Điều lệ của Giải thưởng Tạ Quang Bửu khuyến khích các cá nhân và tổ chức KH&CN đề cử và tự đề cử hồ sơ để xét duyệt giải thưởng.

Tuy nhiên theo tôi, để mở rộng thêm nữa cơ hội có nhiều ứng cử viên tốt, cần các thành viên Hội đồng khoa học các ngành – nơi đánh giá nghiệm thu các đề tài nghiên cứu cơ bản và có điều kiện bao quát rộng các nghiên cứu trong ngành - cũng tham gia gợi ý nhà khoa học nộp hồ sơ.

GS. TS Phạm Đức Chính tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019. Ảnh: Hoàng Nam.

Cần quy tụ nhiều công trình tốt hơn

Trước hết tôi thấy là trải qua tám năm xét chọn các hồ sơ đề cử các nhà khoa học có công trình xuất sắc, đến nay Giải thưởng Tạ Quang Bửu bắt đầu có được ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học Việt Nam bởi thường quy tụ những hồ sơ thuyết phục. Đó là một điểm mừng cho giải thưởng khoa học ở quốc gia còn mới hội nhập quốc tế như Việt Nam. Tuy nhiên, tôi thấy có một thực tế là không phải năm nào ban tổ chức giải thưởng cũng thu hút được đầy đủ các công trình tốt của từng ngành khoa học bởi ngoài các hồ sơ gửi tới dự giải, vẫn còn một số công trình có thể có chất lượng tốt tại một vài ngành không tham gia. Do đó, có thể xảy ra trường hợp là ngay cả những hồ sơ lọt vào chung kết cũng chưa chắc là những công trình tốt nhất của từng ngành trong giai đoạn đó. Vậy đâu là nguyên nhân? Có thể thấy nhiều người “ngại” đề cử mình, dù rằng họ là những nhà khoa học có uy tín và cũng có một số công trình xuất bản trên các tạp chí uy tín rất khó đăng và rất hiếm hoi đồng nghiệp trong nước làm được điều đó. Tâm lý này không chỉ xuất hiện ở những nhà khoa học đã thành danh mà còn cả một số bạn trẻ, dù mới ở giai đoạn đầu sự nghiệp nhưng đã có được một số kết quả khả quan. Rút cục vì ngại ngần mà trong nhiều năm, cả hai hạng mục của giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải chính và giải trẻ cũng vẫn có thể để “lọt lưới” một số công trình đủ khả năng tranh giải. Đây là một điều đáng tiếc cho khoa học Việt Nam khi chưa tôn vinh được đóng góp của họ.

Vậy chúng ta có cách làm mới nào để giảm thiểu trường hợp này? Khi nhìn vào điều lệ giải thưởng Tạ Quang Bửu, chúng ta có thể thấy hiện có hai nguồn đề xuất hồ sơ đề cử, một là cá nhân và hai là các tổ chức KH&CN. Tôi có cảm nhận là một vài năm gần đây, Quỹ NAFOSTED cũng nhận thấy một phần nỗi ngần ngại của cá nhân tự ứng cử nên đã khuyến khích các tổ chức đề cử “hộ” các nhà khoa học vì niềm tự hào của một cơ sở nghiên cứu có nhà khoa học đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu cũng rất lớn không kém gì cá nhân đoạt giải.

Sau một kỳ xét duyệt ít hồ sơ đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu như năm nay, vấn đề cần quy tụ những đề cử xứng đáng với những công trình xuất sắc lên Hội đồng giải thưởng lại càng đặt ra bức thiết. Tôi cho rằng, để làm được điều này, cần xét đến sự tư vấn của các hội đồng khoa học ngành và coi đó là một nguồn cung cấp hồ sơ thứ ba, cùng với hai nguồn tự đề cử và cơ sở nghiên cứu giới thiệu.

Tuy việc khuyến khích cơ sở nghiên cứu, đào tạo đề cử nhà khoa học là một giải pháp khá hay khi giúp giải tỏa tâm lý ngại ngần cho các nhà khoa học nhưng tôi thấy nó cũng không hoàn toàn hợp lý. Bởi vì phần nhiều các tổ chức nghiên cứu hay đào tạo đều là đa ngành nên những người đứng đầu các cơ sở này cũng không nắm chắc được đâu là công trình xuất sắc, xứng đáng đề cử giải thưởng trong một loạt công trình tốt. Phần nhiều, họ chỉ biết là cơ sở của họ có nhà khoa học này hay nhà khoa học kia có năng lực chuyên môn vượt trội thôi, còn lại những thông tin cụ thể về các hướng chuyên ngành hẹp, về giá trị của các công trình xuất bản trên những tạp chí quốc tế thì lại không nắm được một cách tường tận. Mặt khác, nếu để các hội khoa học đề cử cũng hoàn toàn không ổn thỏa bởi khi nhìn vào hoạt động của nhiều hội, tôi thấy thường không có cơ chế để hội có thể xem xét và đánh giá công trình nghiên cứu của các thành viên trực thuộc. Do đó, hội cũng không nắm hết được hết danh mục các bài báo của từng cá nhân để đề cử.

