Cách rủi ro liên quan đến một số loại vaccine COVID được kiểm soát, truyền thông, và quan trọng nhất là nhận thức sẽ mang ý nghĩa sống còn trong việc duy trì niềm tin của công chúng vào các đợt vận động tiêm chủng. Niềm tin của người dân vào các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và tổ chức cũng không kém gì bản thân loại vaccine.

Bạn ôm chầm lấy cha mẹ, gặp gỡ họ hàng và vui vẻ cười nói cùng bạn bè lần đầu tiên sau nhiều ngày cách trở. Vaccine COVID hứa hẹn sẽ giúp chúng ta trở nên gắn kết hơn và tận hưởng những khoảnh khắc đã bị bỏ lỡ trong quãng thời gian qua. Có thể thấy rõ niềm vui của những người đã được tiêm chủng bằng thông điệp “Tôi đã được bảo vệ” trên các phương tiện truyền thông xã hội. Chúng ta không nên để mất sự nhiệt tình đó, ngay cả khi ghi nhận một vài trường hợp đông máu hiếm gặp vì tiêm vaccine.

Vaccine là cứu cánh duy nhất trong đại dịch Covid.

Vaccine là cứu cánh duy nhất trong đại dịch Covid.

Cách quản trị những rủi ro đó, truyền thông và quan trọng nhất là nhận thức sẽ mang ý nghĩa sống còn trong việc duy trì niềm tin của công chúng vào các đợt vận động tiêm chủng. Trong bối cảnh hiện nay, niềm tin của người dân vào các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và tổ chức cũng không kém gì bản thân loại vaccine. Những nhà lãnh đạo của chúng ta cần thiết phải hành động minh bạch và lưu ý: công tác truyền thông vaccine càng do dự và chậm trễ ngày nào thì sự lo lắng và các thông tin sai lệch, phần lớn ở trên mạng, lại càng tăng thêm ngày đó.

Để trấn an người dân, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận và xác định quản trị rủi ro là một quá trình liên tục. Đó là cách tiếp cận được các nhà khoa học và cơ quan quản lý tuân thủ khi đánh giá hiệu quả vaccine. Chính phủ cần tạo ra những hệ thống giám sát an toàn vaccine để theo dõi và phát hiện các dấu hiệu rủi ro tiềm ẩn, từ đó kịp thời hướng dẫn người dân dựa trên dữ liệu mới nhất. Quá trình này cần lặp đi lặp lại, và rủi ro được phát hiện cũng đồng nghĩa với việc hệ thống đang vận hành tốt.

Có một quy trình chung được áp dụng cho mọi loại thuốc, từ thuốc giảm đau không cần kê toa cho đến các liệu trình hóa trị. Tuy nhiên, công chúng thường không biết điều đó. Ngược lại, vaccine COVID được chế tạo, phê duyệt và quản lý dưới sự chú ý toàn cầu, với mọi bước trong quá trình phát triển cùng báo cáo về các nguy cơ tiềm ẩn thường bị phóng đại và chia sẻ cho toàn thế giới. Vì vậy, các phản ứng phụ hiếm gặp trông lại phổ biến hơn thực tế, khiến công chúng rất khó đánh giá rủi ro.

Công chúng hoàn toàn có khả năng quản trị rủi ro, dù với tư cách cá nhân hay tập thể, mỗi khi ra khỏi nhà, lái xe hoặc uống thuốc. Tuy nhiên, thứ họ cần là thông tin rõ ràng. Như đối với tình trạng máu đông, công chúng không chỉ cần hiểu những rủi ro liên quan đến tiêm vaccine mà cả do lựa chọn không tiêm chủng. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cơ sở tiêm chủng cần thông báo rõ ràng về các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện do cơ thể phản ứng nghiêm trọng với vaccine để giúp người tiêm hiểu khi nào cần can thiệp điều trị ngay lập tức.

Điều này đúng với tất cả mọi loại vaccine. Mặc dù cho hiệu quả cao và cứu sống khoảng 2-3 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới, nhưng mối lo lắng về vaccine vẫn luôn tồn tại. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc chấp nhận rủi ro là xứng đáng khi chúng ta phải đối mặt với một đại dịch tàn khốc: COVID.

Với Dự án Vaccine tin cậy, chúng tôi đang theo dõi sát sao các phương tiện truyền thông xã hội toàn cầu để thấu hiểu mối quan tâm và thắc mắc của mọi người liên quan đến vaccine, cũng như xây dựng niềm tin của công chúng. Đối với nhiều người, chỉ sự phấn khích là chưa đủ để thúc đẩy họ đi tiêm chủng. Trước tiên, họ cần phải cảm thấy an tâm và tin tưởng.

Vì thế, ở cấp độ cá nhân, mọi người đều có quyền thắc mắc về vaccine và nhận được thông tin cùng sự hỗ trợ cần thiết để đưa ra quyết định đúng đắn. Đội ngũ y bác sĩ chính là những người đáng tin cậy nhất, cho nên họ hãy dành thời gian lắng nghe và cảm thông với mối lo của bệnh nhân. Đồng thời họ cũng cần cập nhật thông tin để truyền đạt, hướng dẫn chính xác, đồng thời củng cố niềm tin của công chúng vào việc tiêm chủng.

Ở cấp độ chính sách, các chính phủ cần đầu tư cho công tác truyền thông ngắn hạn lẫn dài hạn, và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để hỗ trợ việc cung cấp vaccine. Giới hoạch định chính sách và những tổ chức khoa học cũng cần linh hoạt hơn, hãy học cách truyền đạt trực tiếp và minh bạch tới công chúng về những phát hiện quan trọng.

Chìa khóa ở đây không phải chỉ là cung cấp chính xác, đầy đủ thông tin về vaccine, mà thông tin còn phải giải đáp những thắc mắc của người dân và phù hợp với bối cảnh cuộc sống thường nhật để từ đó xây dựng được niềm tin của họ. Nếu các biến cố tiếp theo, đi kèm với những rủi ro khác, xảy ra, công chúng sẽ ghi nhớ mối quan tâm của họ đã được giải quyết như thế nào trong cuộc khủng hoảng lần này.

Thắc mắc về vaccine là chuyện hết sức bình thường, nhưng cách chúng ta trả lời sẽ tạo nên sự khác biệt. Bằng những phản hồi tốt ngay bây giờ và nỗ lực củng cố niềm tin của công chúng, chúng ta sẽ có cơ hội thiết lập nền tảng vững chắc để đối phó với bất cứ cuộc khủng hoảng y tế nào khác trong tương lai.

(*) Tác giả Heidi J. Larson là giám đốc sáng lập Dự án Vaccine tin cậy, là Giáo sư ngành nhân chủng học và hiểm guy tại Trường Y học Nhiệt đới & Vệ sinh dịch tễ London.