Trong giai đoạn sốc ban đầu do Covid-19, không khó hiểu khi các chính phủ và ngân hàng trung ương thường ứng phó bằng những đợt bơm thanh khoản khổng lồ – hiện đã ngang với 10% GDP toàn cầu. Nhưng giờ đây, các nhà hoạch định nên lùi lại một bước để xem loại kích thích kinh tế nào mới thực sự cần thiết, và liệu chúng có gây hại nhiều hơn lợi?
Theo đánh giá của Vụ Kinh tế và Các vấn đề xã hội Liên Hiệp Quốc (United Nations Department of Economic and Social Affairs) thì những biện pháp này có thể sẽ không thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư nhiều như các nhà hoạch định kỳ vọng.
Vấn đề ở đây là một phần tiền đáng kể đang được chuyển trực tiếp vào vùng đệm vốn (capital buffers), dẫn tới sự gia tăng số dư dự phòng (precautionary balances). Tình trạng này gần giống với “bẫy thanh khoản” (liquidity trap) mà John Maynard Keynes từng rất lo ngại trong cuộc Đại Khủng hoảng (1929 – 1933).
Trong cơn hoảng loạn, các biện pháp kích thích đang được triển khai ồ ạt nhằm ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế sụp đổ do đại dịch. Mặc dù giải pháp này chỉ mang tính “chữa cháy”, không thực sự giải quyết đúng vấn đề, nhưng đối với nhiều người, nó vẫn được xem là lựa chọn duy nhất tại thời điểm đó. Bởi vì nếu không có những đợt bơm thanh khoản khẩn cấp và ồ ạt, có lẽ đã xảy ra thêm nhiều vụ phá sản trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề và càng khiến nền kinh tế khó phục hồi hơn.
Nhưng giờ đây, khác với giả định ban đầu khi áp dụng các biện pháp khẩn cấp đó, chắc chắn đại dịch sẽ còn kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí cả năm nữa. Điều này đồng nghĩa với việc cần đánh giá lại chúng một cách cẩn trọng, và hãy lưu ý đến những tác động lâu dài. Trong giai đoạn đầy bất trắc, hành vi tiết kiệm phòng ngừa thường có xu hướng gia tăng, khi các hộ gia đình và doanh nghiệp thích nắm giữ tiền mặt do lo ngại không biết điều gì đang đợi họ ở phía trước.
Khủng hoảng hiện tại cũng không phải ngoại lệ. Phần lớn số tiền mà hộ gia đình và doanh nghiệp nhận được dưới dạng chi phiếu [kích thích] có thể sẽ nằm nhàn rỗi trong tài khoản ngân hàng của họ, do sự bất an về tương lai và triển vọng tiêu dùng sụt giảm. Cùng lúc đó, ngân hàng lại như ngồi trên đống thanh khoản dư thừa, do thiếu những người vay đủ “tín nhiệm tín dụng” (credit-worthy) và sẵn sàng muốn mượn thêm.
Không quá ngạc nhiên khi dự trữ vượt mức tại các ngân hàng tiền gửi của Mỹ đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn tháng 2 – 4/2020, từ 1,5 ngàn tỷ USD lên đến 2,9 ngàn tỷ USD. Để so sánh, con số này trong đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007 – 2009) chỉ đạt khoảng 1 ngàn tỷ USD. Điều này cho thấy hiệu quả theo cấp số nhân (multiplier effect) từ các chính sách khuyến khích được áp dụng là rất thấp. Rõ ràng, chỉ tín dụng ngân hàng là không đủ để đưa chúng ta thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện tại.
Thậm chí vấn đề sẽ còn trở nên tồi tệ hơn, khi thanh khoản dư thừa gây thêm gánh nặng về chi phí xã hội (social cost). Bên cạnh những mối lo thường trực về rủi ro nợ nần và lạm phát, còn có nguy cơ tiền thừa trong ngân hàng sẽ được chuyển sang đầu cơ tài chính. Bất chấp khủng hoảng, nhiều thị trường chứng khoán đang tăng điểm mạnh mẽ, nhưng điều này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, và nó sẽ khuyến khích hành vi phòng ngừa nhiều hơn là thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư để đưa nền kinh tế phục hồi, bất chấp việc tiền vẫn được bơm ồ ạt.
