Viện Nghiên cứu Công nghệ công nghiệp đã đặt những nền móng đầu tiên cho ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ dễ dàng lấn sân sang ngành công nghiệp máy tính.
Câu chuyện dưới đây cho thấy những bước đi cẩn trọng và chính xác của ITRI trong lộ trình xây dựng ngành sản xuất máy tính của Đài Loan, với những tên tuổi như Asus hay Acer hiện nay từ con số không như thế nào.
Công nghiệp máy tính
ITRI bắt đầu nỗ lực thúc đẩy công nghiệp máy tính (PC) từ năm 1980. Lúc đó, Tổ chức nghiên cứu Điện tử và dịch vụ của ITRI - ERSO xây dựng Kế hoạch 4 năm Phát triển Công nghệ Công nghiệp Máy tính của Cục Phát triển Công nghiệp. Trong giai đoạn lập kế hoạch này, ITRI thiếu nội lực cơ bản để tiến hành R&D trong lĩnh vực máy tính. Do đó, viện đi theo mô hình phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, bằng cách gửi cán bộ của ERSO sang Mỹ đào tạo tại Phòng thí nghiệm Wang Laboratories. Các công nghệ thiết kế hệ thống và chế tạo được chuyển giao, và bắt đầu có sự hợp tác với Đại học Thanh Hoa và Đại học Giao Thông. Ba gói phần mềm hệ thống đã được phát triển gồm: MCZ, RSX-11M và RT-11. Việc này nhằm đặt nền tảng cho ngành công nghệ phần mềm.
Trong thị trường PC có tiêu chuẩn phần mềm/phần cứng Wintel (Microsoft và Intel). Dựa vào tiêu chuẩn tương thích này, ITRI có thể sử dụng các cán bộ kỹ thuật được đào tạo ở nước ngoài trở về Đài Loan phát triển PC. Đồng thời, ERSO cũng mong muốn đưa các thiết kế sản phẩm máy tính ra thử nghiệm và tiến hành chuyển giao công nghệ. Do đó, năm 1981, ERSO được FCC (Ủy ban viễn thông Hoa Kỳ) cấp phép thành lập một nhà máy thử nghiệm công nghệ chế tạo. Sự chuyển biến này giúp ERSO nâng cao khả năng quản lý chất lượng hệ thống, công nghệ kiểm tra hệ thống, và công nghệ chế tạo/sản xuất, v.v. Về công nghệ phần cứng hệ thống, ERSO đã phát triển các công nghệ thiết kế, thử nghiệm và quản lý chất lượng máy tính 8-bit và 16-bit (CMC-100, CMC-2000). Vào đầu năm 1982, công nghệ CMC-100 đã được chuyển giao cho công ty Horng-Yeu Co.
Tháng 8 năm 1981, IBM cho ra đời một thế hệ máy tính với tên gọi IBM PC, có thiết kế khác hoàn toàn so với Apple II. Chiếc máy tính này nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn PC toàn cầu. Với mong muốn nắm bắt cơ hội này, ITRI bắt đầu phát triển các sản phẩm tương thích với IBM PC. Ngoài ra, tháng 9 năm 1983, viện đã phát triển thành công một máy tính tương thích chuẩn IBM PC. Sau đó, ERSO tiếp tục phát triển các công nghệ máy tính mới nhất, và tháng 2 năm 1984 đã phát triển chiếc máy tính thương mại đa năng 16-bit đầu tiên sản xuất tại nội địa. Công nghệ sản xuất này đã được chuyển giao cho 5 công ty: Systex, Chungchun Computers, ADI Corp, Sony, và Acer. Tuy nhiên, công nghệ này có vấn đề về BIOS. Chương trình BIOS (Hệ thống xuất nhập cơ bản, một phần cứng có nhiệm vụ quan trọng để khởi động máy tính) do ITRI phát triển quá giống với BIOS của IBM, do đó sản phẩm này bị cấm nhập vào Hoa Kỳ, làm mất đi cơ hội vàng về thị trường. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh khác, thì khu vực thương mại của Đài Loan đã có thể hiểu được thiết kế thực sự của máy tính và công nghệ chế tạo thông qua sự chuyển giao công nghệ này. Những hiểu biết đó cho phép họ vượt qua giai đoạn tạm thời sao chép sản phẩm của các công ty Hoa Kỳ. Đồng thời nó cũng tạo ra tính cạnh tranh của Đài Loan khi tiếp nhận các đơn đặt hàng OEM.
Tiếp sau các sự kiện này, ERSO tiếp tục nhận được các hợp đồng thông qua dự án phát triển công nghệ của chính phủ. Năm 1984, Viện tiến hành dự án công nghệ MOEA “Chương trình Phát triển Công nghệ Công nghiệp Máy tính giai đoạn 2” (1984-1987). Kế hoạch của giai đoạn này bao gồm công nghệ thiết kế hệ thống, thiết bị ngoại vi và chế tạo hệ thống. Thiết kế hệ thống bao gồm hoàn thiện các mô-đun máy tính, phần mềm hệ thống máy tính, công nghệ hiển thị màu tốc độ cao, các trạm dịch vụ mạng, LANs, và các hướng dẫn trực tuyến của IBM. Công nghệ này được chuyển giao cho Ta-tung, Kao-Chih và TECO. Về chế tạo hệ thống cũng đã triển khai thành công một số dự án phát triển hệ thống tự động hóa và kiểm soát sản xuất công nghiệp.
