Giới khoa học châu Âu đang kêu gọi gói đầu tư cho khoa học phục hồi sau Covid-19 của Hội đồng châu Âu qua chương trình Horizon Europe cần được duy trì sau mốc ấn định 2024.
Kế hoạch của Hội đồng châu Âu EC là đặt một khoản đầu tư 13,5 tỷ euro thêm vào Horizon Europe, chương trình đầu tư cho khoa học lớn nhất châu lục này với chu kỳ 7 năm, để giúp khoa học phục hồi sau đại dịch có thể không đủ để hỗ trợ tất cả các ngành, theo nhận xét của Lidia Borrell-Damián, tổng thư ký Science Europe, một cơ quan chuyên trách đại diện cho cơ quan cấp quỹ của các quốc gia và các tổ chức nghiên cứu quốc gia.
Trong một đề xuất kinh phí vào tháng 5, EC đã kêu gọi một gói phục hồi 750 tỷ euro để hỗ trợ trong giai đoạn 4 năm đầu tiên trong chu kỳ 2021-2027, trong đó Horizon Europe được đề cử đón nhận 13,5 tỉ. Kinh phí được nhận định là cần phân bổ trong những năm đầu của Horizon Europe với các dự án nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đã sẵn sàng chờ cơ hội thương mại hóa. Tuy nhiên Borrell-Damián cho rằng, “việc phục hồi cần được tiến hành trong nhiều năm. Tôi không nghĩ giai đoạn 2021 – 2024 đã là đủ để khoa học gượng lại.”
Trong các cuộc khủng hoảng, các chính trị gia thường bị buộc phải có được những câu trả lời trong ngắn hạn để có thể đem lại sự phục hồi nhanh chóng của xã hội. Tuy nhiên, coronavirus không phải là một cuộc khủng hoảng có thể đem lại những giải pháp như vậy. Ngược lại, nó gieo sức ép lên những hệ thống y tế tốt nhất thế giới, phá hủy các chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các trường đại học và viện nghiên cứu phải chuyển sang làm việc online và khiến việc đi lại ngưng trệ trên toàn cầu. Thế giới đang đứng trước khả năng suy thoái kinh tế lớn.
Từ góc nhìn của ngành y, việc phục hồi sau đại dịch sẽ đòi hỏi các quốc gia nỗ lực1 nhiều hơn cả việc tìm ra một loại vaccine và các biện pháp điều trị hiệu quả. Bệnh nhân khỏi bệnh sau khi nhiễm bệnh có thể tiếp tục cần điều trị khỏi những hiệu ứng phụ mà các nhà khoa học vẫn cần phải nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn. Thêm vào đó, việc ảnh hưởng đến tâm lý của toàn bộ dân số thế giới trong thời gian bị cô lập ở nhà cũng chưa được biết đến một cách đầy đủ.
Do đó, theo Borrell-Damián, nếu châu Âu muốn phục hồi sau khủng hoảng và tăng cường khả năng chống chịu về tâm lý cần thiết để chuẩn bị cho những đại dịch trong tương lai, EC phải chấp thuận những khoản đầu tư cho nghiên cứu, qua đó có được các khung chung phù hợp với việc phục hồi bền vững. “Nếu chúng ta muốn có được năng lực và khả năng chống chịu với những khủng hoảng chưa lường trước trong tương lai, chúng ta không thể đầu tư trong ngắn hạn được. Đấy là một công thức sai lầm”.
Mọi ngành khoa học đều quan trọng
Science Europe là một trong những tổ chức kêu gọi một khoản đầu tư trị giá 120 tỉ euro cho Horizon Europe cũng vì mục tiêu này. Trong một thông cáo báo chí mới được công bố vào tuần trước, Science Europe cho rằng EU phải cung cấp một nguồn kinh phí mang tính bền vững hơn cho toàn bộ 7 năm của chương trình Horizon. Nguồn kinh phí này phải đến được với mọi lĩnh vực của chương trình Horizon, trong đó bao gồm cả các dự án nghiên cứu cơ bản thuộc Hội đồng nghiên cứu châu Âu và Chương trình Marie Skłodowska-Curie, vốn được xem là không thuộc về nhóm cần nhận được kinh phí phục hồi sau Covid-19. Các tổ chức nghiên cứu lo ngại vào khả năng các khoản đầu tư cho nghiên cứu không thuộc nhóm “phục hồi’ có thể bị cắt giảm và sẽ “ảnh hưởng nặng nề” đến tương lai của khoa học xuất sắc – một trong những trụ cột quan trọng của Horizon Europe. Bản thân Borrell-Damián không phản đối việc đầu tư ‘kinh phí phục hồi” cho những dự án công nghệ cao nhưng cho rằng, “khoa học cơ bản, phần quan trọng góp phần làm nên đổi mới sáng tạo phải được hỗ trợ một cách thích đáng.”