Trong trường hợp này, các hội đồng ngành có thể dựa vào các kết quả nghiệm thu đề tài sau nhiều kỳ phê duyệt nghiệm thu – những bài báo tốt từ các đề tài do Quỹ NAFOSTED tài trợ thì hội đồng ngành có thể lưu lại, đến mỗi kỳ xét giải thưởng Tạ Quang Bửu thì chọn lấy vài hồ sơ tốt để gợi ý cho các nhà khoa học có thể tự đề cử với các công trình đó. Mỗi đề cử sẽ liên quan đến một bài báo cụ thể, chẳng hạn bài báo có kết quả hay, xuất bản trên những tạp chí khó đăng và có thời gian xuất bản từ một đến năm năm trước thời điểm xét giải thưởng Tạ Quang Bửu để đón nhận phản hồi, đánh giá của cộng đồng nghiên cứu. Trên cơ sở đó, các hội đồng khoa học ngành có thể gợi ý những người làm có thể viết đề nghị, chọn công trình mình thấy ưng ý nhất để nộp hồ sơ.

Đến đây sẽ có một số ý kiến cho rằng, ở Việt Nam, không chỉ có các công trình do Quỹ NAFOSTED tài trợ mới có những bài báo tốt. Về nguyên tắc, các hội đồng khoa học ở các Quỹ khác cũng có thể gợi ý các nhà khoa học có công trình khoa học xuất sắc nộp hồ sơ ứng cử. Cách làm này có thể giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của giải thưởng Tạ Quang Bửu hơn.

PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan (trái) hướng dẫn các học viên nước ngoài tại Trung tâm nghiên cứu HOPE. Nguồn: NVCC.

Mặt khác, chúng ta đồng ý với nhau rằng, nếu có nhiều nguồn đề cử thì ở những lần xét chọn giải thưởng, chúng ta lại có thêm nhiều hồ sơ tốt. Tuy nhiên sự tư vấn đề cử của các hội đồng khoa học ngành cũng chỉ là một trong những nguồn đầu vào cho các hồ sơ đề cử và nguồn bổ sung chứ không phải là nguồn quyết định. Trên thế giới, cũng có những giải thưởng cho khoa học cơ bản là do các hội đồng khoa học, các nhóm khoa học đề cử, chứ không phải tự ứng cử, gần đây giải thưởng VINFuture cũng học tập theo cách làm này và không nhận sự tự đề cử của nhà khoa học.

Dĩ nhiên cũng có người sẽ đặt câu hỏi là vậy những hồ sơ được các hội đồng khoa học chuyên ngành tư vấn đề cử như vậy, hẳn đã “chắc chân” giải thưởng? Tôi cho rằng, dù cách thức đề cử như thế nào thì nó cũng chỉ là giai đoạn đầu tiên còn ở những giai đoạn quan trọng tiếp theo thì chúng ta vẫn cần tôn trọng và làm theo các quy định xét chọn giải thưởng. Ở đây, các hội đồng chỉ biết công trình nào đủ tốt chứ không khẳng định công trình đó là đoạt giải hay không. Sau khi gợi ý đề cử và gửi thư đề nghị các nhà khoa học có công trình xuất sắc làm hồ sơ với thông tin đầy đủ, hội đồng khoa học ngành sẽ cùng ngồi lại tuyển chọn các hồ sơ đề cử từ nhiều nguồn để chọn lấy hồ sơ xuất sắc nhất đề cử lên Hội đồng giải thưởng.

Chọn được “đúng người, đúng giải”

Điều quan trọng nhất của một giải thưởng là chọn được đúng người có thành tích xuất sắc nhất, nổi bật nhất kỳ xét chọn đó để trao. Với giải thưởng Tạ Quang Bửu cũng vậy, công trình đoạt giải phải nổi bật hẳn lên và đáp ứng được các tiêu chí của giải. Điều này phụ thuộc rất lớn vào sự công tâm và khả năng lựa chọn của Hội đồng giải thưởng. Tôi nghĩ rằng, việc tiến hành bỏ phiếu của Hội đồng giải thưởng, vốn gồm nhiều thành viên thuộc các ngành khoa học khác nhau, cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài, rất quan trọng để đi đến kết quả cuối cùng.

Tuy nhiên có một thực tại là đôi khi, trong hội đồng này không có đủ chuyên ngành và điều đó có phần gây bất lợi cho những chuyên ngành hẹp, thiếu đại diện trong hội đồng. Do đó có thể là sẽ xảy ra những trường hợp để lỡ cơ hội công nhận công trình nghiên cứu xuất sắc. Vậy có cách nào để giảm thiểu điều đó? Có lẽ, thật khó để đưa ra giải pháp vì một giải thưởng như Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhiều ngành khác nhau và chúng ta cần có một quy chế chung cho tất cả các ngành, vì thế không thể có một quy chế bao quát đầy đủ được. Tôi hi vọng trên đường phát triển thì chúng ta sẽ có những giải pháp cải thiện điều lệ giải thưởng tốt hơn.