Các biện pháp kích thích được thiết kế tốt sẽ hữu ích khi Covid-19 được kiểm soát. Nhưng chừng nào đại dịch hãy còn hoành hành, nền kinh tế sẽ không thể trở lại trạng thái bình thường. Chìa khóa bây giờ, và cả sau này nữa, là hãy tìm cách giảm thiểu rủi ro và tăng cường ưu đãi để khuyến khích tiêu dùng. Chừng nào doanh nghiệp vẫn còn lo lắng về một nền kinh tế yếu kém sau sáu tháng hoặc cả một năm, họ sẽ trì hoãn đầu tư, và do đó kéo chậm đà hồi phục. Chỉ nhà nước mới có đủ quyền lực để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn (vicious circle) ấy. Các chính phủ phải tự gánh vác trách nhiệm này và cần hành động quyết liệt, chẳng hạn cung cấp sự bù đắp cho doanh nghiệp trong hoàn cảnh nền kinh tế không thể phục hồi ở những thời điểm nhất định.
Trái phiếu Arrow-Debreu (được đặt theo tên hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel là Kenneth Arrow và Gérard Debreu) là một công cụ tốt để làm điều đó. Lấy ví dụ: chính phủ có thể đảm bảo một hộ gia đình mua xe hơi mới được trì hoãn các khoản thanh toán nếu dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát sau sáu tháng. Điều tương tự cũng có thể được áp dụng đối với những khoản vay và thế chấp bằng thu nhập để khuyến khích tiêu dùng, bao gồm cả việc mua nhà. Và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cũng không phải ngoại lệ.
Ngoài ra, chính phủ có thể cân nhắc phát hành voucher để khuyến khích hộ gia đình mua sắm. Biện pháp này đang được Trung Quốc áp dụng, khi chính quyền tại hơn 50 thành phố vừa tung ra loại coupon kỹ thuật số, dùng để mua nhiều mặt hàng và dịch vụ trong một khung thời gian nhất định. Thời gian hiệu lực ngắn đã khiến chúng trở thành tác nhân kích thích tiêu dùng mạnh mẽ, mang lại lợi ích cho tổng cầu trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng lại vô cùng cần thiết.
Do đại dịch chắc chắn sẽ kéo dài hơn so với dự kiến, chúng ta có thể phải cần thêm nhiều kích thích. Như Mỹ, mặc dù đã chi tới 3 ngàn tỷ USD cho các chương trình cứu trợ, nhưng nếu chúng không được thiết kế tốt, tiền sẽ chỉ giúp doanh nghiệp cầm cự trong vài tháng thay vì thực sự cứu được họ. Một số tiểu bang đã theo đuổi hướng tiếp cận khác cho thấy hiệu quả, đó là chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp (giúp họ thanh toán lương và những chi phí vượt quá khả năng do sụt giảm doanh số) với điều kiện phải giữ chân người lao động.
Nếu được thiết kế và vận dụng không tốt, các chương trình kích thích kinh tế sẽ không chỉ không mang lại hiệu quả mà thậm chí còn gây nguy hiểm. Chính sách tồi sẽ góp phần làm gia tăng tình trạng bình đẳng, tạo bất ổn và làm suy yếu sự ủng hộ dành cho chính quyền khi cần để ngăn nền kinh tế rơi vào suy thoái kéo dài. May mắn là chúng ta vẫn có những lựa chọn thay thế, nhưng liệu các chính phủ có kịp điều chỉnh để nắm lấy chúng?
Tác giả:
Joseph E. Stiglitz: nhà kinh tế đoạt giải Nobel 2011, giáo sư Đại học Columbia, kinh tế trưởng tại Viện Roosevelt Institute, cựu phó chủ tịch và kinh tế trưởng tại World Bank. Trong số các tác phẩm nổi tiếng của ông, có thể kể đến The Price of Inequality (Cái giá của sự bất bình đẳng 2012), … và gần đây nhất là cuồn People, Power, and Profits: Progressive Capitalism for an Age of Discontent (Con người, Quyền lực, và Lợi nhuận: Chủ nghĩa tư bản cấp tiến cho một thời bất mãn).
Hamid Rashid: từng là tổng giám đốc phụ trách các vấn đề kinh tế đa phương tại Bộ Ngoại giao Bangladesh, và cố vấn cấp cao tại Ủy ban Chính sách Phát triển của UNDP, trưởng nhóm Global Economic Monitoring tại Vụ Kinh tế & các vấn đề xã hội Liên Hiệp Quốc.