Nếu không có quy chế tài chính đặc biệt, V-KIST - mẫu thí điểm áp dụng cơ chế quản lý mới theo kinh nghiệm của Hàn Quốc với mục tiêu thu hút nhà khoa học giỏi - sẽ giống như hàng trăm viện nghiên cứu đã có ở Việt Nam.

Đến thời điểm này, quy chế tài chính đặc biệt cho V-KIST (Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc) vẫn đang chờ ý kiến các bộ, ngành và quyết định cuối cùng của Chính phủ.

Mô hình công lập với cơ chế tự chủ cao

V-KIST được kỳ vọng trở thành một viện nghiên cứu ứng dụng đa ngành, định hướng công nghệ công nghiệp với đội ngũ cán bộ nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu hiện đại theo mô hình công lập với cơ chế tự chủ cao.

Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc - hóa dầu Hà Nội. (Ảnh chụp tháng 3/2016) Ảnh: Loan Lê
Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc - hóa dầu Hà Nội. (Ảnh chụp tháng 3/2016) Ảnh: Loan Lê

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân phát biểu đầy tâm huyết: “Giới khoa học phải có điều kiện làm việc tối thiểu. Nhà khoa học làm việc ở viện nghiên cứu không thể không có một phòng thí nghiệm hoặc thư viện khoa học; trang thiết bị trong phòng thí nghiệm ấy cũng phải ở mức tương đương các nước khác.

Đó chính là lý do mà chúng tôi rất muốn V-KIST được xây dựng và đi vào hoạt động, thí điểm cơ chế quản lý mới tiếp cận với quốc tế để sau này nhân rộng, trở thành cơ chế chung cho các viện nghiên cứu Việt Nam”.

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cơ chế này, bởi có người cho rằng nếu áp dụng cơ chế trả lương cao thì sẽ không đúng với quy định hiện hành. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, hiện Việt Nam đã có hàng trăm viện hoạt động theo cơ chế hiện hành và hiệu quả thì ai cũng nhìn thấy. Vì thế sẽ không cần V-KIST nếu vẫn chỉ áp dụng quy định hiện hành.

“Nếu không có cơ chế tài chính đặc biệt thì mọi việc sẽ vô nghĩa, kể cả đổ nghìn tỷ vào xây dựng viện này nhưng không có người giỏi về làm thì cũng không đem lại gì. Muốn V-KIST tồn tại và phát triển đúng như kỳ vọng thì phải có người giỏi, từ người đứng đầu viện cho tới các trưởng phòng thí nghiệm và những người làm nghiên cứu ở đây” - Bộ trưởng nói.

Tạo động lực để nhà khoa học đam mê

Chia sẻ về việc tạo cơ chế đặc thù cho V-KIST, PGS-TSKH Phạm Hoàng Hiệp - giảng viên khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng đây là việc cần thiết, nên làm để thu hút các nhà khoa học giỏi. Ngoài cơ chế tài chính, các nhà khoa học cũng cần một môi trường thực sự khoa học để có thể sống với đam mê của mình.

Cũng chung quan điểm này, TS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM - nói: “Lập một viện có cơ chế tài chính đặc thù là hạt nhân để sau này nhân rộng thành mô hình cho cả nước là ý tưởng rất hay; tuy nhiên thực hiện như thế nào thì cũng cần hết sức lưu tâm. Phải tìm ra được động lực để cho sự phát triển KH&CN bền vững, động lực để tập hợp các nhà khoa học về với mình”.

Theo TS Phúc, cơ chế tài chính đặc thù, hấp dẫn vẫn chưa đủ để thu hút các nhà khoa học trẻ và giỏi về Việt Nam cống hiến, mà V-KIST cần phải có nhiều cơ chế khác để giữ mãi niềm đam mê: “Cái giúp duy trì niềm đam mê, khả năng cống hiến ở đây chính là việc họ được quyền nghĩ, được quyền cống hiến và làm việc. Đây là câu chuyện dài hơi mà nếu chỉ riêng Bộ KH&CN sẽ rất khó thực hiện. Nếu như các nhà khoa học Việt Nam cố gắng tập trung làm ra bao nhiêu công nghệ, sản phẩm tốt nhưng người dân Việt không muốn sử dụng thì sẽ không thể tạo động lực cho nhà khoa học được”.

TS Phạm Văn Phúc dẫn câu chuyện do một giáo sư Hàn Quốc chia sẻ: Vào năm 1930, mặc dù được đầu tư rất nhiều tiền, Hàn Quốc vẫn không có khả năng làm tàu chiến bằng thép, tàu đưa xuống nước là bị rỉ nên đã để thua Nhật Bản. Hết tiền, họ lấy chính lượng thép đó để sản xuất ra đũa, muỗng, chén bát. Dù những cái bát, đũa, chén bằng thép này rất nặng, khó sử dụng trong bữa ăn nhưng người dân Hàn Quốc vẫn mua hết để nhà nước có tiền đầu tư trở lại cho việc sản xuất tàu chiến. Cuối cùng, sau nhiều cố gắng Hàn Quốc đã sản xuất thành công tàu chiến bẳng thép, thậm chí tốt hơn cả Nhật Bản.

Câu chuyện này cho thấy, rất cần một cơ chế thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nước theo nhiều hướng mới, như vậy mới mong khoa học có thể phát triển bền vững về lâu dài.

Khẳng định tầm quan trong của một cơ chế tài chính đặc thù, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các bộ tham khảo kinh nghiệm quốc tế và chính sách trả lương, phụ cấp của Trường Đại học Việt - Đức, Trường Đại học Việt - Pháp, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán để hoàn thiện quy chế tài chính của V-KIST.

Quy chế này cần đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam theo nguyên tắc: Tiền lương và phụ cấp phải gắn với kết quả công việc, hợp đồng sản phẩm, thời gian ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho viện; chính sách ưu đãi chủ yếu tập trung cho đối tượng tham gia trực tiếp vào hoạt động KH&CN tại viện.

Dự án V-KIST được Bộ KH&CN dự kiến đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tổng kinh phí cho giai đoạn I (2014-2017) khoảng 70 triệu USD, trong đó Hàn Quốc hỗ trợ 35 triệu USD. Kinh phí đối ứng của Việt Nam ước tính thực hiện cho giai đoạn I gồm giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, chi phí quản lý.