Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là một trong hai giải thưởng duy nhất do Thủ tướng Chính phủ trao tặng để tôn vinh, động viên doanh nghiệp, cũng là công cụ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước, quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương (thứ hai từ phải sang) trao Giải thưởng Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương cho 3 doanh nghiệp. Ảnh: Anh Tuấn
Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương (thứ hai từ phải sang) trao Giải thưởng Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương cho 3 doanh nghiệp. Ảnh: Anh Tuấn

Có tuổi đời 20 năm, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Việt Nam (nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương) được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện hằng năm.

Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết, đây là một trong hai giải thưởng duy nhất do Thủ tướng Chính phủ trao tặng để tôn vinh, động viên doanh nghiệp, cũng là công cụ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chính vì thế, tiêu chí của giải rất khắt khe. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp tỏ ra e ngại. Tuy nhiên, nếu nghiêm túc “áp” các tiêu chí này vào hoạt động thực tế của mình, các doanh nghiệp sẽ nhận rõ điểm yếu của mình ở đâu, cần khắc phục điều gì để trên cơ sở đó nâng mình lên một tầm quản lý cao hơn, hiệu quả cũng theo đó tăng lên.

Cụ thể, 7 tiêu chí mà doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia phải áp dụng bao gồm: Vai trò lãnh đạo; chiến lược hoạt động; chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường; đo lường, phân tích và quản lý tri thức; quản lý phát triển nhân lực; quản lý hoạt động; kết quả hoạt động.

Tóm lại, doanh nghiệp sẽ được xem xét, đánh giá toàn bộ quá trình hoạt động, mục đích cuối cùng là nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm một cách thực chất nhất. Việc đáp ứng các tiêu chí này giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt về mặt kinh doanh và thị phần, tìm kiếm khách hàng mới, kiểm soát chi phí tốt hơn…

Tuy nhiên, ông Trần Văn Vinh cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, giá trị của giải thưởng này chưa được truyền thông hiệu quả, xứng tầm đến doanh nghiệp và công chúng: “Chúng tôi còn thiếu sót khi chưa tuyên truyền đủ sâu rộng để doanh nghiệp nhận thấy rằng, việc áp dụng các tiêu chí của giải thưởng là công cụ tốt giúp họ nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ áp dụng nhiều giải pháp khác nhau để giá trị của giải thưởng có sức lan toả lớn hơn. Trước hết là thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn, đẩy mạnh tuyên truyền về giải thưởng tới cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ thay đổi cách thức đánh giá để doanh nghiệp không còn thấy khó khăn, khúc mắc nào về hành chính khi làm thủ tục tham gia”.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - cũng thừa nhận nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được với giải thưởng này.

“Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, với các cơ quan địa phương tăng cường quảng bá về giải thưởng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên lượng sức mình, đủ tiêu chuẩn thì tham gia. Nếu chưa đủ tiêu chuẩn, doanh nghiệp nên coi đây là mục tiêu, định hướng để phấn đấu. Tôi tin rằng với sự hội nhập sâu rộng, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan và toàn xã hội, doanh nghiệp cũng nhận thức được rằng lợi ích sống còn của mình là phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi đó, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia sẽ là cái đích không thể bỏ qua với bất cứ doanh nghiệp nào” - ông Phòng nhấn mạnh.