Đó là ý kiến của TS Trần Lê Hồng - Chánh Văn phòng Cục SHTT - tại buổi tọa đàm mới đây về thương hiệu và quyền SHTT đối với hoạt động khởi nghiệp.
Tài sản vô hình chiếm đến 90% giá trị doanh nghiệp
Nói về giá trị của thương hiệu, PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh - Đại học Thương mại - nêu ví dụ của Công ty cổ phần Diana Unicharm. Hiện công ty có tổng giá trị 185 triệu USD, trong đó tài sản hữu hình chỉ chiếm 20 triệu USD, số còn lại là tài sản vô hình - chiếm gần 90%, chủ yếu nằm trong giá trị thương hiệu và bí quyết kinh doanh.
Một ví dụ khác: Để được quyền bán gà rán KFC ở Hà Nội, mỗi cửa hàng phải trả cho Công ty KFC 85.000USD/năm. Hiện KFC có hơn 13.000 cửa hàng trên toàn cầu, số tiền mà thương hiệu mang lại rất lớn.
“Một sáng chế, công nghệ mới hay bí mật kinh doanh là cả một đống tiền. Hãy theo đuổi giá trị thương hiệu, quản trị và phát triển tốt thương hiệu để tạo nên tài sản thương hiệu, làm nên vị thế của một doanh nghiệp” - TS Thịnh nói.
Cửa hàng gà rán KFC trên đường Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội. Ảnh: Châu Long
Theo ông, tài sản thương hiệu là giá trị tăng thêm của một sản phẩm được cảm nhận bởi người tiêu dùng. Khi khách hàng cảm nhận chất lượng sản phẩm tốt, họ sẽ mua. Điều này cũng thể hiện qua việc hãng Apple dùng những cách riêng của họ để khiến người dùng đặt lòng tin cao nhất, chỉ cần nhìn thấy hình ảnh “quả táo cắn dở” sẽ liên tưởng đến thương hiệu của họ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam hiện chưa chú trọng xây dựng thương hiệu mà tập trung vào lợi nhuận bỏ túi trước mắt. “Những lợi nhuận đó hiện rõ trong sổ sách, nhưng nhiều giá trị khác khó bộc lộ, đó là tài sản trí tuệ - thứ mà các doanh nghiệp đang bỏ qua” - ông Thịnh nói.
Bà Đặng Nguyệt Tú - đại điện SHTT của Microsoft Việt Nam - chia sẻ: “Sai lầm mà các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam hay gặp là chỉ quan tâm đến sản phẩm mà không quan tâm đến giá trị gia tăng, tài sản vô hình. Khi chưa có thương hiệu mạnh, doanh nghiệp rất thiệt thòi; khi xuất khẩu sản phẩm hay bị phá giá, dìm giá”.
Ý tưởng làm nên thương hiệu
TS Trần Lê Hồng nhận xét: “Bản thân các hoạt động khởi nghiệp mới chỉ bắt đầu có tiếng nói và được thúc đẩy trong thời gian gần đây nên các doanh nghiệp khởi nghiệp về cơ bản là tự mày mò, tìm kiếm cách thức xây dựng thương hiệu. Chính vì vậy, trong thời gian qua chỉ có rất ít doanh nghiệp khởi nghiệp đi được đến thành công trong hoạt động xây dựng thương hiệu của mình”.
Nói về cách xây dựng thương hiệu, TS Thịnh cho rằng startup cần xác định mình sẽ đưa sản phẩm đến thị trường nào, nhóm khách hàng nào, sản phẩm mang đến lợi ích gì, từ đó cân nhắc phát triển sản phẩm từ nguồn lực tài chính, nhân lực để lựa chọn phương án xây dựng thương hiệu tốt nhất.
TS Trần Lê Hồng cho rằng hiện các startup đang có 2 cách nhìn nhận sai lầm về quyền SHTT: Một là không đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc và tư duy cho tài sản trí tuệ, tài sản thương hiệu, chậm trễ xác lập quyền, không tra cứu đầy đủ để đảm bảo quyền của mình; hai là coi trọng quá mức việc bảo hộ quyền SHTT đối với tài sản vô hình của mình.
“Quyền SHTT là nền tảng pháp lý cho tài sản trí tuệ của startup. Tài sản trí tuệ ngày càng quan trọng đối với startup. Việc xác định quyền SHTT và các tranh chấp liên quan đến tài sản trí tuệ ngày càng phức tạp. Startup sẽ rất dễ tổn thương khi sớm phải đương đầu với những vấn đề pháp lý kiên quan đến tài sản trí tuệ. Vì vậy, để bảo vệ được tài sản của mình, họ cần có sự tư vấn từ các chuyên gia ngay từ ban đầu để có được giải pháp phù hợp” - TS Hồng nói và cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, Cục SHTT sẽ tạo một cơ chế, một địa chỉ để họ tìm đến trao đổi, chia sẻ với các chuyên gia.
“Doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu có thể liên hệ với Cục SHTT. Tùy từng nhu cầu cụ thể, cục sẽ tổ chức buổi tư vấn riêng cho các startup” - ông Hồng cho biết.
Hiện nay, Cục SHTT luôn có các nhân viên tư vấn trực điện thoại để trả lời các thắc mắc liên quan đến vấn đề đăng ký tư vấn SHTT. Những người có nhu cầu sẽ được tư vấn về vấn đề đăng ký công nghiệp. Trong trường hợp cần tư vấn thêm, có thể liên hệ với Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ, Cục SHTT.
Ngoài ra, cục cũng đang phối hợp với các sở KH&CN tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo với nhiều nội dung liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp, ví dụ tư vấn về phát triển thương hiệu, khai thác, thông tin về sáng chế, hoạt động thương hiệu… “Doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn toàn có thể tham gia và đặt câu hỏi về những gì mình quan tâm tại các hội nghị này” - ông Hồng chia sẻ.