Ngay sau khi vaccine Covid-19 đầu tiên được phê duyệt, nguồn cung hạn chế của nó sẽ phải đối mặt với nhu cầu đáng kinh ngạc trên toàn cầu.

Nhiều chuyên gia y tế bày tỏ quan điểm rằng: nhân viên chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới nên được ưu tiên nhận những mũi tiêm đầu tiên, sau đó là những người có nguy cơ cao về các bệnh nghiêm trọng, tiếp theo là người ở những khu vực có dịch bệnh lây lan nhanh chóng và cuối cùng là phần còn lại.

Một nhân viên kỹ thuật xét nghiệm Covid-19 tại Kigali, Rwanda. Theo các chuyên gia dịch tễ học, các nhân viên y tế cần được tiêm vaccine trước tiên. Nguồn: SIMON WOHLFAHRT/AFP/GETTY IMAGES
Một nhân viên kỹ thuật xét nghiệm Covid-19 tại Kigali, Rwanda. Theo các chuyên gia dịch tễ học, các nhân viên y tế cần được tiêm vaccine trước tiên. Nguồn: SIMON WOHLFAHRT/AFP/GETTY IMAGES

Christopher Elias, người đứng đầu Bộ phận Phát triển Toàn cầu của Quỹ Bill & Melinda Gates cho biết, một chiến lược như vậy giúp cứu nhiều sinh mạng nhất và làm chậm quá trình lây truyền tốt nhất. “Thật sự lố bịch nếu như những người có nguy cơ thấp ở các nước giàu có được tiêm vaccine, trong khi nhân viên y tế tại Nam Phi không được nhận mũi kim đó”, Ellen ‘t Hoen, một luật sư người Hà Lan và một nhà hoạt động y tế công cộng nói.

Tuy nhiên, tiền và lợi ích quốc gia có thể chi phối điều này. Mỹ và châu Âu đang đặt hàng trước hàng trăm triệu liều vaccine, có khả năng để lại rất ít cho các khu vực nghèo hơn trên thế giới. “Tôi thật sự lo lắng”, John Nkengasong, giám đốc Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi cho biết.

Để tránh viễn cảnh như vậy, Tổ chức Y tế Thế giới WHO và các tổ chức quốc tế khác đã thiết lập một hệ thống nhằm tăng tốc và phân phối vaccine một cách công bằng, đó là Cơ sở truy cập toàn cầu vaccine Covid-19 (COVAX), nhằm mục đích lôi kéo các nước giàu đăng ký chung, giảm rủi ro nếu như mỗi nước đang đặt cược vào các ứng viên vaccine sai, phân phối vaccine cho ít nhất 20% dân số của các nước có tham gia sáng kiến này. Nhưng ý tưởng không dễ triển khai và không rõ có bao nhiêu nước giàu sẽ tham gia.


“Thật sự lố bịch nếu như những người có nguy cơ thấp ở các nước giàu có được tiêm vaccine, trong khi nhân viên y tế tại Nam Phi không được nhận mũi kim đó”.

Luật sư Ellen ‘t Hoen - nhà hoạt động y tế công cộng


Lịch sử phân phối các vaccine khác ngần đây cho thấy những bài học không nên lặp lại: Năm 1996, một loại thuốc chống virus mạnh đã cách mạng hóa việc điều trị HIV ở phương Tây, cứu nhiều mạng sống. Nhưng, phải mất 7 năm để các loại thuốc này trở nên phổ biến rộng rãi ở châu Phi, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. “Đó là thảm kịch và tôi sẽ nhớ mãi”, Nkengasong nói. Trong đại dịch cúm H1N1 2009, Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu đã ủng hộ 10% vaccine của họ cho các nước nghèo hơn; nhưng chỉ sau khi đảm bảo đủ cho người dân nước của mình. “Quá nhiều quốc gia phải chờ đợi quá lâu vì vaccine quá ít”, Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của Liên minh Sáng tạo Chuẩn bị Dịch tễ học, một đối tác của COVAX nói.

Lần này cũng vậy, mối quan tâm lớn nhất của các nước giàu là bảo vệ công dân của chính họ. Chính phủ Mỹ đã ký các thỏa thuận trị giá hơn 6 tỷ USD với một số công ty vaccine như một phần của Chiến dịch Warp Speed của họ - nhằm mục đích cung cấp cho người dân Hoa Kỳ vaccine vào tháng 1/2021. Liên minh vaccine toàn châu Âu, được thành lập bởi Pháp, Đức, Ý và Hà Lan, đã ký thỏa thuận mua 400 triệu liều vaccine AstraZeneca để sử dụng tại các quốc gia thành viên EU. Vương quốc Anh cũng đã ký thỏa thuận với AstraZeneca và các công ty khác. Trung Quốc đang phát triển vaccine riêng. Không rõ là khi nào Bắc Kinh sẽ sẵn sàng chia sẻ vaccine, hoặc liệu chúng có đi kèm với các chính sách chính trị nào hay không?