Tháng 7 năm 1986, ERSO sử dụng năng lực công nghệ IC của mình để phát triển bộ chip 3 trong 1, thay thế cho thiết kế 64-chip nguyên thủy. Điều này đã làm tăng tính cạnh tranh của máy tính 16-bit Đài Loan, PC-400. Sản phẩm mới này không chỉ sử dụng ít IC L’1/4 hơn mà còn giảm chi phí của mỗi đơn vị sản phẩm tới 60 USD Mỹ. Điều này đồng nghĩa với sự tăng vọt về khả năng cạnh tranh của máy tính Đài Loan. Tháng 11 năm 1986, ITRI, Acer và Chiachia đã lần lượt bắt kịp IBM trong việc phát triển thế hệ PC mới nhất theo chuẩn 32-bit PC-386. Từ đó, các hãng máy tính Đài Loan đã dần dần đạt tới trình độ quốc tế và tạo ra sự đột phá. Các sản phẩm máy tính bị bó hẹp trong một khuôn khổ các tiêu chuẩn tương thích. Do đó, ITRI tìm cách mở rộng quy mô phát triển thiết bị ngoại vi máy tính, và tháng 4 năm 1987 thành lập Trung tâm Phát triển Quang điện tử và Thiết bị ngoại vi.
Năm 1988, sau Chương trình Phát triển Công nghệ Công nghiệp Máy tính giai đoạn 2, ERSO triển khai Chương trình Phát triển Công nghệ Hệ thống Máy tính (1988-1991). Giai đoạn này tập trung nghiên cứu cấu trúc máy tính, phần mềm hệ thống, phần cứng/phần mềm đồ họa và giao diện người dùng. Những công nghệ này đã được chuyển giao cho Copam Electronic, Microtek, Fontex, UMAX, Ta-tung, D-Link, ADI Corp, v.v. tất cả lên tới hàng chục công ty. Trong giai đoạn này, tốc độ lỗi thời của các sản phẩm máy tính là tương đối nhanh, và nhu cầu về máy tính di động ngày càng tăng. Vì vậy, ERSO bắt đầu nghiên cứu và phát triển máy tính xách tay. Phần tiếp theo sẽ nói chi tiết hơn về vấn đề này.
Tóm lại, từ trường hợp của công nghiệp PC chúng ta có thể thấy rằng ITRI đã xuất phát từ con số không khi phát triển PC và đi theo mô hình phát triển của ngành công nghiệp IC. Viện đã sử dụng công nghệ của nước ngoài, tiêu chuẩn Wintel, tìm tài trợ từ Dự án Thu thập Công nghệ của Chính phủ và các nguồn lực bên ngoài khác, và kết hợp với năng lực chế tạo IC mà ERSO đã tự tích lũy được. Thông qua việc gửi cán bộ ra nước ngoài đào tạo, thông qua hợp tác R&D với các tổ chức khoa học, và thông qua chuyển giao công nghệ với số lượng lớn cho các công ty tư nhân, ERSO đã thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành công nghiệp máy tính nội địa. Điều này không chỉ cho phép khu vực thương mại có được năng lực tiếp nhận các hợp đồng OEM mà còn khuyến khích phát triển ngành công nghiệp thông tin của Đài Loan.
Công nghiệp máy tính xách tay (MTXT)
Trong phần trước nói về PC, chúng ta biết rằng ITRI trong những năm 1980 đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của công nghệ máy tính nội địa. Đồng thời, Viện cũng trực tiếp thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành công nghiệp thông tin. Tuy vậy, tới cuối những năm 1980, thị phần của Đài Loan trên thị trường sản phẩm máy tính toàn cầu đã dần tiến tới điểm bão hòa. Thị trường máy tính chính trong nước cũng đã trưởng thành. Khi các sản phẩm mới chưa được đưa ra thị trường thì ngành công nghiệp máy tính của Đài Loan phải chịu sức ép rất lớn.
Máy tính xách tay có đặc điểm gọn, nhẹ, mỏng và các tính năng ngày càng được cải thiện. So với máy tính để bàn thì MTXT đáp ứng nhu cầu của người dùng hơn. Do đó, MTXT được coi là một sản phẩm thông tin có triển vọng sáng sủa. Năm 1989, ERSO tham gia vào Kế hoạch Hợp tác Máy tính xách tay lần đầu tiên. Sau khi hoàn thành mẫu sản phẩm thử nghiệm đầu tiên, ERSO đã tự mình nắm bắt được công nghệ phần cứng MTXT, phần mềm hệ điều hành và các hệ thống vi tính. Bên cạnh đó, ITRI mong muốn tận dụng những kinh nghiệm chế tạo PC hiện có và tiếp tục mở rộng các ứng dụng. Điều này đã đưa ITRI hướng tới công nghệ đóng gói điện tử, chuyển hướng sang các sản phẩm có mật độ đóng gói cao và đáp ứng các yêu cầu của ngành công nghiệp. Sau đó, Phòng thí nghiệm nghiên cứu Máy tính và Viễn thông (Computer & Communication Research Labs - CCRL) đã tiếp nhận công trình phát triển công nghệ máy tính và truyền thông của ERSO.
