Hợp tác giữa TP Hà Nội và Bộ KH&CN được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội phát huy được ba cái nhất về cơ sở hạ tầng, đội ngũ nghiên cứu và nguồn lực đầu tư, và trở thành một trung tâm KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Đông Nam Á.


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngũ Hiệp

Hà Nội có “ba cái nhất”, là nơi hội tụ đầy đủ tiềm lực KH&CN quốc gia, với hạ tầng mạnh nhất, có lực lượng nghiên cứu khoa học công nghệ đông nhất, có số giáo sư tiến sĩ nhiều nhất và đóng góp tỉ lệ cao nhất trong tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia; có cường độ đầu tư cho KH&CN cao nhất cả nước; và có số lượng công bố quốc tế, năng suất lao động và đóng góp của chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng cũng cao hơn hẳn so với cả nước. Đó là nhận xét được nhắc đi nhắc lại của các đại biểu tại buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Vương Đình Huệ với ban cán sự Đảng Bộ Bộ KH&CN chiều ngày 14/7.

Nhờ vị thế chiếm 80% viện trường, 82% phòng thí nghiệm trọng điểm của cả nước, 105 tổ chức KH&CN công lập do các trường đại học, viện nghiên cứu công lập thành lập (hơn 70% tổ chức đã được cấp đăng ký hoạt động KH&CN “tư vấn chuyển giao công nghệ”) nên Hà Nội có được những kết quả mà khó địa phương nào bì kịp, đơn cử là 100% dự án sản xuất thử nghiệm và trên 85% kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn (trong tổng số gần 300 nhiệm vụ KHCN và 50 dự án sản xuất thử nghiệm), theo báo cáo của UBND TP Hà Nội.

Đây cũng là nơi mà nghiên cứu khoa học không chỉ hiện diện rõ ràng trong các nghiên cứu phòng lab, trong các công xưởng nhà máy, với tỉ lệ nội địa hóa và mức độ làm chủ công nghệ cao mà còn có mặt cả trong đời sống thường ngày của người dân. Một số ví dụ điển hình minh chứng cho điều này là Hà Nội dẫn đầu cả nước về số bằng sáng chế và giải pháp hữu ích (với 325 bằng sáng chế và 423 bằng giải pháp hữu ích), và đứng thứ hai về số bằng kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa (hơn 1.200 bằng kiểu dáng công nghiệp và gần 20.200 giấy chứng nhận nhãn hiệu) và cũng đã thay đổi thói quen của người dân sản xuất từ sản phẩm tự do thành sản xuất sản phẩm có tem nhãn và được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Không chỉ có lợi thế nhờ vào mạng lưới KH&CN mà tiềm lực đầu tư cho KH&CN ở khu vực tư nhân ở đây cũng đáng kinh ngạc khi số doanh nghiệp và tổ chức thực hiện trích lập quỹ KH&CN lên tới khoảng 2.150 tỉ đồng. Để so sánh, con số này chiếm 70% tổng số trích lập quỹ KH&CN của doanh nghiệp trong cả nước và bằng gần 50% tổng số chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp khoa học của thành phố Hà Nội trong cả giai đoạn 5 năm). Nhờ có hàng nghìn doanh nghiệp KH&CN tiềm năng và số lượng doanh nghiệp KH&CN đã đăng ký cũng dẫn đầu cả nước nên các Techmart Hà Nội đã trở thành không gian gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu và phát triển với sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu, thúc đẩy giao dịch mua bán công nghệ tiên tiến, góp phần phát triển thị trường công nghệ, có giá trị giao dịch lên tới cả trăm tỉ đồng.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngũ Hiệp.

Tuy vậy, đứng trước một giai đoạn phát triển mới, cần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào KH&CN và ĐMST, đặc biệt là đứng trước “mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm KH&CN, ĐMST của khu vực Đông Nam Á”, trong đó có những ngành nghiên cứu cơ bản, công nghệ mới, vật liệu mới đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực như ông Vương Đình Huệ nêu thì những kết quả trên vẫn chưa đủ. Mà như chính báo cáo của UBND TP Hà Nội đã nêu là “chưa tương xứng với tiềm năng của thủ đô”, “KHCN và ĐMST chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thủ đô”. Đây chính là bài toán mà Hà Nội đặt ra muốn cùng Bộ KH&CN phối hợp tìm ra định hướng giải pháp và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá chính là yêu cầu để “cộng lực, đồng hành”, là “trách nhiệm của ngành KH&CN” cùng bàn bạc. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng đánh giá, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là “tháo gỡ thể chế”, thử nghiệm để phát huy nguồn lực cho nghiên cứu phát triển của khối doanh nghiệp – nhờ đó thì những kết quả nghiên cứu KH&CN và ĐMST mới nhanh chóng đi vào đời sống, nhân quy mô thương mại hóa, biến thành giá trị kinh tế.

