Theo IEEFA, trong số 30GW công suất nhiệt điện than dự kiến xây mới tới năm 2035, chỉ có chưa đến 12GW là có thể thực hiện được; số công suất còn lại chưa chắc tìm được nguồn vốn do những thay đổi trong chính sách tài trợ điện than của các nhà đầu tư lớn.
Dự thảo mới đây của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (QHĐ8) đã gây bất ngờ khi tăng mức công suất lắp đặt mục tiêu cho nhiệt điện than lên tổng cộng 40GW [tăng thêm khoảng 3 GW điện thanvà giảm khoảng 8GW điện tái tạo so với dự thảo trước]vào năm 2030; và triển khai bổ sung thêm 10GW cuối cùng trước năm 2035. Theo Bộ Công thương, sở dĩ Dự thảo QHĐ8 cập nhật tăng các nguồn điện truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) nhằm đảm bảo tính ổn định của hệ thống lưới điện.
Phân tích của IEEFA xem xét cả nguồn tài trợ từ nước ngoài và khả năng tự cấp vốn của Việt Nam cho các dự án nhiệt điện than mới theo quy hoạch.
Ảnh minh họa: Nhà máy nhiệt điện than Mông Dương tại tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam do POSCO Energy của Hàn Quốc xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 10/2015.
Đối với nguồn vốn từ bên ngoài, IEEFA cho rằng các nguồn mà Việt Nam dựa vào trước đây đang thay đổi chính sách theo hướng siết lại dòng vốn chảy vào các dự án điện than, khiến cho lượng công suất điện than dự kiến bổ sung trong thập kỷ tới theo QHĐ8 “rất khó khả thi”.
Theo đánh giá của IEEFA, trong số 30GW công suất nhiệt điện than dự kiến xây mới tới năm 2035, chỉ có chưa đến 12GW là có thể thực hiện được (12GW này thuộc các dự án hiện đã trong quá trình thi công xây dựng hoặc đã có quyết định cuối cùng về tài chính). Gần 19GW công suất còn lại chưa chắc tìm được nguồn vốn, do những thay đổi trong chính sách tài trợ điện than của các nhà đầu tư lớn.
Tiếp theo Nhật Bản và Hàn Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã
chính thức tuyên bố chấm dứt tài trợ xây dựng nhiệt điện than mới ở nước ngoài. Do đó, theo IEEFA, không nên trông chờ vào nguồn vốn từ các ngân hàng Trung Quốc và các nhà thầu thiết bị của nước này ở các dự án sắp tới. Trung Quốc đang tập trung vào các thị trường dành cho các nhà cung cấp thiết bị năng lượng tái tạo có giá thành rất cạnh tranh của nước này. Dữ liệu tổng hợp cho thấy các hoạt động đầu tư vào ngành than và nhiệt điện than nước ngoài của Trung Quốc đã liên tục giảm từ năm 2015, và đặc biệt không có một khoản đầu tư đáng kể nào được thực hiện trong nửa đầu năm 2021. Tháng Bảy vừa qua, ngân hàng lớn nhất Trung Quốc là Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) đã tuyên bố rút khỏi dự án điện than trị giá 3 tỷ USD ở Zimbabwe, đánh dấu lần đầu tiên “một ngân hàng Trung Quốc chủ động rút lui khỏi một dự án điện than”.
Theo IEEFA, một số dự án điện than lớn tại Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng từ phong trào rút lui khỏi ngành điện than nước ngoài của Trung Quốc, bao gồm dự án nhà máy điện Nam Định 1, Sông Hậu 2, An Khánh Bắc Giang, Công Thanh, và Vĩnh Tân 3. Đây là các dự án vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhưng có chủ đầu tư hoặc cam kết về vốn vay từ các ngân hàng Trung Quốc.
Đối với việc tự cấp vốn triển khai xây dựng các nhà máy điện than, IEEFA cũng khuyến nghị Việt Nam xem xét cẩn trọng. Khác với các doanh nghiệp cùng ngành tại Indonesia hay Philippines, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không có điều kiện tiếp cận thị trường vốn quốc tế để vay vốn giá rẻ, do mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam còn thấp. Hơn nữa, các nhà đầu tư quốc tế có thể sẽ không mặn mà hỗ trợ EVN triển khai các dự án điện than khi các giải pháp năng lượng sạch với chi phí cạnh tranh đang sẵn có và có thể khai thác.
Các ngân hàng trong nước của Việt Nam cũng đóng vai trò rất hạn chế trong việc xây dựng các nhà máy điện than ở trong nước. Do các ngân hàng trong nước thường bị hạn chế về nguồn vốn dài hạn, lãi suất cho vay cao, và hạn mức cho vay thấp.
Trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu thứ 26 (COP26) đang đến gần, bản dự thảo lần này của QHĐ8 đặt ra câu hỏi lớn về việc liệu các nhà hoạch định chính sách có đang đánh giá đúng các xu thế chính trị và tài chính toàn cầu hay không, theo IEEFA.
Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích tài chính ( IEEFA) có trụ sở ở bang Ohio, Mỹ, nhận tài trợ từ các tổ chức thiện nguyện để nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thị trường năng lượng, xu hướng và chính sách, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế năng lượng đa dạng, bền vững và có lợi. |
Nguồn: