Tại ngày hội STEM, các em nhỏ được khám phá những bí ẩn của khoa học thông qua cuộc hành trình phát triển của nhân loại, từ thời cổ đại, đến thời trung đại, cận đại và hiện đại bằng những tái hiện cụ thể. Ngày hội tổ chức từ 14-15/6 tại 24 Lý Thường Kiệt (Hà Nội).

"STEM là nơi để các em học sinh đến tham gia và giao lưu trao đổi, gặp gỡ nhau. Từ hoạt động này sẽ thắp lên niềm đam mê trong mỗi học sinh". Đây là chia sẻ của bà Lê Thị Khánh Vân – Phó cục trưởng Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ KH&CN) về Ngày hội STEM năm 2016.

Chuỗi sự kiện này được khởi xướng bởi Tạp chí Tia sáng và cộng đồng giáo dục STEM dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và công nghệ. Là mô hình giáo dục đã và đang được áp dụng ở Mỹ và nhiều nước phát triển, ngày hội STEM ở Việt Nam được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM và gieo niềm đam mê khoa học trong các em học sinh.


Bà Lê Thị Khánh Vân - Phó cục trưởng Cục thông tin Khoa học và công nghệ quốc gia chia sẻ về Ngày hội STEM 2016. Ảnh: Dung Trần

Chủ đề của ngày hội STEM lần 3 ở Hà Nội có chủ đề Cỗ máy thời gian. Với 7 phòng học, các em học sinh được đi từ quá khứ đến tương lai, tương ứng với các sự kiện khoa học lớn xảy ra vào mỗi thời kỳ lịch sử của nhân loại.

Phòng 1 là Khoa học thời tiền sử - Lửa. Phòng 2 là Khoa học thời trung đại: Từ trường và nam châm. Phòng 3 là Đọc sách thế nào và màn bắn thử tên lửa. Phòng 4 là Khoa học hiện đại - Hàng không. Phòng 5 là Khoa học thời cận đai - Khám phá thế giới vi sinh. Phòng 6 là Toán học và kiến trúc – Xây cầu gỗ và phòng 7 là khoa học trong nông nghiệp.

Bên cạnh các phòng học này, các em học sinh được xem các màn biểu diễn khoa học sẽ kích thích trí tò mò của bất cứ ai như đốt lửa trên tay, quả dưa chuột tự phát sáng,… Qua các thí nghiệm đơn giản và lý thú này, các em học sinh sẽ lý giải được các hiện tượng tự nhiên một cách khoa học.

Sự kiện dự kiến sẽ thu hút khoảng 800 học sinh trong độ tuổi từ 6-12 cùng các phụ huynh và thầy cô giáo đến từ nhiều trường trong và ngoài Hà Nội.

Đại diện Học viện sáng tạo S3, TS Đặng Văn Sơn - Giám đốc Chương trình học viện Sáng tạo S3 cho biết: Trong các chương trình tiếp theo, chúng tôi sẽ liên hệ với các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu để mở cửa cho các em học sinh tới tham quan và trực tiếp làm các thí nghiệm. Vừa được nghe giảng vừa được thực hành sẽ rèn luyện cho các em tư duy khoa học khi nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng.

Chia sẻ về kỳ vọng có một ngày hội STEM trên cả nước, bà Lê Thị Khánh Vân bày tỏ tâm huyết: Bộ KH&CN có 63 sở khoa học, công nghệ trên cả nước. Kỳ vọng của chúng tôi là vào ngày 18/5, ở 63 tỉnh thành sẽ cùng tổ chức ngày hội STEM. Như vậy, chúng ta không chỉ thắp sáng mà còn nuôi dưỡng tình yêu và đam mê khoa học với mỗi học sinh theo năm tháng.