Cuộc hội nghị trực tuyến của câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu LBC (trực thuộc VCCI) và Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao với đề tài “Kinh nghiệm sản xuất ba tại chỗ” diễn ra tối 25/9 vừa qua với những số liệu đặc biệt: Hơn 500 lãnh đạo doanh nghiệp tham gia, gần 300 câu hỏi, và một kết luận ít người đoán được: Tự tin đồng hành.

Đi qua “vết thương” COVID

Chương trình bắt đầu với câu chuyện “đi qua thương đau mùa dịch” của bốn doanh nhân nổi tiếng, Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Sứ Minh Long, Nguyễn Lâm Viên chủ tịch Vinamit, Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng giám đốc Rynan Technologies và Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Cỏ May.

Ông Lý Ngọc Minh, một doanh nhân kiêm nhà sáng chế với hệ thống sản xuất tự động hóa hàng gốm sứ mà nhiều doanh nghiệp châu Âu cũng phải tìm đến học tập, với tất cả sự cẩn trọng và chu đáo của mình, nhưng vẫn đối diện 200 ca F0. 200 ca, bắt đầu chỉ từ một trường hợp “mang thức ăn từ bên ngoài vào”. 1 ca, 2 ca, rồi 200 ca bùng phát. Hơn 15 năm quen biết và làm việc cùng ông Minh, tôi chưa bao giờ thấy ông xài nhiều lần từ “may mắn” như lần này. Ông bảo, là do “may mắn” mà tất cả đều khỏe lại. Nhưng ông cũng tin rằng phần “may mắn” này cũng có phần do sự chu đáo của Minh Long: đến từng bữa ăn của công nhân luôn được chú chăm lo theo công thức dưỡng sinh nhiều rau nhiều cá và đủ dưỡng chất và không gian làm việc thật thoáng mát khiến cho 200 F0 “vui vẻ lạc quan bình thường”.

Ông Lý Ngọc Minh.
Ông Lý Ngọc Minh.

Ông Nguyễn Lâm Viên cũng gần giống vậy, khi khám sức khỏe cho công nhân, ông biết phần đông bị một thứ “bệnh nghề nghiệp”: đau dạ dày và bị trào ngược. Thế là ông tổ chức ăn trưa với các sản phẩm hữu cơ “của nhà làm” có sử dụng các chế phẩm sinh học để gia tăng sức đề kháng. Chương trình “Thực phẩm thay đổi sự sống” của ông cũng đang giúp cho nhiều khách hàng tự chữa lành các rối loạn về tiêu hóa. Sản phẩm này cũng được cung cấp miễn phí cho y bác sĩ tuyến đầu và bệnh nhân F0. Vinamit có vài ca F0, và họ đều vượt qua. Cái khó mà công ty phải đối diện, là việc ai cũng có gia đình và những tương tác với khách hàng, nhà cung cấp. Nên quy trình quản lý đòi hỏi sự phức tạp hơn nhiều so với việc “quản cái nhà máy”.

Ông Nguyễn Lâm Viên.
Ông Nguyễn Lâm Viên.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ thì chia sẻ những điều mà ít người biết: ba tại chỗ thì cần chăm sóc sức khỏe tinh thần cho công nhân nhiều hơn. Công nhân của Rynan Technologies tuổi trung bình có 27 đã tự thiết kế một khoảnh vườn rộng, cùng nhau tự tăng gia sau giờ làm việc, trồng lúa, cây ăn trái (nhãn, xoài....), nuôi heo rừng, gà, heo, vịt, nuôi cá...để biến tất cả thành những bữa ăn ngon trong nhà ăn sạch đẹp như trong khách sạn cao cấp. Phải đủ thấu cảm để hiểu nhu cầu về “lén tụ tập uống bia” và “nhu cầu yêu nhau của tuổi trẻ” là những điều quan trọng cần đưa vào kế hoạch và hành động của công ty.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ.

Họ đã giữ gìn tài sản lớn nhất như thế nào?

Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, chủ trì hội nghị thì chia sẻ: “Nhiều điều để nói về các kịch bản, chi phí, qui trình, nhân lực, vận hành...mà cuối cùng, với riêng tôi, đọng lại một điều lạ, tôi hình dung sao họ có điểm giống nhau như là có cùng một bí quyết ? Bí quyết gìn giữ, vun đắp cho tài sản lớn nhất của doanh nghiệp: nguồn nhân lực, vốn con người”.

Bà nói: “Chỉ có một người đáng ra phải kể rất nhiều về chuyện nhân sự thì Phạm Minh Thiện lại có vẻ muốn giấu đi biết bao nhọc nhằn khổ sở vì dịch. Anh có bày tỏ nỗi niềm không vui đó trên trang nhà Facebook, tôi đọc mà bần thần, ngẩn ngơ, quá cảm thông và thương ông chủ trẻ. Rằng công ty của Thiện bị cơ quan chức năng buộc dừng sản xuất vì có phát sinh mấy chục ca F0. Anh tâm sự, tôi duy trì sản xuất đâu phải vì tiền, vì hám lợi mà vì muốn giữ việc làm cho công nhân, muốn giữ nguồn cung gạo là món mà xã hội rất cần, món chắc chắn là thiết yếu, vậy mà vì điều không tránh khỏi (có F0) tôi bị coi như tội đồ...Rồi Thiện tự an ủi, mỗi khi bị dập vùi, tôi nhớ lời ba tôi (là “doanh nhân tử tế” Phạm Văn Bên): “một người lương thiện thành công thì phải thương được kẻ không ưa và giúp được người thấy ghét. Vì đó là sự bao dung và lòng trắc ẩn, những thuộc tính của dân tộc mình!”.

Ông Phạm Minh Thiện.
Ông Phạm Minh Thiện.

Người viết bài được tham gia làm điều hành hội nghị, nên hỏi bốn vị khách: Nếu chọn một từ, chỉ một từ mà thôi, để nhắn nhủ cộng đồng doanh nghiệp thì sẽ chọn từ gì. Ông Lý Ngọc Minh nói, giờ mình ráng làm tốt nhất, chăm chỉ đi học tập kinh nghiệm của những nơi khác về việc sống chung với COVID, nhưng hóa ra nó cũng không phải quá đáng sợ. Chúng ta phải tự tin là mình đối phó được với nó để vực dậy việc sản xuất kinh doanh, chúng ta phải tin vào bản lĩnh của doanh nghiệp và đội ngũ của mình. Ông nhấn mạnh chữ “tự tin”.

Ông Viên chọn “an toàn”, an toàn cho bản thân từng người lao động để có thể an toàn cho doanh nghiệp và cộng đồng. Ông Mỹ chọn “đồng hành”, và đang hoạch định kế hoạch tuyển dụng công nhân trở lại làm việc, và tập làm quen với việc có một “bạn đồng hành” là con COVID này cũng là thứ mà Mỹ Lan đang làm. “Doanh nhân nghĩa là người giải quyết vấn đề. COVID cũng là một vấn đề mà chúng ta sẽ giải quyết được thôi”.

Phạm Minh Thiện chọn một từ khóa rất lạ: xông hơi. Hiểu về nghĩa đen, là nhà máy Cỏ May chia nhỏ theo mô hình bong bóng, và có cái phòng xông hơi để mọi người vô cho nó nóng “cho chết COVID luôn”. Còn nghĩa bóng, chắc là phải chịu khó hơn nữa, chịu nóng, chịu lửa, chịu cày bừa bền bỉ hơn nữa để chộp lấy những khoảng trống thị trường mà đại dịch đang vô tình tạo ra…