Liên tiếp trong những ngày qua, thông tin về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu gia đình học sinh lớp 12. Diễn biến của dịch bệnh khiến tất cả đều hồi hộp chờ đợi liệu học sinh có thể an toàn đến trường học trước ngày 15/6 để chuẩn bị cho kỳ thi vào đầu tháng 8 tới hay không.
Căng thẳng chờ đợi
Ảnh minh họa: Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội. Nguồn:dangcongsan.vn Trong bối cảnh diễn biến khó lường của dịch Covid 19, cả nước phải tham gia vào cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, thực hiện giãn cách xã hội như hiện nay, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ được “tổ chức như mọi năm” như lời Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói trong trường hợp học sinh có thể đi học trở lại từ ngày 15/6, bất cứ ai cũng ngại ngần khi hình dung về những rủi ro tiềm ẩn của nó. Lý do là kỳ thi sẽ tạo ra một sự di động xã hội và tập trung đông người ở mức độ rất lớn.
Để đảm bảo khách quan, công bằng cho kỳ thi “hai trong một” (?), Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các hội đồng coi thi phải do các trường đại học tổ chức và cán bộ coi thi phần lớn phải là giảng viên đại học mà không thể huy động các thành phần khác. Những năm trước, nhiều trường đã “vét” đến cả giảng viên nữ đang nuôi con nhỏ để tham gia vào công tác coi thi này mới đủ số lượng Bộ yêu cầu.
Năm 2019, Bộ yêu cầu trường ĐH Bách khoa Hà Nội đáp ứng 1.000 giảng viên đi coi thi, trong khi trường này chỉ có thể huy động được hơn 800 người. Do các trường đại học thường tập trung ở các thành phố lớn, cứ đến mùa thi, hàng chục ngàn lượt giảng viên đã phải vượt hàng trăm km để đến được các điểm thi xa xôi. Ví dụ năm ngoái, giảng viên ĐHSP Hà Nội 2 đi coi thi ở Sơn La, ĐH Điện lực đi Hà Giang, ĐH Hà Nội đi Hòa Bình, ĐH Bách khoa Hà Nội đi Thanh Hóa, ĐH Thủy lợi đi Điện Biên, ĐH Luật TP.HCM đi Sóc Trăng, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đi Đắc Nông, ĐH Mở TP.HCM đi Lâm Đồng…
Nhiệm vụ coi thi này đã từng khiến nhiều người trong cuộc tự vấn: Liệu có phải niềm tin của ngành giáo dục về sự nghiêm túc, chính trực, công bằng của giáo viên THPT ở các địa phương không đủ, khiến Bộ phải bắt buộc các giảng viên đại học di chuyển rất xa từ các thành phố để tham gia coi thi? Nếu không đúng, thì tại sao không huy động lực lượng coi thi tại địa phương lân cận là chủ yếu, mà phải nhọc công đến vậy? Nếu đúng, thì cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này, thay vì năm nào cũng huy động cả ngàn lượt giảng viên đi coi thi như thế? Trong tình huống bệnh dịch như năm nay, chỉ hình dung về những chuyến di chuyển và ăn ở tập trung của cán bộ coi thi cả tuần trời như thế ở các địa phương nhằm phục vụ kỳ thi, đã đủ thấy nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất khó tránh khỏi. Nếu một giảng viên không may nhiễm bệnh, thì nguy cơ lây nhiễm cho đồng nghiệp, học trò… là nguy hiểm biết chừng nào.
Từ nay đến 15/6 còn khá dài, sự căng thẳng vì phấp phỏng lo lắng, hồi hộp không biết có đi học trở lại không, có thi không… sẽ làm học sinh và gia đình các em mất đi năng lượng, sức khỏe tinh thần để chống đỡ với dịch bệnh. Hàng ngàn tỷ đồng mà ngân sách và các gia đình phải bỏ ra cho kỳ thi này có thể được tiết kiệm để dành cho các chi tiêu xã hội hợp lý hơn là chỉ để nhằm xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh mà theo tiền lệ là đỗ đến gần 100%.
