Từ lâu, các công ty khởi nghiệp (startup) đã nổi lên như những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế thế giới, tạo việc làm và xúc tác cho nhiều đổi mới sáng tạo căn bản. Trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19, các Chính phủ có thể làm ít nhất 4 điều để hỗ trợ khởi nghiệp và nền kinh tế, theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Startup đóng vai trò quan trọng để hồi sinh nền kinh tế. Ảnh: chefdentreprise
Startup đóng vai trò quan trọng để hồi sinh nền kinh tế. Ảnh: chefdentreprise

GIÚP HỒI SINH VÀ “THAY MÁU” NỀN KINH TẾ HẬU ĐẠI DỊCH

Cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay đã khiến hầu hết các startup phải đối mặt với những thách thức lớn vì họ non trẻ và dễ bị tổn thương hơn những doanh nghiệp lâu đời, đồng thời lại có xu hướng tham gia vào những hoạt động sáng tạo rủi ro cao hơn hẳn so với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều nhóm tài năng công nghệ đã phải giải tán khi nhu cầu khách hàng ngày càng suy giảm mạnh. Trầm trọng hơn, các startup đang dần cạn kiệt tiền mặt và vốn đầu tư mạo hiểm, phải đối mặt với ranh giới sống còn.

Tuy nhiên, thời kì suy thoái cũng là giai đoạn tái cấu trúc cao và đem lại cơ hội “thay máu” cho các nền kinh tế. Ví dụ các startup công nghệ đình đám làm thay đổi nhiều ngành kinh doanh truyền thống như Dropbox, Uber, Airbnb, WhatsApp, Groupon và Pinterest đều xuất hiện trong hoặc ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Taobao của Alibaba cũng được thành lập ngay trong đợt dịch SARS ở Trung Quốc năm 2003. Đó là lý do tại sao các lãnh đạo chính phủ cần phải hành động để bảo vệ startup cũng như cơ hội tương lai của nền kinh tế của mình trước khi các startup này biến mất.

Ngay trong dịch Covid-19, nếu không có các nền tảng kết nối như Zoom, WhatsApp hay Slack… thì thế giới có thể đã trở nên cô đơn và kém hiệu quả hơn. Những startup này đem đến công nghệ cho phép bất kì ai cũng có thể giữ liên lạc với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp dù cách ly tại nhà. Một số startup khác đã phản ứng nhanh chóng giúp các quốc gia có bước đẩy quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở lĩnh vực giáo dục, y tế hay thương mại điện tử. Không khó để nhận ra rằng startup và giới doanh nhân khởi nghiệp là một trong những nhân tố thiết yếu để hồi sinh nền kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi số sau đại dịch.

4 ƯU TIÊN CHÍNH SÁCH CHO KHỞI NGHIỆP

Theo khảo sát của tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu Startup Genome, 61% các công ty khởi nghiệp trên thế giới đang trông chờ hành động mạnh mẽ từ chính sách hiện tại hoặc chính sách mới của chính phủ. Có 4 điều mà các chính phủ nên làm xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp.

1. Trợ cấp trực tiếp và cho vay không lãi suất

Tiền mặt là mối quan tâm số một của startup hiện nay. Các khoản trợ cấp được coi là công cụ chính sách hữu ích nhất, tiếp theo là các khoản vay. Tới 65% doanh nghiệp được khảo sát chỉ còn tiền mặt để trụ được dưới sáu tháng.

Ở nhiều quốc gia, các phản ứng chính sách đã nhắm vào yếu tố tài chính của công ty, đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng bao gồm các biện pháp duy trì nhu cầu thanh khoản ngắn hạn, như bảo lãnh cho vay, cho vay trực tiếp, tài trợ hoặc trợ cấp. Tại Nhật Bản, Chính phủ đang hỗ trợ các khoản vay không cần tài sản đảm bảo với lãi suất 0% cho tất cả doanh nghiệp đã suy giảm hơn nửa doanh thu vì dịch coronavirus. Ở Úc, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp trị giá 500 triệu USD cũng cung cấp những khoản trợ cấp trị giá 10,000 USD cho mỗi công ty bị ảnh hưởng.

Pháp đã thành lập một quỹ trị giá 4 tỷ euro nhằm hỗ trợ thanh khoản khởi nghiệp, bao gồm cả các khoản tài trợ bắc cầu cho startup chờ đến vòng huy động vốn tiếp theo. Đức cũng đã công bố một chương trình trợ cấp khởi nghiệp theo nhu cầu và Vương quốc Anh cũng công bố một quỹ đồng tài trợ cho các công ty startup đang gặp khó khăn về tài chính.

