Không hiểu vì sao khái niệm “thị trường công nghệ” trước đây được dùng rộng rãi thì gần đây đã biến thành “thị trường KH&CN”. Nhiều luận cứ khoa học đã khẳng định không có thị trường khoa học, chỉ có thị trường công nghệ.
Cũng không thấy ai dùng thuật ngữ “chợ khoa học” hay “sàn giao dịch khoa học” mà chỉ phổ biến khái niệm “chợ công nghệ, thiết bị” và “sàn giao dịch công nghệ, thiết bị”. Có lẽ đây là thuật ngữ mà cơ quan quản lý nhà nước và giới truyền thông cần định danh lại.
Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (Bộ KH&CN) cho biết, đến hết năm 2015, cả nước có 204 doanh nghiệp KH&CN, 23 doanh nghiệp công nghệ cao, 400 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghệ cao, 8 sàn giao dịch công nghệ, 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ, 43 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp KH&CN. Các sự kiện chợ công nghệ, thiết bị (techmart), kết nối cung - cầu công nghệ (techdemo), ngày hội khởi nghiệp công nghệ (techfest) cũng đã tạo được hiệu ứng tích cực.
Tuy nhiên, thị trường công nghệ Việt Nam - đã được định hình trong khoảng 10 năm qua - còn quá yếu, manh mún. Mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường còn yếu. Vai trò kết nối cung - cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ (CGCN) của các tổ chức trung gian còn mờ nhạt.
Hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp còn ở tình trạng tự phát, thiếu liên kết và chưa đủ mạnh để phát triển doanh nghiệp. Các địa phương gặp nhiều vướng mắc trong việc đánh giá trình độ, nhu cầu công nghệ trên địa bàn, cách phát triển tổ chức trung gian, giao quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu…
CGCN là con đường ngắn nhất để Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng muốn chuyển giao được thì phải có thị trường công nghệ công khai, minh bạch. Sự gắn kết giữa các tổ chức KH&CN với doanh nghiệp luôn tồn tại nhiều hạn chế bởi hai tinh thần, mục tiêu khác nhau. Bên nghiên cứu muốn khoa học vì khoa học, doanh nghiệp muốn vì lợi nhuận.
Sàn giao dịch công nghệ - hay nói cách khác là thị trường công nghệ - được hình thành để giải quyết bài toán này, giúp hai bên tiếp cận nhau để đều có lợi và bảo đảm tính nguyên tắc của mình. Việc hình thành và phát triển đủ mạnh các tổ chức trung gian hỗ trợ CGCN (đặc biệt là các tổ chức xúc tiến CGCN tại các trường đại học, viện nghiên cứu), tổ chức môi giới công nghệ, định giá tài sản trí tuệ… là xương sống để định hình và phát triển thị trường công nghệ lên một tầm cao mới - điều hiện chưa làm được.