Ngày 22/9, Intel đã có mặt ở Hà Nội giới thiệu về Internet of Things (IoT) cùng hàng chục “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
IoT mang bóng dáng các “ông lớn”
Ngày 22/9, Intel đã có mặt ở Hà Nội giới thiệu về Internet of Things (IoT) cùng hàng chục “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Những Dell, Nexcom, Super Micro, Gigabyte, Kontron, Adlink… đã đồng hành với Intel tới hội nghị về các giải pháp IoT tại Việt Nam trong chuỗi các sự kiện về IoT trên toàn cầu cũng như tại khu vực Thái Bình Dương kể từ đầu năm 2015.
Rất dễ nhận ra đây là hoạt động mang tính truyền thông cho IoT của Tập đoàn Intel với mục tiêu gia tăng sự nhận biết về IoT đang thay đổi thế giới. Intel mong muốn Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam biết về giải pháp IoT của họ, biết về khả năng giải pháp IoT này có thể biến những thiết bị độc lập không được kết nối thành các thiết bị có khả năng kết nối với Internet, giúp tạo ra sự liên kết và trao đổi với nhau thông qua điện toán đám mây.
IoT tuy là một khái niệm mới, nhưng cũng không quá xa lạ với Việt Nam. Nói đến IoT, nhiều người lập tức liên tưởng tới những khái niệm rất “hoành tráng” như e-Government (chính phủ điện tử), Smart-City (thành phố thông minh)… Sự liên tưởng này không loại trừ dẫn tới suy luận mang tính logic: Chính phủ là khách hàng chính của Internet of Things. Và theo mạch suy luận cùng với bảng danh sách các đối tác tên tuổi của nước ngoài - cả trong lĩnh vực phần cứng, giải pháp…, chi phí đầu tư để có sức mạnh và hiệu năng của IoT cũng được liên tưởng tới đơn vị nhiều triệu USD.
Đến đây, câu hỏi tiếp tục được đặt ra là một quốc gia vừa thoát chuẩn nghèo của thế giới có cần đến vẻ đẹp bóng bẩy của IoT? Những bất thành của các đề án mang tầm quốc gia trong lĩnh vực ICT làm nhiều người không ngần ngại bày tỏ sự lo lắng về hiệu quả giữa đầu tư và lợi ích từ IoT. Thái độ quay lưng với IoT của không ít người trong thời gian qua như vậy cũng có cơ sở.
IoT qua góc nhìn “nôm na”
Tuy nhiên, đây chỉ là một cách tiếp cận về IoT khi dè chừng các ông lớn công nghệ nước ngoài đang nhòm ngó túi ngân sách đến từ tiền thuế của dân. Nhìn ở góc độ khái niệm IoT thì câu chuyện có thể hiểu một cách giản dị hơn.
“Nói một cách nôm na thì IoT có thể được dịch là “vạn vật kết nối”. Tức là hiện giờ, mỗi một vật là dumb things - tức các đồ vật không có khả năng trao đổi dữ liệu với các vật khác. Sau này, hãy hình dung cái ghế, cái bàn, cái cửa, tất cả đồ vật như ôtô, đèn đường đều có thể kết nối với nhau, sẽ có nhiều ứng dụng khác nhau. Thì khái niệm đó chính là Internet of Things” - ông Nguyễn Thế Trung - Tổng Giám đốc Cty DTT, đối tác đầu tiên của Intel tại Việt Nam về IoT - diễn giải khái niệm này.
Và theo cách “nôm na” này, khách hàng của IoT không chỉ là chính phủ. “Khi ứng dụng IoT, chính phủ và doanh nghiệp có thể giảm chi phí vận hành hệ thống, tăng giá trị cung ứng và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân” - ông Larry Cheng - Tổng Giám đốc kinh doanh toàn cầu về lĩnh vực giao thông vận tải của Tập đoàn Intel - chia sẻ. Cũng theo ông Larry, một doanh nghiệp vận tải tại Mỹ khi ứng dụng IoT đã giảm tới 7% chi phí.
Ông Trần Đức Trung - Tổng Giám đốc của Intel Việt Nam - cho biết, bản thân Intel đã áp dụng giải pháp IoT cho nhà máy của mình tại Malaysia và năm 2014 đã tiết kiệm được 3 triệu USD. Ông Trung cho biết thêm, hãng đang xem xét áp dụng giải pháp IoT cho nhà máy tại Việt Nam. “Ngoài giảm chi phí, dữ liệu thu lượm được về thông tin trong suốt quá trình vận hành của hệ thống là một tài sản quý giá. Việc phân tích khối dữ liệu này cho phép tiếp tục tối ưu hóa hệ thống, giảm chi phí và tăng hiệu quả của dây chuyền”.
Kết nối doanh nghiệp lớn - nhỏ và hệ sinh thái IoT
Việc triển khai IoT, bản thân một mình Intel không kham được mọi việc. Liên minh giải pháp IoT của Intel (Intel IoT Solution Alliance - ISA) với trên 400 thành viên và hơn 5.000 giải pháp IoT được công bố là một góc tiếp cận khác cho doanh nghiệp ICT Việt Nam, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Tôi đến Việt Nam lần này là lần thứ ba, lần gần đây nhất là cách đây 8 năm. Tôi nhận thấy sự tăng trưởng của Việt Nam trong những năm qua rất lớn so với các nước khác. Tôi đến đây có nhiệm vụ gặp gỡ các đối tác trong nước, tạo cộng đồng hệ sinh thái cho lĩnh vực IoT vì giải pháp IoT của chúng tôi theo chuẩn mở, có nghĩa là bạn có thể dùng giải pháp của các hãng khác nhau hoặc do các bạn tự phát triển cho vào, miễn là nó hợp với chuẩn đó” - ông Larry chia sẻ.
Theo cách tiếp cận này, các doanh nghiệp ICT Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ giải pháp IoT. “Về lâu về dài, chúng tôi muốn có những buổi kết nối, hội thảo trong phạm vi nhỏ hơn, hẹp hơn để mà có thể bắt tay nhau, kết nối các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ để cùng nhau tạo hệ sinh thái và cùng nhau phát triển nền tảng IoT theo kiểu Việt Nam” - ông Trần Đức Trung - TGĐ Intel Việt Nam cho biết.
Cũng theo ông Trung: “Intel hy vọng rằng, trong tương lai không xa sẽ có thêm nhiều đối tác trong nước tham gia tích cực vào Liên minh giải pháp IoT của Intel để cùng phát triển các sản phẩm, ứng dụng và giải pháp IoT, giúp quảng bá sản phẩm cũng như giải pháp của mình trên hệ thống sinh thái IoT của Intel, không chỉ cho thị trường Việt Nam mà còn ra toàn cầu” - TGĐ Intel Việt Nam bày tỏ.