Có ý tưởng vài năm một lần mới trao giải thưởng, tôi e rằng nó sẽ trùng lắp với những giải thưởng khác đã có của Việt Nam. Giải thưởng Tạ Quang Bửu có vai trò của mình, nếu áp dụng phương án vài năm trao một lần thì chưa chắc chúng ta có được bài tốt hơn để trao. Mặt khác, chúng ta cũng phải thống nhất với nhau là so với thế giới hay thậm chí châu lục thì trình độ khoa học Việt Nam cũng chỉ vừa phải thôi, ngay cả để vài năm mới xét chọn để chờ chất lượng thật cao thì cũng chưa chắc có.

Nhưng dù cách làm nào, giải pháp nào thì điều quan trọng vẫn là năng lực của Hội đồng giải thưởng, và dù cố gắng khách quan thì hội đồng cũng khó có thể tuyệt đối khách quan được mà vẫn có sự tồn tại của yếu tố chủ quan, vì việc am hiểu sâu về chuyên môn, am hiểu từng lĩnh vực không phải là dễ. Thông thường, người ta chỉ biết được là bài báo được xuất bản trên tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao hay được trích dẫn nhiều nhưng bản thân việc này cũng có mặt trái của nó bởi nhiều tạp chí có ‘chính sách’ trích dẫn lẫn nhau mang tính liệt kê mà không dựa trên chính chất lượng nghiên cứu, và như thế trích dẫn nhiều không hẳn là dấu hiệu của công trình tốt, xếp hạng tạp chí cũng vậy. Có những tạp chí Q1 mà từ Việt Nam không ai hoặt rất ít ai đăng nổi, dù có thể không đứng những vị trí đầu của một chuyên ngành hẹp nào xếp theo IF và cả H. Đó thường là các tạp chí truyền thống, uy tín bao quát tương đối rộng trong lĩnh vực, nhưng có số lượng công bố hạn chế (chỉ một vài trăm bài/năm). Tuy nhiên có những tạp chí Q1 mà chúng tôi vẫn nói với nhau là “hàng chợ”, đứng ở vị trí cao chuyên ngành hẹp – thậm chí top 1, nhưng đăng tới một vài nghìn bài/năm, và từ Việt Nam người ta có thể đăng cả loạt bài trên đó. Gần đây chúng ta cũng biết xuất hiện cả các tạp chí Q1 là OA và đăng tới cả hàng chục nghìn bài/năm. Do đó, việc đánh giá dựa vào chỉ số trích dẫn hay tạp chí cũng cần phải tùy theo từng ngành và tùy vào những bối cảnh cụ thể của từng ngành. Quỹ NAFOSTED nên có thống kê số bài báo cảm ơn Quỹ trên từng tạp chí cụ thể. Các thống kê đó sẽ giúp thêm cho các đánh giá chuyên môn của các hội đồng.

Tuy nhiên việc khó thì chúng ta vẫn cần phải làm để động viên những người làm khoa học trong nước ở cả hai hạng mục giải chính và trẻ. Do đó, một năm chúng ta lại có một lần xét chọn và trao giải thưởng thì động viên được nhau và chọn được công trình tốt nhất trên nền tảng đó.

Trong điều kiện làm khoa học ở Việt Nam còn khó khăn thì vẫn có những nhà khoa học lớn tuổi năng động và chuyên tâm làm các công trình tốt và những nhà khoa học trẻ trong giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn, phải cố gắng mãi mới có thể làm việc được. Tôi biết nhiều anh trong các hội đồng khoa học vẫn còn băn khoăn suy nghĩ về việc làm thế nào có được sự công bằng trong xét chọn giải chính và giải trẻ, trong việc phân định công trình lý thuyết và thực nghiệm. Đây là câu chuyện dài mà chúng ta cần bàn bạc kỹ và xét thấu đáo mọi góc cạnh bởi lý thuyết thì có khả năng bật nhanh hơn thực nghiệm vì thực nghiệm còn phải phụ thuộc vào công nghệ và vào điều kiện phòng thí nghiệm. Ngược lại, lý thuyết thì được xem là thuận lợi hơn nhưng việc đăng bài ở các tạp chí tốt của chuyên ngành lại rất khó, vì không có được lợi thế đặc thù Việt Nam như một số lĩnh vực ứng dụng, thực nghiệm …

Và tất cả điều đó cũng là lý do để chúng ta cần suy nghĩ những cách thức và giải pháp tốt để giải thưởng Tạ Quang Bửu ngày một tốt hơn.