Diện mạo KH&CN và ĐMST của TP Hà Nội chắc chắn sẽ khác trước, khi doanh nghiệp trở thành chủ đầu tư lớn nhất chứ không phải là nhà nước như giai đoạn vừa qua thì toàn bộ chính sách sẽ phải xoay trục, để phục vụ cho doanh nghiệp đầu tư được cho KH&CN và ĐMST, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cũng nhận định và đưa ra một số con số cụ thể cần đạt được. Ông cho biết, nếu muốn đạt mục tiêu với cấu hình thu nhập 8000 - 9000 USD vào năm 2025 thì cấu hình đầu tư cho KH&CN sẽ phải tương ứng 70% từ tư nhân, 30% vốn mồi của nhà nước, còn tỉ lệ đầu tư cho KHCN không dưới 1% GDP của thành phố. “Chỉ khi vượt qua được ngưỡng như thế thì mới có mức độ tăng trưởng cao... Chắc chắn là chúng ta cần khơi thông nguồn đầu tư để doanh nghiệp đóng vai trò thực sự. Và chúng ta phải tin rằng doanh nghiệp dùng quỹ này cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự của họ”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Tuy nhiên ông cũng lưu ý, vì Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những địa điểm tiên phong về đổi mới sáng tạo nên sẽ vấp phải một số rào cản về mặt thể chế sớm hơn. “Nên đây chính là địa bàn mà chúng tôi đề nghị các chính quyền thành phố cùng các bộ, ngành thử nghiệm chính sách cho các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, tạo tiền đề cho sự phát triển mới”. Và để góp phần hình thành các ý tưởng mới cho phát triển, thì “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” có ý tưởng tập hợp, tận dụng trí tuệ của lực lượng trí thức trong và ngoài nước để tham mưu tư vấn cho Hà Nội là rất cần thiết.

Đây cũng là những vấn đề chủ yếu được các đại biểu thảo luận tại cuộc làm việc và được thể hiện trong 6 nội dung hợp tác giữa UBND TP Hà Nội và Bộ KH&CN bao gồm Phối hợp tham vấn, đề xuất ban hành những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, phù hợp với đặc thù trong hoạt động KH&CN và ĐMST của thủ đô; Phối hợp trong đề xuất xây dựng và triển khai các giải pháp khơi thông sử dụng các nguồn lực xã hội cho KHCN và ĐMST, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển KH&CN đầu tư cho ĐMST, đổi mới, ứng dụng và phát triển công nghệ; Phối hợp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua tận dụng các công nghệ mới và xây dựng các chương trình trọng điểm; Phối hợp phát triển thị trường KH&CN và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Nội; Hợp tác phát triển Khu CNC Hòa Lạc; và Phối hợp triển khai một số nhiệm vụ KHCN và ĐMST trọng tâm phát triển các ngành, sản phẩm chủ lực.

Hợp tác này được ký kết giữa hai bên được ông Vương Đình Huệ kỳ vọng là “trở thành một trong những mẫu hình hợp tác giữa cơ quan Trung ương và một thành phố”. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng khẳng định sẽ phân công cho từng đơn vị đầu mối phụ trách thực hiện, tập trung phối hợp chặt chẽ, tính toán từng lộ trình và định rõ sản phẩm.

Tại cuộc họp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng chỉ ra một bài toán nổi cộm của ngành cần được các nhà KH&CN vào cuộc giải đáp. Giám đốc Sở Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội là một trong những thành phố có chiều dài đê sông lớn và quan trọng nhất của cả nước nhưng hiện nay đang bị sạt lở do ảnh hưởng của các biến đổi khí hậu, hệ thống thủy điện, bên cạnh đó hệ thống các sông Nhuệ, sông Cầu, sông Đáy đang oằn mình gánh nước thải và bị ô nhiễm nặng. Thực trạng đó “rất cần ứng dụng KHCN để chỉnh trị, quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường các dòng sông”, ông Chu Phú Mỹ nói.

Hà Nội có đang có tới
80% số viện trường, 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm của cả nước. Ảnh minh họa:Phòng sạch của Trung tâm nano và năng lượng, trường ĐH KHTN Hà Nội/Hoàng Nam.

Phối hợp đề xuất xây dựng chính sách

Nhằm phát triển tiềm lực KH&CN, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp bằng KH&CN, UBND TP Hà Nội và Bộ KH&CN đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, một số đề xuất chính sách trọng tâm bao gồm:
  • Xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ về tài chính, đầu tư, hỗ trợ cho việc khơi thông sử dụng các nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và ĐMST, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển KH&CN đầu tư cho đổi mới sáng tạo, đổi mới, ứng dụng và phát triển công nghệ; Hoàn thiện chính sách vượt trội nhằm thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế; Hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về KHCN kết nối toàn quốc và quốc tế...

  • Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực Hà Nội có tiềm năng và lợi thế(Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ xử lý môi trường, y tế, công nghệ số, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, in 3D,...); phối hợp hỗ trợ Hà Nội xây dựng chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp ĐMST và phát triển sản phẩm chủ lực; Hỗ trợ Hà Nội điều tra thống kê về nguồn lực công nghệ, ĐMST trong doanh nghiệp, xây dựng bản đồ, lộ trình công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên.

  • Phát triển thị trường KH&CN và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Nội gắn với cơ chế thử nghiệm chính sách mới, tiên tiến (xây dựng sandbox).

  • Xây dựng Khu CNC Hòa Lạc phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội tạo làn sóng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước; trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ và ĐMST của Hà Nội và quốc gia, là mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất, là vùng lõi với hạ tầng hiện đại, thông minh của đô thị vệ tinh Hoà Lạc.
    ...