Ông là một trong những nông dân hưởng lợi từ chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam (VN) và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong hội nghị đánh giá kết quả chương trình này năm 2016 - tổ chức tại Bắc Giang ngày 6/12, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh cho biết, đến nay cả nước đã có 58 tỉnh, thành ký chương trình phối hợp theo hướng dẫn của Bộ KH&CN và Trung ương Hội Nông dân VN.
Giúp nông dân hội nhập
Thay vì phụ thuộc mùa vụ tự nhiên, nông dân Nguyễn Xuân Thủy đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật giúp na ra quả trái vụ thông qua chương trình. Cứ vào trung tuần tháng 11, ông lại đốn toàn bộ cành cao, cắt bớt cành cho thoáng. Nhờ đó, na chịu được mưa gió, quả không bị giập nát, cây không tốn dinh dưỡng nuôi cành vô hiệu. Hoa dễ thụ phấn hơn, quả tập trung vào thân và cành cấp một nên to, đẹp hơn.
Ông Thủy cũng học được cách chăm sóc để cây ra hoa sớm, quả đẹp, chống sâu bệnh. Nhờ đó, giá trị kinh tế từ vườn na của ông tăng gấp đôi so với trước. Trung bình một sào na cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Cũng qua chương trình, ông Nguyễn Quang Huy - Hội Nông dân tỉnh Yên Bái - thu lợi nhuận từ 700-800 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi thỏ New Zealand.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị sáng 6/12 tại Bắc Giang. Ảnh: Bùi Hiếu
Bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân VN - cho biết, trong 10 năm qua, chương trình phối hợp hành động giữa hội và Bộ KH&CN đã đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất: “Công tác KH&CN đã từng bước nâng cao nhận thức, năng lực và phương pháp tổ chức thực hiện của các cấp hội trong hoạt động KH&CN, trong việc hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN cho các hội viên, giúp họ khắc phục sự tụt hậu về KH&CN trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống. Đây được xem là nhiệm vụ có tính đột phá để nông nghiệp, nông dân VN hội nhập với thế giới”.
Với chương trình trên, nông dân đã được tham gia trực tiếp vào 7.500 mô hình, dự án KH&CN. Việc ứng dụng, chuyển giao thành công nhiều tiến bộ KH&CN đã tạo ra sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao...
Nói về hiệu quả của chương trình tại Bắc Giang, ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết: “Bắc Giang đã có nhiều chương trình tập huấn hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhiều câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông với hàng nghìn hội viên. Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp thực hiện nhiều đề tài, dự án ứng dụng mô hình tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đã được nhân rộng như trồng chuối tiêu hồng bằng nuôi cấy mô, trồng ba kích tía dưới tán cây lâm nghiệp và cây ăn quả” - ông Thái nhấn mạnh.
Dùng công nghệ để truyền thông cho nông dân
Tại hội nghị ngày 6/12, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: “Chương trình ký kết giai đoạn này có điểm mới là đã hỗ trợ nông dân liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đem lại giá trị thặng dư cao nhất. Mong rằng thời gian tới, hai bên tập trung triển khai nội dung này”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nêu những điểm khó khăn, trong đó nhấn mạnh tới sự phối hợp chưa chặt chẽ và hiệu quả giữa sở KH&CN và hội nông dân ở một số tỉnh, thành: “Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ hợp tác chưa nhịp nhàng. Việc lồng ghép hoạt động KH&CN với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua ở địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng nghiên cứu KH&CN còn thiếu. Đặc biệt, cơ chế tài chính khuyến khích doanh nghiệp huy động vốn đầu tư cho KH&CN đến với người nông dân còn chưa nhiều; chưa có các hình thức khen thưởng xứng đáng”.
Theo Thứ trưởng, trong thời gian tới để chương trình hợp tác có hiệu quả, cần ứng dụng công nghệ thông tin để đưa tiến bộ kỹ thuật đến với người nông dân và các địa chỉ cần thiết một cách nhanh nhất. “Các sở KH&CN cần chú trọng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu, phát huy lợi thế địa phương; tổ chức tham quan, xây dựng các mô hình điểm thuộc chương trình, dự án phát triển nông thôn, miền núi” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị.