Các nhà đầu tư nước ngoài đang đề xuất hỗ trợ chính phủ Việt Nam tìm mua và tiêm vaccine khi chứng kiến dịch bệnh bùng phát ở một số tỉnh công nghiệp trọng điểm miền Bắc.

“Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc phòng chống virus lây lan. Thách thức mới bây giờ là cần kết hợp thành công đó với chương trình tiêm chủng đại trà nhanh chóng và hiệu quả,” Alain Cany – Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) – chia sẻ.

.

Việt Nam cần tìm mọi cách để sớm tiêm đủ lượng vaccine cần thiết cho người dân nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

“Trong lúc Việt Nam đóng cửa biên giới, các quốc gia khác đang triển khai tiêm chủng và mở cửa trở lại. Vì thế, kinh tế Việt Nam có nguy cơ tụt hậu nếu không kịp triển khai chương trình tiêm chủng cấp tốc, quy mô lớn. Theo một số tin tức mới, nhiều công ty tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, sẵn sàng trợ giúp để đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng của Việt Nam.”

Những đề nghị được đưa ra trong bối cảnh giới chức Việt Nam đang bắt đầu triển khai đợt tiêm vaccine cho công nhân tại các nhà máy ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Đây là nơi được nhiều công ty công nghệ lớn như Samsung Electronics chọn đặt cứ điểm. Hai nhà máy của Samsung tại miền Bắc Việt Nam hiện đang sản xuất hơn một nửa sản lượng smartphone toàn cầu. Số lượng công nhân ở Bắc Giang là hơn 240.000, và Bắc Ninh là khoảng 330.000.

Đương kim thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Chính phủ đẩy nhanh công tác tiêm chủng. Còn Chính phủ đã cho triển khai Quỹ Tiêm chủng và Phòng chống Covid-19 để mua đủ số liều vaccine cần thiết.

Bộ Y tế cho biết Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vaccine, trị giá 25,2 nghìn tỷ VND (1,1 tỷ USD) để tiêm cho 75 triệu người nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Chính phủ hiện đã huy động được khoảng 16 nghìn tỷ VND. “Bên cạnh ngân sách, chúng ta cần huy động thêm nguồn lực từ sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước”, ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính – cho biết.

“Đây là động thái tích cực, không chỉ đối với các doanh nghiệp châu Âu mà cả Việt Nam”, ông Cany hoan nghênh động thái thành lập quỹ của chính phủ. “Nếu các công ty tư nhân đóng góp thì sẽ giúp nhà nước và người dân giảm nhẹ gánh nặng, đồng thời chính họ cũng có thể sớm trở lại hoạt động bình thường”.

Nhưng các doanh nghiệp châu Âu còn đang thúc giục chính phủ đi nhanh và xa hơn thế. Ông Cany nói: “Chúng tôi kỳ vọng chính phủ Việt Nam sẽ cho phép các doanh nghiệp, bao gồm cả trong và ngoài nước, được tiêm vaccine cho chính nhân công của họ.”

“Nhiều công ty thành viên EuroCham có thể cung cấp những trang thiết bị tiên tiến và nhân lực giỏi chuyên môn để hoàn thành chương trình phổ cập tiêm chủng”, ông nhấn mạnh.

Theo kết quả của một cuộc khảo sát gần đây với các doanh nghiệp thuộc EuroCham, có đến 79% thành viên đồng ý rằng chính phủ nên cho doanh nghiệp được phép tự tiêm chủng. EuroCham cũng mong muốn chính phủ nới lỏng quy định kiểm dịch với các nhà đầu tư nước ngoài và người lao động đã được tiêm chủng ở nước sở tại. Một cuộc khảo sát khác cũng cho thấy: khoảng 79% số người được hỏi tin rằng thời hạn cách ly ba tuần như hiện tại là quá dài, dẫn tới việc có ít chuyên gia qua Việt Nam hơn.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng cùng chia sẻ mối quan ngại này. “Nếu một nhà đầu tư tiềm năng qua Việt Nam mà bị cách ly hơn 20 ngày, đó thực sự là một rào cản lớn”, Mary Tarnowka – giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam – chia sẻ.

Bà Tarnowka cho biết: nhiều doanh nghiệp thành viên AmCham tuyên bố sẵn sàng trả chi phí để tiêm chủng cho nhân viên của mình. Bà bổ sung: “Mọi đóng góp từ khu vực tư nhân đều cần được điều phối hài hòa với chính phủ để tránh hiện tượng cạnh tranh trong điều kiện khan hiếm nguồn lực”.

Ngày 28/5, một nhóm 76 công nhân đầu tiên của Foxconn Bắc Ninh đã được tiêm vaccine. Trong cùng ngày, ba trăm công nhân khác tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang cũng đã được tiêm chủng.

Bộ Y tế sẽ phân phối khẩn cấp cho Bắc Giang và Bắc Ninh, mỗi tỉnh 150.000 liều, để sớm hoàn thành chương trình tiêm chủng cho công nhân trong hai tuần – Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thành Long cho biết trong cuộc hội thảo trực tuyến về chiến lược đối phó Covid ngày 26/5.

Vin Group – tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam – cũng cho biết họ có kế hoạch thành lập một công ty con để quản lý toàn bộ hoạt động kinh doanh liên quan đến thiết bị và dây chuyền sản xuất vaccine, trong khi Việt Nam đang đàm phán để nhận được giấy phép từ các đối tác, bao gồm Sputnik V của Nga.

Hiện tại, hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn đang vật lộn để kiểm soát dịch bệnh bùng phát. Riêng Bắc Ninh dự kiến sẽ cho tạm dừng hoạt động của hai khu công nghiệp do tiếp tục phát hiện thêm nhiều ca nhiễm mới – ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết.

Các cơ quan chức năng cho rằng loại biến thể virus mới dễ lây nhiễm hơn đã gây ra những đợt bùng phát gần đây. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, biến thể B.1.617.2, chủng Ấn Độ, đã xuất hiện trong tất cả các mẫu lấy ở Bắc Ninh và Bắc Giang. “Chủng virus này lây lan nhanh hơn, mạnh hơn và nguy hiểm hơn”, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 26/5.

“Chúng ta không nên chỉ tập trung vào các khu công nghiệp phía Bắc mà lơ là phòng bị ở những nơi khác. Đừng bao giờ nghĩ rằng dịch chỉ bùng tại các khu công nghiệp chứ không phải ở chính trong tỉnh của mình”,Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 - cảnh báo.