Theo Ngân hàng Thế giới, Covid-19 đã khiến những động lực tăng trưởng truyền thống bị xói mòn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kì vọng tăng trưởng của quốc gia.
Với ưu thế kiểm soát được bệnh dịch sớm trong lúc thế giới còn đang khó khăn, Việt Nam phải thay đổi nhanh hơn để bắt kịp với những cơ hội của thời hậu Covid-19 khi tương lai vẫn chưa được định hình.
Nền kinh tế bị tổn thương nhưng vẫn có khả năng chống chịu
Đến đầu tháng 7/2020, cuộc sống ở Hà Nội dường như đã quay lại bình thường hoặc gần tương tự như trước khi có dịch Covid-19. Thủ đô lại được chứng kiến cảnh đường xá tấp nập, công trình xây dựng ồn ào, các quán trà và café trên phố đầy ắp người. Hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ, khiến cho mọi người thấy rằng nhiều hoạt động trong nước đã được khôi phục.
Nhìn vào tốc độ tăng trưởng 1,8% trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế Việt Nam mặc dù bị tổn thương nhưng vẫn thuộc dạng năng động nhất trên thế giới khi vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Khả năng chống chịu này đến từ động lực xuất khẩu của khu vực FDI trong tháng 2-4 và sự khôi phục của những khu vực kinh tế khác khi nới lỏng dãn cách xã hội trong tháng 5-7. Mặc dù nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng hầu hết tác động chỉ mang tính tạm thời và giảm dần theo thời gian. Doanh nghiệp gia đình bị ảnh hưởng nhiều hơn so với người làm công ăn lương nhưng lại linh hoạt hơn khi phục hồi nhanh chóng trong hai tháng qua.
Chính phủ cũng đã áp dụng các công cụ tài khóa và tiền tệ để trợ giúp người dân và doanh nghiệp có nguy cơ bị tổn thương, trong đó các biện pháp giãn thuế và hỗ trợ tài chính trực tiếp được triển khai từ đầu tháng tư, cùng với các biện pháp cắt giảm chi phí, thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan và các đầu mối vận tải chủ chốt. Về cơ bản, Việt Nam đã không diễn ra tình trạng hoảng loạn.
Nhưng nếu nói trạng thái bình thường đã được khôi phục nhanh chóng thì có lẽ chưa đúng. Nhiều chỉ số kinh tế và tài chính của Việt Nam vẫn chưa thể trở lại như trước. Đại dịch cũng để lại những vết sẹo, đặc biệt đối với những người dân và doanh nghiệp ít chuẩn bị cho những cú sốc bất ngờ như vậy. Nhĩn kỹ lại trên đường phố, có thể thấy không ít cửa hàng, khách sạn vẫn đóng cửa, một số thì đơn thuần tự biến mất, một số đang đứng trên bờ vực phá sản. Tuy các gói hỗ trợ đã được triển khai nhưng tốc độ giải ngân lại không đồng đều và vẫn còn nhiều thách thức trong việc tiếp cận khu vực phi chính thức.
Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới tính đến giữa năm nay, Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng GDP đứng thứ 5 trên thế giới. Trong kịch bản tích cực nếu tình hình cả trong nước và quốc tế thuận lợi, Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 2,8% trong năm 2020 và 6,8% trong năm 2021. Tuy nhiên nếu bối cảnh thế giới kém lạc quan hơn trong khi trong nước vẫn khống chế được dịch bệnh, thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được dự báo chỉ ở mức 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.
Thật không may, đến cuối tháng 7/2020, Việt Nam phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai sau gần ba tháng không có ca nhiễm mới. Tại thời điểm này, các chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn còn quá sớm để dự đoán các phản ứng chính sách, uớc tính những thay đổi về kinh tế hay hậu quả tổng thể của đợt dịch. Tuy nhiên điều có thể lường trước được là nền kinh tế Việt Nam sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần dự kiến để đạt được cùng triển vọng.
Mặc dù người Việt Nam thường có tính cần cù tiết kiệm để dự phòng những lúc khốn khó, nhưng liệu người dân còn duy trì được tiếp khả năng chống chịu không lại là điều cần cân nhắc. Có thể Việt Nam sẽ không phải đóng cửa các hoạt động kinh tế một lần nữa, song các đợt dịch mới vẫn có thể khiến những người đã bị tổn thương càng chịu gánh nặng nặng nề hơn.
Tìm kiếm động lực tăng trưởng mới
Nhìn chung, Covid-19 đã khiến những động lực tăng trưởng truyền thống bị xói mòn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kì vọng tăng trưởng của quốc gia. Với một nền kinh tế mở như Việt Nam, tác động ngắn hạn sẽ là sụt giảm nhu cầu xuất khẩu, qua đó làm định trệ sản xuất trong nước. Dài hạn hơn, Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và tiêu dùng. Và trên hết, đợt dịch này sẽ định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.
“Thách thức lớn của Việt Nam là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục, khi những động lực cũ - như sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước vốn đóng góp tới 75% tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2019 - khó có thể sớm trở lại như trước dịch”, ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét trong buổi công bố Báo cáo Điểm lại ngày 30/7.
Trong quá trình tìm kiếm động lực mới, Việt Nam vẫn đồng thời phải triển khai các hoạt động khôi phục kinh tế. Để đẩy nhanh tốc độ này, ông Morisset nhấn mạnh rằng Chính phủ cần phải bắt tay vào ba hướng. Trước hết, đó là cân nhắc gỡ bỏ hạn chế đi lại trong nước và quốc tế, mở cửa nền kinh tế một cách thông minh. Mục tiêu là đẩy mạnh hoạt động du lịch - hiện đóng góp khoảng 8-10% cho GDP của Việt Nam - và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng cùng chuyên gia kỹ thuật, nhưng phải đảm bảo không gây hại cho những thành quả y tế đã đạt được đến nay.
Thứ hai là đẩy nhanh việc triển khai chương trình đầu tư công. Theo ông, trọng tâm là chọn các dự án và chương trình hạ tầng công cộng hiệu quả được phân cấp cho địa phương nhằm tạo việc làm cho người lao động ở vùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên để làm tốt điều này, chuyên gia kinh tế này khuyến nghị Việt Nam phải cải thiện đáng kể khả năng quản lý tài chính của mình.
Thứ ba là hỗ trợ có chọn lọc một số khu vực tư nhân. Do không phải doanh nghiệp nào cũng bị Covid-19 ảnh hưởng giống nhau nên Việt Nam cần đặc biệt chú ý những ngành quan trọng nhưng bị tổn thương nhất như du lịch, vận tải, chế biến chế tạo cho xuất khẩu. Thêm vào đó, chuyên gia kinh tế này cho rằng việc trợ giúp các doanh nghiệp ít có khả năng sống sót sau khủng hoảng Covid-19 cũng không có ý nghĩa nhiều do cơ cấu sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế sẽ thay đổi. Trong trường hợp đó, Việt Nam cần hỗ trợ doanh nhân hoặc người lao động chuyển đổi sang các hoạt động hiệu quả hơn.
Nắm lấy cơ hội trong thời đại “bình thường mới”
Cơ hội lớn luôn nằm đâu đó trong mỗi cuộc khủng hoảng. Việt Nam với ưu thế kiểm soát bệnh dịch sớm của những tháng vừa qua có thể xem như cơ hội đặc biệt để nâng tầm dấu ấn của mình trong nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù không ai đoán trước được tương lai, nhưng hầu hết đều cho rằng thế giới sẽ trở nên rất khác so với thời kỳ trước khi có virus corona.
Một trong những thay đổi được dự báo là bức tranh toàn cầu hóa thương mại bị biến chuyển. Nhìn bề ngoài, tất cả những nguy cơ dễ tổn thương hiện nay dường như có nguồn gốc do toàn cầu hóa: bệnh tật lây lan và các nền kinh tế bị phụ thuộc vào các lĩnh vực bên ngoài biên giới của mình. Vì lẽ đó, chủ nghĩa bảo hộ có thể hồi sinh, làm thay đổi cách chính phủ và các tập đoàn đa quốc gia vận hành trong những năm tới. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ thường được đối trọng lại bằng công nghệ - công cụ có khả năng thu hẹp khoảng cách địa lý và khiến các hoạt động sản xuất không bị tập trung ở một vài địa phương.
Các chuỗi giá trị toàn cầu đã bị đứt gãy vì Covid-19 sẽ được tái định hình. Nhiều doanh nghiệp đang phản ứng lại khủng hoảng bằng cách tìm kiếm các nguồn cung mới đa dạng về địa lý và đáng tin cậy. Điều này sẽ là cơ hội nếu Việt Nam tận dụng được khoảng thời gian “chênh” do kiểm soát bệnh dịch trong nước tốt hơn quốc tế để tự củng cố năng lực công nghệ của mình.
