Tuần rồi, Enterprise Singapore - cơ quan kinh tế thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore – đã chính thức hợp tác với Saigon Innovation Hub (TP.HCM) công bố Liên minh Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu tại Việt Nam.
Báo Khoa học và Phát triển giới thiệu bài viết của ông Png Cheong Boon – Tổng Giám đốc Enterprise Singapore lý giải về chính sách của Singapore và những kỳ vọng của họ đối với quá trình hợp tác đổi mới sáng tạo với Việt Nam.
Khởi nghiệp tái tạo nền kinh tế
Ngày nay, Việt Nam là một trong những trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phát triển nhanh nhất châu Á, với số lượng startup ngày càng tăng đã và đang thu hút các nhà đầu tư từ Singapore và trên toàn khu vực. Năm 2018, các startup Việt Nam đã thu hút đầu tư được gần 900 triệu USD, gấp 3 lần so với năm 2017. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại điện tử và kỹ thuật số. Điều này thể hiện rõ trong các cuộc họp giữa các đồng nghiệp của tôi và tôi với các công ty Việt Nam trong những ngày qua.
Singapore nhận ra tầm quan trọng của các startup trong nền kinh tế. Những startup sáng tạo và đổi mới; xúc tác cho các lĩnh vực tăng trưởng mới; thách thức các doanh nghiệp đang tồn tại theo cách tích cực để họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đổi mới và chuyển đổi hoặc lụi tàn; tạo ra các công việc mới thú vị và ý nghĩa; và quan trọng hơn, tạo điều kiện cho các doanh nhân tham vọng thực hiện ước mơ của họ nữa. Nói cách khác, chúng thúc đẩy sự năng động và tạo năng lượng cho nền kinh tế, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp mới xuất hiện.
Đó là lý do tại sao Singapore rất chú trọng việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Ngày nay, Singapore là mái nhà của hơn 100 vườn ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp và nôi khởi nghiệp trong nước và toàn cầu, thêm vào đó là hơn 150 quỹ đầu tư, cùng làm việc và cố vấn cho hơn 5.000 startup công nghệ.
Để các startup và các doanh nghiệp mới phát triển và lớn mạnh, ngoài khả năng tài chính, quan hệ hợp tác là điều rất quan trọng. Thông qua quan hệ hợp tác, cả trong và ngoài nước, các startup có thể kết nối với các nhân tài, ý tưởng, công nghệ, kênh và thị trường, khắc phục bất lợi về quy mô doanh nghiệp và những hạn chế về địa lý của họ.
Những ý tưởng và công nghệ tốt nhất thường đến từ bên ngoài. Và các đối tác phù hợp cũng thường cung cấp những cách nhanh nhất và tốt nhất để hiểu và tiếp cận thị trường mới.
Điều này đặc biệt đúng đối với các startup ở Singapore, vì Singapore có nền kinh tế nhỏ. Nhưng sự cởi mở và kết nối tuyệt vời của chúng tôi với các thị trường toàn cầu đã tạo nền tảng để Singapore là điểm đến của hàng ngàn công ty quốc tế, từ đó giúp các công ty khởi nghiệp ở Singapore dễ dàng kết nối với những công ty này và thông qua đó vươn ra thế giới.
Tuy nhiên, các startup Singapore cũng cần phải tiếp cận trực tiếp các trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo khác. Đây là lý do tại sao chúng tôi thành lập Liên minh Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GIA) vào năm 2017. GIA nhằm mục đích kết nối Singapore với các trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo lớn trên thế giới; để các startup trong các trung tâm này có thể kết nối và hợp tác với nhau; nơi sinh viên có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ có cơ hội làm việc trong các trung tâm này; và tạo ra nhiều sự hợp tác về đổi mới sáng tạo giữa các tập đoàn hàng đầu và các startup trong mạng lưới.
Mở “cửa sổ” ra thế giới cho khởi nghiệp Việt
Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, mạng lưới GIA đã kết nối Singapore với 10 trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn cầu - San Francisco, Berlin, Munich, Paris, Bắc Kinh, Thượng Hải, Tô Châu, Tokyo, Jakarta và Bangkok, và bây giờ, là thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ GIA, Enterprise Singapore sẽ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Trung tâm Sáng kiến Hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp (SIHUB) và Quỹ Quest Ventures, để tạo điều kiện trao đổi startup hai chiều giữa Việt Nam và Singapore. Theo đó, các startup Singapore sẽ có thể tham gia các chương trình tăng tốc khởi nghiệp tại Việt Nam, được tiếp cận với các không gian làm việc mở ở Việt Nam và được kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Tương tự như vậy, các startup Việt Nam cũng có thể tham gia các chương trình tăng tốc khởi nghiệp tại Singapore và tận dụng cộng đồng doanh nghiệp lớn, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và công nghệ ở đây để kết nối với phần còn lại của thị trường châu Á và toàn cầu.
Chúng tôi hy vọng rằng các chương trình như vậy sẽ khuyến khích nhiều sự hợp tác giữa các startup của hai quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh của họ trong khu vực. Để khởi động các liên kết hợp tác này, tôi rất vui thông báo rằng Finaxar, một startup công nghệ tài chính của Singapore sẽ kí kết một thỏa thuận hợp tác với đối tác của họ là Indovina Bank để mang đến giải pháp tín dụng hoàn toàn tự động và trực tuyến đầu tiên trong khu vực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam.
Mục tiêu thứ hai của Liên minh Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu là tạo cơ hội thực tập tại các startup ở nước ngoài cho sinh viên có niềm yêu thích khởi nghiệp. Nói về điều này, tôi vui mừng thông báo rằng Ngee Ann Polytechnic, một trong những học viện quan trọng của chúng tôi, sẽ ký một số MOU với các startup và doanh nghiệp Việt Nam, theo đó các startup và doanh nghiệp này sẽ cung cấp cơ hội thực tập cho sinh viên Singapore.
Tương tự như vậy, chúng tôi chào đón sinh viên Việt Nam đến Singapore và được gắn kết với cộng đồng khởi nghiệp của chúng tôi. Trên thực tế, 22 sinh viên Việt Nam đã có mặt tại Singapore vào tuần trước để tham gia một chương trình startup. Các doanh nghiệp Singapore đã và đang đầu tư, cũng như hợp tác với các công ty Việt Nam trong nhiều dự án trên các lĩnh vực như sản xuất, cơ sở hạ tầng, lĩnh vực tiêu dùng và kinh tế kỹ thuật số.