Nhờ “Cooling Off” mà anh Lưu Tiến Thành - Founder của Workevo tỉnh táo hơn trước những ý tưởng, thận trọng hơn trong mỗi bước đi để không lãng phí bất cứ nguồn lực nào. Báo Khoa học và Phát triển đã có buổi trao đổi với anh Lưu Tiến Thành về cách ‘Cooling Off’ hiệu quả khi khởi nghiệp.

Anh Lưu Tiến Thành trong một buổi huấn luyện phát triển nhóm tại Workevo.
Anh Lưu Tiến Thành trong một buổi huấn luyện phát triển nhóm tại Workevo.

Khái niệm ‘Cooling Off’ được anh Hùng Đinh đưa ra từ cách đây ba năm nhưng không nhiều người biết đến nó, dù những người tiếp cận khái niệm này đều khẳng định nó đúng và hiệu quả. Còn anh đã tiếp cận nó thế nào?

Tôi tiếp cận và trải qua cái được gọi là “giải nhiệt trong khởi nghiệp – ‘Cooling Off’ từ 3 năm trước qua anh Hùng Đinh. Khi ấy, tôi có một ý tưởng và muốn dồn tất cả số tiền mình có cho việc khởi nghiệp với MakiPlace. Tôi khi ấy hừng hực khí thế muốn bung sản phẩm ra ngay.

Dù có bảy năm kinh nghiệm làm công nghệ, tự tìm hiểu và tham gia khóa đào tạo về startup tại Topica Founder Institute nhưng tôi vẫn không tránh được một số thiếu sót của người mới bắt đầu.

Khi nghe tôi chia sẻ, anh Hùng cho rằng, tôi đã chú trọng quá nhiều vào “giải pháp” - cái mà sản phẩm có thể làm được và giải quyết được chứ chưa thực sự xem trọng đến “vấn đề” - bài toán mà sản phẩm hướng đến giải quyết.

Liệu đó có phải là một vấn đề, một nỗi đau lớn mà khách hàng của bạn sẽ sẵn sàng chi trả để được xóa bỏ? Liệu vấn đề đó có mang tính lâu dài và có tạo nên giá trị gia tăng? Những câu hỏi anh Hùng đã đưa ra đều là vấn đề tôi chưa suy tính hết, cũng không lường được cả những khó khăn khi vận hành một mô hình kinh doanh như MakiPlace.

Sau một tháng bắt đầu, dù còn nhiều thiếu sót, chúng tôi cũng có được doanh thu khoảng 200 triệu đồng. Khởi đầu khá thuận lợi nhưng do chưa xác định đúng các vấn đề ở trên mà sau một thời gian ngắn, mô hình kinh doanh với MakiPlace đã thất bại và tôi quyết định dừng lại.

Ít nhất, nhờ có quá trình “Cooling Off” ban đầu của anh Hùng, tôi đã không lao vào đốt hết số tiền mình có để khởi động dự án này và biết mình cần phải dừng lại ở đâu là hợp lý. Những kinh nghiệm từ dự án đầu tiên là nền tảng để tôi xây dựng Workevo.

Với mục tiêu dùng công nghệ để tạo giá trị, thay đổi cách vận hành của cuộc sống theo hướng tích cực ở startup thứ hai, tôi hướng tới giải quyết bài toán của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc quản lý dữ liệu khách hàng và tận dụng chúng để tiến hành các chiến dịch marketing, chăm sóc khách hàng. Điều này giúp doanh nghiệp tinh giản bộ máy và quy trình, tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực và đạt được những kết quả tốt hơn.

Những câu hỏi cũ của anh Hùng về sản phẩm đã giúp tôi suy tính kỹ càng, thận trọng tìm hiểu về vấn đề này trên thị trường trước khi triển khai. Hiện nay, Workevo đã nhận được phản hồi tích từ phía khách hàng, cũng như đánh giá cao từ những người có chuyên môn và kinh nghiệm.

Như vậy có nghĩa là, trong cả hai startup, cái đầu tiên anh được người mentor Hùng Đinh ‘Cooling Off’ và sau thì anh tự vận dụng nó với chính mình. Vậy Cooling Off có thể hiểu là gì?

Theo tôi, bản chất của cooling off thực chất là cơ hội để những founder nhìn nhận, suy xét lại và chuẩn bị kỹ hơn về sản phẩm, thị trường và tính thời điểm. Cooling Off không chỉ ở giai đoạn bắt đầu mà nó cần có trong bất kỳ giai đoạn của việc vận hành doanh nghiệp. Khi nhận thấy doanh nghiệp mình đang vận hành có vấn đề, chủ doanh nghiệp cần có những “khoảng nghỉ” để bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá lại vấn đề và đưa ra cách giải quyết tốt nhất cho doanh nghiệp của mình.

Có nhiều lý do để các startup bỏ qua giai đoạn này. Có thể, bởi họ đang quá hào hứng với những ý tưởng, nóng vội cần thực hiện ngay hoặc có tiền từ nhà đầu tư nên cần sử dụng,... Tuy vậy, tôi tin rằng hầu hết các startup trước khi bắt đầu đều có giai đoạn ‘giải nhiệt’ cho chính mình để xác định rõ ràng mục tiêu và chuẩn bị cho hành trình sắp tới. Chỉ là có thể sự chuẩn bị đó vẫn chưa đủ!

Với tư cách là người đã từng được học hỏi từ mentor như anh Hùng Đinh cho đến trải nghiệm thực tế, anh có lời khuyên gì cho startup để “chúng ta không phải chứng kiến câu chuyện tiêu 3 tỷ trong sáu tháng” như câu chuyện startup mà Hùng Đinh đã kể?

Những mentor như anh Hùng Đinh đã đầu tư vào rất nhiều startup cũng như tự thực hiện nhiều startup riêng. Kinh nghiệm cũng như sự nhạy bén của anh ấy sẽ giúp các startup founder nhìn nhận ra được những thiếu sót. Quan trọng là hãy biết lắng nghe và chọn lọc những góp ý phù hợp thì chắc chắn sẽ có nhiều startup thành công trong tương lai.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ quý báu này.

Hùng Đinh – Founder DesignBold.
Hùng Đinh – Founder DesignBold.

Khi có một ý tưởng, founder sẽ cần một thời gian “Cooling-Off” từ vài tháng đến một năm để suy nghĩ, thăm dò và thực hành những biện pháp thử nghiệm cần thiết để đánh giá đầy đủ tính khả thi, tính thời điểm cũng như chính năng lực của bản thân. Làm startup là vậy, “Act Quickly” (Hành động nhanh) nhưng cần “Think Slowly” (nghĩ sâu).

Có những sản phẩm và ý tưởng vô cùng hay, nhưng lại sai về mặt thời điểm thị trường và thói quen người dùng chưa sẵn sàng. Đôi lúc muốn giải quyết một bài toán chính, chúng ta cần giải những bài toán phụ trước. Ví dụ như Tiki làm thương mại điện tử, nhưng cách đây 5-6 năm, họ không hề định vị mình là thương mại điện tử, mà bắt đầu với câu chuyện về sách để xây dựng tập khách hàng, cộng đồng và thương hiệu riêng. Khi thời điểm đến, họ mới có đầy đủ điều kiện tham gia sân chơi thương mại điện tử đầy nghiệt ngã như hiện nay.

Hãy luôn nhớ, đừng quá phấn khích vì ý tưởng khởi nghiệp của mình. Nó cũng chỉ chiếm khoảng 1% để tạo nên thành công mà thôi.

Hùng Đinh – Founder DesignBold.