Chẳng hạn như việc thu hút FDI. Theo ông Morisset, câu hỏi quan trọng hàng đầu mà Việt Nam cần đặt ra không phải là làm thế nào để thu hút được nhiều FDI hơn [hay làm sao tranh thủ gọi được dòng vốn từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung], mà là làm thế nào để dòng vốn FDI vào Việt Nam đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nội địa. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang ở Việt Nam nhưng không dùng nguyên liệu đầu vào của Việt Nam, phần lớn bởi họ không tìm được sản phẩm phù hợp nhu cầu và đối tác đảm bảo chất lượng. Về mặt này, ông gợi ý Việt Nam phải chủ động nhiều hơn để nâng cấp các hoạt động sản xuất phụ trợ trong nước, đào tạo lao động và nguồn nhân lực chất lượng cao…
Xu hướng thứ hai được dự báo sẽ củng cố sau dịch Covid-19 là sự lên ngôi của các dịch vụ không tiếp xúc trực tiếp: thương mại điện tử, khám chữa bệnh từ xa, dạy học online, làm việc tại gia, thanh toán số, chia sẻ dữ liệu… Đại dịch đã buộc các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam phải tham gia một cuộc thí nghiệm xã hội lớn chưa từng có về tương lai việc làm; buộc Chính phủ phải chuyển đổi số và đẩy nhanh các dịch vụ công trực tuyến. Nếu những thay đổi này được duy trì ở mức căn bản và lâu dài đủ để trở thành “thói quen” trong trạng thái bình thường mới thì Việt Nam sẽ tiến được một bước dài trên con đường phát triển. “Sự chuyển dịch này sẽ có tác động sâu sắc bởi nó làm thay đổi căn bản cách thức xã hội sinh sống, làm việc và giao tiếp trên nhiều góc độ khác nhau”, ông Morisset nhận xét.
Tuy vậy, một trong những thách thức lớn nhất trong và sau dịch Covid-19 là ngăn ngừa bất bình đẳng trỗi dậy. Thực chất, một số ngành nghề bị các biện pháp hạn chế gây ảnh hưởng nhiều hơn, trong khi lại có những ngành nghề trở nên mạnh hơn nhờ cách ly. Mặc dù người lao động cổ cồn có thể làm việc ở nhà và được nhận lương đầy đủ, nhưng những người lao động trực tiếp, lương thấp, lại phải chứng kiến thu nhập của họ bị giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. “Người nghèo mới chưa chắc đã giống người nghèo cũ”, vị kinh tế trưởng nhận định. Do vậy Nhà nước có thể cần tư duy lại về các chính sách đảm bảo xã hội, nhất là cải cách hệ thống thuế hiện hành và chuẩn bị công cụ quản lý để đối mặt với sự xuất hiện của tình trạng bất bình đẳng trong tương lai./.
Tác động của khủng hoảng COVID-19 qua ý kiến của các hộ gia đình ở Việt Nam 1. Mặc dù hầu hết các hộ gia đình đều bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng COVID, nhưng tác động tiêu cực đã và đang giảm đi theo thời gian o Khoảng 75% hộ gia đình cho biết có lúc bị giảm thu nhập kể từ tháng 2. o Chỉ có 17% người trả lời cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bở cú sốc trong tháng vừa qua. 2. Hộ kinh doanh cá thể bị mất thu nhập nhiều hơn so với người làm công ăn lương o Khoảng 32% hộ kinh doanh cá thể cho biết có thu nhập trong tháng 6 thấp hơn so với tháng 2. o Chỉ có 13% chủ hộ là người làm công ăn lương có thu nhập trong tháng 6 thấp hơn so với tháng 2. 3. Nhưng tác động có lẽ chỉ mang tính tạm thời o Chỉ có 2,3% chủ hộ đi làm vào tháng 2 nhưng không có việc làm trong tháng 6. o Trong số những người vẫn đang có công việc hưởng lương, 92% vẫn đang làm việc bình thường và hưởng lương như bình thường vào tháng 6. o Chỉ có 4,3% hộ kinh doanh cá thể phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn. 4. Các hoạt động nông nghiệp vẫn diễn ra bình thường o 90% hộ gia đình làm nông vẫn có hoạt động sản xuất bình thường vào tháng 6. o Khoảng 60% nông hộ có thể tăng giá trị doanh số lúa gạo trong những tháng gần đây. 5. Thay đổi về việc làm và dịch vụ y tế không lớn nhưng an ninh lương thực vẫn là quan ngại o Chỉ có 6% chủ hộ hiện đang làm việc khác với công việc vào tháng 2. o Dưới 5% đi bệnh viện trong 30 ngày qua không được tiếp cận dịch vụ điều trị y tế như họ mong muốn. o Khoảng 36% các hộ gia đình ở nông thôn lo ngại về việc không có đủ lương thực thực phẩm trong vòng 30 ngày qua so với 25% các hộ gia đình ở thành thị. 6. Mặc dù hầu hết các hộ gia đình đều tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội nhưng o Chưa đến 25% người trả lời nói rằng đã tham dự các cuộc tụ tập từ 10 người trở lên. o Hầu như không có ai đi mua sắm tạp phẩm nhiều hơn một lần trong một ngày và 60% đi từ 0-2 lần một tuần. o Trên 70% các hộ gia đình có kế hoạch đi du lịch từ tháng 3 phải hủy chuyến. Nguồn:Khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) tiến hành trong nửa cuối tháng 6/2020 |
Tham khảo:
Morisset. Jacques et al, “Taking Stock : What will be the New Normal for Vietnam? - The Economic Impact of Covid-19”, World Bank Group, 2020