Borrell-Damián lưu ý, ngay ở quan điểm nhìn nhận các lĩnh vực cần được đầu tư để phục hồi sau Covid-19, các nhà hoạch định chính sách không nên tạo ra sự phân chia giữa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng: “Điều nguy hiểm là ở chỗ bằng sự phân cực đầu tư vào nghiên cứu cơ bản và các hoạt động đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ phá hủy khâu trung gian: nghiên cứu hợp tác giữa hàn lâm và ngành công nghiệp để chuẩn bị cho những đổi mới sáng tạo sẽ tới”.
Đánh giá của Science Europe là năng lực phán đoán và phản hồi đại dịch của EU đã suy yếu vì “việc thiếu hiểu biết sâu sắc và đầy đủ trong nhiều lĩnh vực như y tế và kinh tế xã hội”. Toàn bộ phần nghiên cứu cơ bản và ứng dụng là yếu tố cốt lõi để hiểu và giải quyết những thách thức đặt ra trong và sau đại dịch.
Borrell-Damián hi vọng, khi các nhà lãnh đạo EU họp bàn tại Brussels vào ngày 17/7 tới, họ sẽ cùng đạt tới một thỏa thuận về ngân sách dài hạn đầu tư cho nghiên cứu và tránh được những trì hoãn đầu tư cho nghiên cứu. “Tôi chỉ có thể hi vọng vào tư duy mở của họ về khoa học”, bà nói.
Dẫu nhiều hứa hẹn sẽ đến với khoa học châu Âu bằng những khoản đầu tư nhưng một nhóm các thành viên “lo xa’ của EU không muốn tạo ra một khoản đầu tư chung như vậy bởi tiền không nên để đầu tư – có thể mất trắng vì rủi ro trong nghiên cứu, mà chỉ nên cho vay – còn có khả năng hồi vốn.
Nhưng những hi vọng về khả năng đầu tư cho mọi ngành khoa học đang lớn dần với quyết định mới của EC: sẽ đầu tư vào năm dự án “moonshot” – các siêu dự án với khoản đầu tư lớn để giúp châu Âu có thể giải quyết được những thách thức lớn của khoa học và xã hội, ở các lĩnh vực như khoa học khí hậu, bệnh ung thư, bảo vệ đại dương, gìn giữ đất và khả năng ứng phó trước biến đổi khí hậu của các đô thị. Năm dự án này sẽ là một phần trong chương trình Horizon kỳ tới và người ta đang tranh cãi là mỗi dự án cần bao nhiêu kinh phí, giữa quãng 5 đến 10 tỉ euro. Ông Carlos Moedas, nguyên phụ trách bộ phận nghiên cứu của EC và là thành viên tích cực trong việc thúc đẩy 5 dự án này, miêu tả tác động của chúng là “sẽ khiến cho mọi người có thể trao đổi về khoa học ngay trên đường phố”. Phải đến tháng 9 tới thì các hội đồng cố vấn của EC trong từng lĩnh vực mới bàn một cách cụ thể hơn về các dự án này.
Một trong năm siêu dự án mà châu Âu sẽ đầu tư thực hiện là dự án Chế ngự bệnh ung thư. Mục tiêu của nó là sẽ đưa ra các kiến nghị về nghiên cứu các bệnh ung thư và cuối cùng là “chế ngự” nó bằng việc giải quyết ‘toàn bộ chuỗi kiểm soát liên tục bệnh ung thư” từ ngăn ngừa các yếu tố rủi ro để tăng cơ hội sống sót đến việc chăm sóc sau điều trị ở mọi lứa tuổi, mọi loại ung thư, bao gồm cả những bệnh ung thư hiếm gặp và chưa được biết đến nhiều. Mục tiêu của dự án là “vào năm 2030, cứu sống hơn ba triệu người với khả năng sống sót lâu hơn, điều kiện sức khỏe tốt hơn và bền vững hơn”. Điều này rất có ý nghĩa bởi “cuộc khủng hoảng Covid-19 làm giảm đột ngột 25% ca chẩn đoán ung thư ở Hà Lan và trì hoãn 50% cuộc điều trị ung thư ở Anh”, báo cáo về việc chuẩn bị cho dự án nêu.
Việc thực hiện các kế hoạch này sẽ hỗ trợ sự phát triển của y học cá thể hóa, góp phần giải quyết những bất bình đẳng trong điều trị ung thư khắp châu Âu, tăng cường nhận thức về ung thư và đem lại cái nhìn đặc biệt vào ung thư ở trẻ em. |