogen xám: Được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch (khí metan hoặc than đá), thông qua quá trình nhiệt khí hóa hoặc reforming tạo ra H2 và thải CO2 ra bầu không khí.

Hydrogen lam:Được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch nhưng có kèm theo quá trình thu giữ CO2 phát thải ra môi trường.

Hydrogen xanh: Được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời thông qua quá trình điện phân nước, không phát thải CO2 ra môi trường.

Hydrogen được coi là một yếu tố quan trọng để giúp các ngành công nghiệp trung hòa carbon, mặc dù công nghệ này vẫn còn đắt đỏ và đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Có thể sử dụng hydrogen làm nhiên liệu cho các loại xe ô tô, xe bus, xe tải hạng nặng để chúng thải ra hơi nước thay vì khí carbon như hiện nay. Hydrogen cũng là hóa chất được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp luyện kim, lọc dầu, sản xuất chất bán dẫn, mỹ phẩm…


Theo ông, Việt Nam có thể khai thác tiềm năng của các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió vốn đang dồi dào để sản xuất hydrogen sạch. Đây là một nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, có thể mang lại những thay đổi tích cực và kiến tạo tương lai cho thế hệ tiếp theo

Trên thực tế, Việt Nam cũng vừa thông qua chiến lược phát triển năng lượng hydrogen vào đầu tháng 2/2024. Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo - bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ. Cụ thể, tới năm 2030 sẽ đạt công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon là 100 - 500 nghìn tấn/năm, và tăng lên 10 - 20 triệu tấn/năm vào năm 2050.

Dự án sản xuất hydrogen xanh đầu tiên của Việt Nam đã được triển khai vào tháng 3/2023 tại Trà Vinh. Dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn The Green Solutions (Việt Nam) đầu tư với công suất thiết kế 24.000 tấn khí hydro một năm và dự kiến đi vào hoạt động trong quý III/2024.

Mới đây, Tập đoàn Huadian (Trung Quốc) cũng đang xem xét việc xây dựng một nhà máy hydrogen xanh tại cụm công nghiệp Đông Gio Linh, Quảng Trị với công suất dự kiến khoảng 60.000 tấn mỗi năm.

Trước đó, việc sản xuất hydrogen tại Việt Nam chỉ gói gọn ở quy mô nhỏ trong một số nhà máy sản xuất phân đạm và lọc dầu. Chúng cũng không hoàn toàn là hydrogen xanh.

Hydrogen được xếp vào một trong những dạng nhiên liệu đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát thải ròng bằng "0". Đã có khoảng 40 quốc gia theo đuổi chiến lược hydrogen tương tự Việt Nam.

Hydrogen trên đường cong chữ S

Đường cong chữ S mô tả sự phát triển của một sản phẩm hoặc công nghệ mới: Ban đầu chậm vì mọi người còn mới mẻ và chưa quen với nó, sau đó tăng nhanh vì mọi người bắt đầu sử dụng và ủng hộ, cuối cùng phẳng dần trước khi đạt đến độ bão hòa thị trường và không còn nhiều người mới tham gia.

Tuân theo đường cong chữ S, một sản phẩm/công nghệ có thể tăng nhanh chóng sau khi vượt qua một "điểm bùng phát" cụ thể, tạo ra cơ hội lớn cho những người dẫn đầu và tổn thất cho những người lỡ nhịp. Theo quan sát của các nhà nghiên cứu, hydrogen xanh đang nằm trên đường cong chữ S và tiến gần đến một loạt các điểm bùng phát chính trong việc triển khai năng lượng tái tạo và sản xuất hydro.

Trên toàn cầu, chi phí sản xuất hydrogen xanh vẫn còn khá cao nhưng được dự đoán sẽ giảm mạnh nhờ sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ điện phân và công nghệ pin lưu trữ khối lớn (BESS). Chi phí để sản xuất hydro xanh dự kiến sẽ giảm 50-70% vào năm 2030, đạt mức 2 USD/kg (mà không cần trợ cấp).

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, tuy các dự án hydrogen phát thải thấp trên toàn cầu sẽ tăng trưởng ồ ạt từ nay đến năm 2030, nhưng đang có rất nhiều lo lắng vì thiếu vắng các ứng dụng hydrogen và chính sách hỗ trợ đầu tư xung quanh loại nhiên liệu này còn mơ hồ.

Để đi đúng hướng với chiến lược Net Zero, IEA khuyến nghị các chính phủ tăng tốc các chính sách hỗ trợ đã cam kết để mở khóa đầu tư và tạo ra nhu cầu ứng dụng hydro trong các ngành mới.


Sự kiện “Năng lượng sạch – Kiến tạo tương lai xanh và bền vững” diễn ra tại
phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, thu húthàng ngàn người dân, doanh nghiệp và tổ chứctham gia.

Sự kiện bao gồm nhiều hoạt động giao lưu, tương tác với cộng đồng như: trồng cây để “phủ xanh” Trái đất; tìm hiểu về các công nghệ năng lượng tái tạo tại các gian hàng; tham gia quầy thu gom, phân loại và tái chế rác thải; triển lãm tranh thiếu nhi vì môi trường v.v

Theo ban tổ chức, các hoạt động này nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề tiết kiệm năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, đây cũng là dịp để các bên trao đổi thông tin về ngành năng lượng, cung cấp góc nhìn về cách chúng ta có thể sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng trong cuộc sống hằng ngày.