Cái nếp “học để ứng thí” đang lấy đi thời gian và cơ hội rèn luyện những phẩm chất, năng lực khác của người học.
Mới đây, trong một hội thảo dành cho các nhà quản lí giáo dục, có diễn giả nhắc đến một nghiên cứu cho thấy: tính đến khi tốt nghiệp phổ thông, trung bình mỗi học sinh Mỹ phải trải qua khoảng 300 bài thi. Điều này được cho là tác động tiêu cực đến chỉ số sáng tạo của người Mỹ, và cũng là lí do để hàng nghìn trường đại học ở Mỹ không dùng kỳ thi chuẩn hóa (SAT, ACT) làm cơ sở xét tuyển.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019. Nguồn: daidoanket.vn
Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu tầm cỡ đã tiến hành thu thập dữ liệu để giải thích hiện tượng: có những nước nền kinh tế chưa thực sự phát triển - như Việt Nam chúng ta – nhưng xếp thứ hạng cao trong các kỳ đánh giá học sinh quốc tế. Chúng ta có thể tự hào về thành tích đó, nhưng cũng có thể giật mình khi biết những thông tin sau: số giờ học thực tế của học sinh Việt Nam rất nhiều, số tiền đầu tư cho việc học (so với GDP đầu người) cũng không hề nhỏ; trong khi những hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật, hay kĩ năng/năng suất lao động của giới trẻ thì chưa cao,… Không ít nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng: dành quá nhiều thời gian học tập chỉ để đáp ứng các kỳ thi và bỏ lỡ những cơ hội rèn luyện sức khỏe, trải nghiệm cuộc sống là điều rất đáng tiếc cho người học nói riêng và cho quốc gia trong tương lai nói chung.
Lạm dụng các kỳ thi
Thực tế, quá trình giáo dục học sinh phổ thông không cần quá nhiều kỳ thi để đảm bảo chất lượng giáo dục. Quan điểm đó được thể hiện rõ trong Luật Giáo dục 2019, điều 45 về Đánh giá, công nhận kết quả học tập hay các Hướng dẫn về đánh giá học sinh các cấp. Nhưng ngày nay, các kỳ thi bị lạm dụng, đến nỗi, những bài kiểm tra thường xuyên cũng hóa các kỳ thi. Minh chứng là việc các nhà trường, các phòng, sở GD&ĐT thường xuyên tổ chức những đánh giá định kỳ “như một kỳ thi” và điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc học của học sinh.
Những diễn đàn trên mạng xã hội của phụ huynh, giáo viên thường phổ biến những bài viết, thông tin về những cuộc thi, sưu tầm/ chia sẻ đề thi. Nghiên cứu sâu các trường hợp, sẽ nhận ra, ngay từ những năm đầu đi học, học sinh đã bị tâm lí “đáp ứng” kỳ thi đè nặng. Người lớn, bao gồm cha mẹ và giáo viên, trở thành những người dẫn dắt, định hướng việc “luyện thi”.
Điều này càng phổ biến đối với học sinh học những lớp lớn, được gia đình định hướng thi vào trường chuyên/lớp chọn,… Chúng ta sẽ không ngạc nhiên, khi một trong những công việc chiếm nhiều thời gian của giáo viên những môn như: toán, văn, tiếng Anh,… là sưu tầm các đề thi, và dùng nó như một ngữ liệu cho việc giảng dạy. Và vì thế, dù ngành giáo dục có mong muốn “dạy học phát triển năng lực”, cho học sinh “khám phá, kiến tạo” thì cũng rất khó để thực hiện.
Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu việc học trong một năm học của học sinh lớp 6, 7 ở một số trường THCS ở Hà Nội, và dưới đây là một số thông tin thu nhận được:
- Học sinh phải tham gia kỳ thi giữa kì, cuối kỳ do nhà trường tổ chức. Mỗi lần thi như vậy, giáo viên thường giao đề cương để ôn luyện trước từ 2 đến 4 tuần.
- Ngoài đề cương ôn luyện, mỗi bài học đều kèm theo phiếu bài tập do giáo viên giao về nhà.
- Học sinh sẽ rất phấn khởi nếu “trúng đề” và có tâm lí tiêu cực khi “không trúng đề”.
- Học sinh thường phân công nhau làm đề cương, sau đó chia sẻ, học thuộc, có khi gian lận.
- Hầu hết học sinh khẳng định: không đủ thời gian làm hết các đề cương.
- Học sinh có so sánh đề cương giữa các trường, và thường truyền tai nhau về “sự giống/ khác nhau” giữa đề cương/ đề thi giữa các trường. Không ít học sinh “sưu tầm đề” ở trường khác để làm trước kỳ thi.
Những thông tin thu được khiến chúng tôi khá lo lắng về quá trình học tập của các em. Như vậy, “ứng thí” đã thành thói quen với hầu hết các học sinh. Xét về khoa học tâm lí giáo dục, nếu người học không có nhu cầu/ động lực học tập phù hợp thì kết quả đạt được chưa chắc đã phản ánh đúng năng lực của người đó. Cho nên, không ngạc nhiên, khi mỗi đầu cấp học, các giáo viên thường than phiền về “điểm đầu vào một đằng – năng lực thật sự một nẻo”.