Nhiều sáng kiến khác đã tập trung vào việc giảm chi phí vận hành hằng ngày của doanh nghiệp để kéo dài khoảng thời gian sống sót khi không có đầu tư mới. Chẳng hạn Hoa Kỳ đã gia hạn nộp thuế ba tháng cho doanh nghiệp, Hàn Quốc đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tới 60% hay Bahrain đã miễn tiền thuê nhà ba tháng đối với những khu nhà thuộc sở hữu nhà nước.

2. Tiếp cận vốn mạo hiểm

Mặc dù tiền mặt có thể giúp giải tỏa những áp lực ngắn hạn, startup vẫn cần nguồn tài chính dài hạn – đặc biệt là vốn mạo hiểm - để tồn tại và phát triển trong tương lai. Kinh nghiệm gợi ý rằng các hoạt động đầu tư mạo hiểm chắc chắn sẽ giảm vào năm 2020 và có thể lâu hơn. Các nhà đầu tư đang rút dần khỏi giao dịch. Gần 53% doanh nghiệp khởi nghiệp đang trải qua quá trình gây quỹ chậm chạp hoặc phải vật lộn với nhà đầu tư dẫn đầu khi họ không phản hồi.

Để không tạo hậu quả khôn lường, Chính phủ các nước buộc phải đứng ra tự mình bơm vốn mạo hiểm bằng cách sử dụng những công cụ tương tự như thị trường tư nhân. Ví dụ, Đài Loan đã hứa sẽ cung cấp tài chính từ 6-12 tháng cho các startup để đổi lấy cổ phiếu ưu đãi của công ty. Tập đoàn nhà nước MDEC của Malaysia cũng đã kết hợp với một nền tảng mạng lưới và một công ty đầu tư mạo hiểm để kết nối 50 nhà đầu tư với startup nội địa phù hợp.

3. Hỗ trợ nhân lực và việc làm

Covid-19 đã ảnh hưởng đến lực lượng lao động toàn cầu. Cứ 4 startup thì tới 3 doanh nghiệp phải cắt giảm nhân viên toàn thời gian, bởi chi phí lương là gánh nặng lớn đặc biệt cho những doanh nghiệp giai đoạn đầu.

Chương trình Kurzarbeit của Đức là một phản ứng chính sách đã được chứng minh có thể giúp giữ chân những nhân viên lành nghề. Theo đó, người sử dụng lao đồng có thể cho nhân viên làm việc bán thời gian thay vì sa thải, chính phủ sẽ chi trả tới 67% thu nhập bị mất của nhân viên trong thời hạn tối đa một năm. Chương trình này đã giúp Đức phục hồi nhanh chóng từ cuộc khủng hoảng 2008-09 và được một số quốc gia khác mô phỏng. Áo cũng có một chương trình tương tự nhưng mức hỗ trợ lên tới 90% tiền lương.

Tuy nhiên, hỗ trợ lương là không đủ. Các startup thường có xu hướng sử dụng nhân sự ngoại quốc để giúp họ tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, thúc đẩy nhận thức liên văn hóa và mở ra những thị trường mới. Trong khi hầu hết các nền kinh tế hàng đầu đều có những loại thị thực cho người sáng lập và nhân viên khởi nghiệp, thì phần lớn những chương trình này vẫn gắn liền với hợp đồng lao động và có thể bị tự động trục xuất khi hết hạn. Do vậy, các chính phủ cần tính đến những chương trình nới lỏng quy tắc thị thực để giữ chân hoặc thu hút nhân tài nước ngoài sau cuộc khủng hoảng.

4. Thúc đẩy nhu cầu khách hàng

3/4 startup đang làm việc trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng Covid-19. Họ bị sụt giảm doanh thu ở nhiều mức độ khác nhau. Do vậy, chính phủ có thể giúp đỡ bằng cách trở thành khách hàng tiên phong để kích cầu, thuê những startup đó giải quyết các vấn đề mà các cơ quan công quyền đang gặp phải trong lĩnh vực y tế, môi trường, giao thông, đô thị, nông nghiệp, quốc phòng…

Chính phủ Canada đã có chương trình trị giá 100 triệu USD mang tên Giải pháp Sáng tạo Canada (ISC) để đặt ra các bài toán từ hơn 20 cơ quan nhà nước, tài trợ tiền R&D cho các nhóm khởi nghiệp và thử nghiệm những sản phẩm nguyên mẫu mà họ phát triển trong thực tế.

Tham khảo:

[1] https://www.weforum.org/agenda/2020/06/4-ways-governments-can-support-start-ups-and-save-their-economies/

[2] https://www.weforum.org/agenda/2020/06/3-ways-to-stop-covid-19-drying-up-start-up-talent-pools/

[3] https://www.weforum.org/agenda/2020/06/start-ups-covid-coronavirus-small-businesses-new-economics-growth/