Một kỳ thi chưa được đánh giá chất lượng và hiệu quả
Trong bối cảnh học sinh lớp 12 và gia đình phải chịu áp lực của hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu vào đại học trong vòng có một tháng, ý tưởng về kỳ thi “hai trong một” đã được thai nghén cả chục năm, trước khi được hiện thực hóa vào năm 2015. Kết quả kỳ thi này, ngoài để xét tốt nghiệp, còn để giúp các trường đại học phân loại học sinh trong quá trình xét tuyển sinh viên cho mình.
Thế nhưng theo quan sát của cá nhân tôi sau hơn 20 năm giảng dạy và tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp là giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, những năm gần đây, chất lượng đầu vào của sinh viên đi xuống trông thấy. Cách học phổ thông chủ yếu để thi và hầu hết các môn thi tốt nghiệp đều là môn trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn) đã khiến kỹ năng viết của sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn nghèo nàn đi đáng kể. Chúng tôi khá thất vọng khi rất nhiều sinh viên năm thứ nhất không biết cách tự giới thiệu bản thân một cách bình thường trong vòng một phút, hay viết một e-mail gửi giảng viên để hỏi về một vấn đề gì đó cho rõ ràng và hợp thể thức. Các kỹ năng của hệ THPT đó chúng tôi phải dạy lại các em rồi mới nâng cấp dần lên các kỹ năng của bậc đại học.
Nhiều khi tôi nghi ngờ việc điểm số của kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể giúp chúng tôi tuyển đúng những sinh viên mà chúng tôi mong đợi. Tất nhiên, cần có một cuộc đánh giá đầy đủ về chất lượng, hiệu quả của kỳ thi đáng giá hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm này để trả lời câu hỏi nêu trên, nhưng đây lại là việc mà các cơ quan có chức năng đến nay chưa làm được.
Trong khi đó, các trường ĐH cũng đang lần lượt công bố phương án tuyển sinh đáp ứng bối cảnh mới, cho thấy phần lớn không cần dựa hoàn toàn vào điểm thi tốt nghiệp THPT như các năm trước. Chẳng hạn, ĐH Quốc gia Hà Nội ngoài việc vẫn tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp THPT thì còn xét tuyển theo các tiêu chí khác, bao gồm: Thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, Anh; thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT, Mỹ; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Văn).
Trong trường hợp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến kỳ thi THPT quốc gia không thể tổ chức được theo kế hoạch, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ triển khai kỳ thi tuyển sinh riêng. Nếu dịch COVID-19 diễn biến theo chiều hướng phải tiếp tục cách ly xã hội đến tháng 8/2020, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ xem xét việc xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả học tập bậc THPT kết hợp với các hình thức kiểm tra đánh giá từ xa. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngoài các phương án tuyển sinh như năm trước, cũng đã công bố tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng vào tháng 7/2020 và sẽ tuyển 70% chỉ tiêu dựa theo kết quả kỳ thi riêng này. Hệ thống đại học đã chủ động tìm giải pháp thay thế, thì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia như mọi năm không còn nhiều ý nghĩa như các nhà thiết kế ra nó mường tượng ban đầu.
Thực tế này càng thúc giục việc trả lời một câu hỏi có tính bao trùm hơn: Liệu có cần thiết duy trì kỳ thi THPT quốc gia không,
như báo chí nêu ra khá nhiều trong thời gian gần đây? Liệu chúng ta có thể thay nó bằng các phương pháp đánh giá khác nhằm công nhận tốt nghiệp cho học sinh, chủ yếu dựa trên điểm số học tập qua nhiều năm của học sinh và đánh giá của giáo viên, như nhiều nước Mỹ, Anh, Pháp, Indonesia… đã làm?
Cho mùa thi trước mắt, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo càng sớm quyết đoán đề xuất Chính phủ và Quốc hội hoãn kỳ thi THPT quốc gia thì lợi ích đem lại cho xã hội càng nhiều vì nó ảnh hưởng đến sự an nguy của cả một thế hệ học sinh và rất nhiều người liên quan đến các em.
Nhìn về lâu dài, biết đâu, đây lại chẳng là cơ hội mở một lối đi mới cho nhiệm vụ giảm áp lực thi cử trong tương lai mà ngành giáo dục phải hoàn thành.