Còn ở phía các nhà trường và cơ quan quản lí giáo dục ở địa phương, chúng tôi cũng nhận thấy, họ dành không ít thời gian cho việc tổ chức các kỳ thi cuối kỳ. Mặc dù mục tiêu là để đánh giá chất lượng, nhưng rõ ràng, nó đã lấy đi thời gian của những công việc khác mà theo chúng tôi quan trọng hơn rất nhiều so với các kỳ thi.
Một thông tin nữa cũng đáng quan tâm, đó là, ngày nay, có quá nhiều cuộc thi quốc tế, thi tài năng để mọi học sinh đều có thể tham gia, dẫn đến, có những học sinh lớp 5 đã tham dự hơn 10 cuộc thi; hay có những gia đình dành cả vài ngàn đô để đóng “lệ phí” cho con tham dự các cuộc thi. Những đứa trẻ được động viên, tạo điều kiện tham gia quá nhiều cuộc thi thường có lịch học và luyện thi kín mít.
Căn bệnh thành tích mãi không chấm dứt
Khoảng ba năm gần đây, nhóm chúng tôi có tham gia những nghiên cứu để “giải thích nguyên nhân cho bệnh thành tích ở Việt Nam”. Trong những hội thảo chuyên gia, chúng tôi nhận thấy sự đồng quan điểm - số liệu của những nhóm nghiên cứu đến từ các cơ quan khác nhau cùng cho rằng: thành tích trong các cuộc thi là một nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.
Trong nhiều tiêu chí đánh giá chất lượng, tiêu chí “thứ hạng cao” quyết định “chất lượng” của một cơ sở giáo dục, là điều kiện để được khen thưởng. Rồi nếu đạt thành tích cao thì học sinh được cộng điểm, được ưu tiên trong những đợt tuyển sinh,…, vì vậy, không ít học sinh tham dự kỳ thi vì “phần thưởng”. Một hiện tượng đang xảy ra, đó là nếu cuộc thi nào không dẫn đến những “ưu tiên” thì rất khó thu hút người tham dự.
Cũng nên lo lắng khi bệnh thành tích đã làm hỏng không ít các cuộc thi. Chúng ta hẳn còn nhớ vụ scandal nổ ra trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm 2005: có tới bảy học sinh trong cùng một đội tuyển, dù có bài làm rất tốt, xứng đáng nhận những giải cao nhất, nhưng tất cả các bài thi này đã bị hủy vì “rất giống nhau”; rồi sự việc đau lòng trong kỳ thi THPT quốc gia 2018,… Hay chuyện truyền miệng về những học sinh được “đầu tư” để trở thành thành viên của đội tuyển thi sáng tạo, khoa học kĩ thuật hay lập trình,… vì chỉ cần đội tuyển đạt giải nhất, các thành viên sẽ được tuyển thẳng vào trường chuyên, vào đại học,…
Có khá nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa thành tích học tập thời đi học và thành công về sau này hay thành tích học tập và sự hài lòng, hạnh phúc trong cuộc sống cho thấy: không ít học sinh từng đạt giải thưởng cao ở các kỳ thi lại không thành công. Chẳng hạn, ở Việt Nam, có khá nhiều sinh viên được tuyển thẳng nhờ thi tốt nghiệp được điểm cao và đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện nhưng lại học không tốt ở đại học. Lí do được cho là họ thiếu khả năng tự học và thiếu động lực học tập, nghiên cứu. Nếu yêu cầu họ tự “xác định mục tiêu”, “tự chủ”,… thì chưa chắc họ làm được.
Mặt khác, học để thi sẽ dẫn tới học lệch, và có thể lấy mất đi thời gian, cơ hội để rèn luyện những phẩm chất, năng lực khác của người học. Với xã hội, chúng ta cần những người tài, những người lao động kỉ luật, tự chủ và thái độ sống tốt. Ở một khía cạnh khác, chưa có một kết quả nghiên cứu nào khẳng định thành tích thi cử tốt tỉ lệ thuận với sự hài lòng trong cuộc sống của người học ở thời điểm học thi cũng như sự thành công và hạnh phúc về sau của người đó.
Hãy quan tâm đến quá trình học tập
Những nhà nghiên cứu khoa học giáo dục, xã hội học đã công bố những nghiên cứu và thúc giục sự thay đổi chính sách giáo dục trên phạm vi quốc tế. Việt Nam cũng đang thay đổi tích cực theo định hướng: phát triển năng lực người học dựa trên quá trình học tập, để người học tự chủ thích ứng và làm chủ tương lai. Những kỳ thi, cuộc thi có thể vẫn nên tồn tại, để giúp đo lường chuẩn đầu ra và tìm kiếm những tài năng, qua đó góp phần tạo động lực cho người học. Tuy nhiên, việc lạm dụng các kỳ thi, lôi kéo học sinh tham gia nhiều kỳ thi, và dành quá nhiều ưu tiên cho những người đạt kết quả cao có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực.
Chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở: những người tài không vì một cuộc thi mới bộc lộ, tài năng cần được phát hiện và tạo điều kiện rèn luyện lâu dài; điểm số không phải thước đo việc học tập, quá trình học tập mới thể hiện đúng tư chất của người học; các cuộc thi nên là một ngày hội để học sinh và các cơ sở giáo dục giao lưu, học hỏi lẫn nhau, qua đó khích lệ nhau phát triển. Và vì thế, cần tìm ra các cách để những điều đó được thực thi trong thực tế giáo dục, chứ không nên vì những lợi ích khác.