Trong lĩnh vực kinh doanh MTXT, có sự khác biệt lớn giữa các công ty về năng lực công nghệ và độ nhạy cảm đối với thị trường. Ngoài một số ít công ty hàng đầu, phần lớn các công ty còn lại hiểu biết rất ít về công nghệ MTXT. Thêm vào đó, không có một tiêu chuẩn duy nhất đối với các chi tiết kỹ thuật của sản phẩm, do đó các bộ phận chính (LCD, ổ cứng, bàn phím) rất khó chế tạo. Hầu như có rất ít sự phân công lao động trong ngành công nghiệp này, do vậy cần phải có đầu tư lớn để khởi động một dự án (không có linh kiện nào là tiêu chuẩn, do đó trong danh mục sản xuất phải có nhiều linh kiện hơn và mua với số lượng lớn hơn). Vì những lý do này, sau nhiều thử nghiệm, ITRI đã đề xuất khái niệm “loại máy chung,” với hy vọng có thể giúp giảm rủi ro đầu tư của từng bên tham gia. Viện cũng thúc đẩy các tiêu chuẩn công nghiệp chung, phân công lao động, và tiêu chuẩn hóa các thông số kỹ thuật của linh kiện, nhằm cho phép các nhà cung cấp phát triển linh kiện một cách độc lập. Điều này sẽ làm tăng tính cạnh tranh và nâng cao năng lực nội địa.
Sau đó, ITRI đã có thể đưa khái niệm này vào thực tế với sự trợ giúp của Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị điện tử Đài Loan (Taiwan Electric Appliance Manufacturers Association – TEAMA). Tháng 7 năm 1990, Computer & Communication Research Labs cùng với 47 công ty thông tin dưới sự bảo hộ của TEAMA đã cùng nhau thành lập “Liên minh Phát triển Máy tính xách tay.” Liên minh này được hưởng lợi ích từ năng lực của các thành viên, và đạt được thành công trong thời gian ngắn. Thỏa thuận dự án này được ký vào tháng 7, và tới giữa tháng 8 đã đạt được thống nhất về các thông số kỹ thuật của hệ thống. Tới đầu tháng 11, mô hình MTXT TEAMA đã đưa các thành viên tham dự Comdex Fall tại Hoa Kỳ. Điều này không chỉ tạo ra nhiền sự chú ý đối với các công ty Đài Loan mà còn cải thiện năng lực kỹ thuật của Đài Loan trong lĩnh vực này và đặt ra các tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp.
Sau Comdex, phản ứng của thị trường là rất tốt, và tất cả các thành viên hy vọng có thể hoàn thiện khuôn sản phẩm cuối cùng, đăng ký chứng nhận của FCC, và tiến hành các thử nghiệm môi trường càng sớm càng tốt. Đồng thời, các thành viên và các nhà cung cấp đều mong muốn tăng lợi nhuận, nhưng do sự đa dạng của sản phẩm, nên có rất nhiều sự cạnh tranh và giảm giá. Các công ty có khả năng về công nghệ lao vào phát triển sản phẩm ngoại vi. Do đó, tháng 4 năm 1991, CCRL hoàn thành một hợp đồng ba chiều trong đó xác định trách nhiệm của từng bên. Sau thời điểm đó họ bắt đầu tiến hành các diễn đàn đào tạo về chuyển giao công nghệ và kết thúc dự án. Đó cũng là sự kết thúc của liên minh.
Những đóng góp cụ thể của CCRL đối với ngành công nghiệp MTXT của Đài Loan rất có ý nghĩa, bao gồm: đặt ra các tiêu chuẩn, thúc đẩy phân công lao động và giảm chi phí phát triển, tăng cường các tiêu chuẩn công nghệ chế tạo MTXT nội địa, giảm chi phí phát triển cho các nhà chế tạo thông qua khái niệm “loại máy chung,” thu hút nhiều công ty trong nước đầu tư sản xuất MTXT, trong đó có các công ty trước đây chỉ chuyên sản xuất PC (như Acer và Twinhead), hay chỉ chuyên sản xuất MTXT (như Clevo và Arima), các đối thủ cạnh tranh mới (Compal), và các công ty gia công (OEM) chính ( như Quanta và Inventec), v.v. Tổng cộng có không dưới 100 công ty. Từ kết quả ấn tượng này chúng ta thấy rằng các công ty Đài Loan có thể sát cánh cùng với xu hướng của ngành công nghiệp thông tin toàn cầu và đầu tư mạnh mẽ vào sản phẩm nóng nhất trên thị trường: máy tính xách tay.
Shih-Chang Hung, Yi-Hwa Huang