Ý tưởng đằng sau COVAX là đầu tư vào khoảng 12 loại vaccine và áp dụng sớm khi có. “Mục tiêu phải có 2 tỷ liều vào cuối năm 2021”, theo ông Seth Berkley, giám đốc GAVI, Liên minh Vaccine, đối tác bên thứ ba của COVAX nói. “950 triệu liều cho các nước thu nhập trung bình và cao, 950 triệu liều cho các nước còn lại, 100 triệu liều cho các tình huống nhân đạo và bùng phát ngoài tầm kiểm soát”. Qua đó, một thỏa thuận đầu tiên trị giá 750 triệu USD với AstraZeneca cho 300 triệu liều đã được công bố vào ngày 4/6.

Berkley thừa nhận rằng nhiều nước giàu sẽ thực hiện các thỏa thuận riêng với nhà sản xuất “nhưng vẫn đăng ký COVAX - có thể xem là một chính sách bảo hiểm”. Nếu vaccine mà họ đã đầu tư không thành công, họ vẫn có quyền tiếp nhận những liều vaccine khác thông qua COVAX, đủ cho 20% dân số của họ. Các quốc gia có thu nhập cao hơn sẽ đóng góp vào COVAX. Số tiền họ đầu tư sẽ được sử dụng để đảm bảo giá thấp hơn cho các nước nghèo. GAVI cho biết COVAX sẽ cần 2 tỷ USD để trả phí cho các liều vaccine ở 90 quốc gia. “Chúng tôi đang cố gắng làm mọi thứ để vaccine có thể phân phối trên toàn cầu. Bởi vì chúng tôi nghĩ rằng đó mới là điều đúng đắn theo quan điểm khoa học và công bằng”, theo Ber Berley.

COVAX đang phân tán rủi ro của chính mình bằng cách đầu tư vào nhiều chiến lược khác nhau. Chẳng hạn, vaccine một liều có thể phù hợp hơn trong các trại tị nạn, trong khi liều gấp đôi có thể áp dụng tốt tại châu Âu. Một số vaccine dựa trên công nghệ mới, tạo ra sự khó khăn trong việc phê duyệt theo quy định và đánh giá năng lực sản xuất. COVAX cũng hy vọng rằng sẽ cung cấp vaccine từ các công ty ở đa quốc gia, để không một nước nào có thể ngăn chặn việc xuất khẩu. Cho đến nay, hơn 70 quốc gia đã cho thấy sự quan tâm đến COVAX.

Tại một cuộc họp của Liên minh châu Phi vào cuối tháng sáu, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi các nhà lãnh đạo bảo đảm nguồn cung cấp vaccine cho lục địa này và đảm bảo rằng vaccine được sản xuất tại đây. Nkengasong cũng nói rằng châu Phi cũng cần phải tìm ra những cách khác. “Chúng tôi hoan nghênh sự sắp xếp của COVAX, nhưng chúng tôi không thể chỉ chờ đợi. Chúng tôi cần phải chịu trách nhiệm về số phận của mình”.

Kate Elder, một chuyên gia vaccine tại “Chiến dịch tiếp cận bác sĩ không biên giới” coi COVAX là mũi nhọn tốt nhất trong việc phân phối vaccine công bằng, nhưng nghi ngờ sự minh bạch của nó. “Tại sao họ lại chọn AstraZeneca? Có những điều kiện nào ràng buộc trong thỏa thuận nếu công ty không đáp ứng các cam kết về số lượng?” cô hỏi. Không có điều kiện nào xung quanh được biết đến. Cả COVAX và chính phủ cũng nên đảm bảo rằng các nhà sản xuất vaccine được tài trợ sẽ cung cấp dữ liệu miễn phí cho bất kỳ công ty nào muốn sử dụng chúng.“ Tôi rất lo lắng rằng họ đang làm điều này mà không có sự ràng buộc nào, và bí mật công nghệ được tài trợ lại không được công khai cho người khác sử dụng”, cô nói.

“Điều cần thiết nhất để COVAX hoạt động là cam kết chính trị ở các cấp cao nhất của chính phủ”, theo Jac Phelan, luật sư tại Đại học Georgetown, chuyên về sức khỏe toàn cầu.

Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo rằng một đại dịch tàn khốc có khả năng sẽ xảy ra vào một ngày nào đó, nhưng cộng đồng quốc tế đã không đưa ra một cơ chế nào để đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine chống lại đại dịch. “Vì vậy, đối với vấn đề toàn cầu có thể nhìn thấy, dự đoán trước và có thể chuẩn bị như thế này, chúng ta chẳng có gì cả”, Fidler nói.

Nguồn: Science doi:10.1126/science.abe0601

Chú thích:

*Trong bản gốc tác giả dùng “chủ nghĩa dân tộc vaccine” (‘Vaccine nationalism’). Chủ nghĩa dân tộc vaccine xảy ra khi một quốc gia quản lý để đảm bảo đủ vaccine cho chính công dân của nước mình trước khi cung cấp cho các quốc gia khác.