Ban Thư ký Ủy hội Sông Mê Công Quốc tế (MRC) cho biết từ giờ các nhà thầu thủy điện, tư vấn cũng như và các cơ quan nhà nước liên quan có thể xem xét sử dụng Bộ Hướng dẫn kỹ thuật mới để tối ưu hóa lợi ích và giảm nhẹ tác động xã hội và môi trường của các dự án thủy điện trong suốt vòng đời dự án.
Bộ Hướng dẫn về Giảm nhẹ Tác động của Thủy điện vừa được MRC phát hành hôm nay.
Với ba tập chuyên đề dày 738 trang, Bộ Hướng dẫn tập trung giải quyết một loạt các rủi ro trong quá trình phát triển thủy điện thông qua đánh giá năm chủ đề chính, bao gồm: thủy văn sông và dòng chảy hạ lưu, hình thái học và phù sa bồi lắng, chất lượng nước, nghề cá và sinh thái thủy sinh và đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái.
Đập Xayaburi trên kênh chính của hạ lưu sông Mê Kông. Ảnh: BankokPost.
TS An Pich Hatda, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký MRC, cho biết: “Bộ Hướng dẫn giúp quản lý và giảm nhẹ rủi ro trong quá trình thiết kế và vận hành các công trình thủy điện để hỗ trợ việc quy hoạch và quản lý toàn lưu vực, cũng như các yêu cầu phát triển dự án trước mắt.”
Theo Bộ Hướng dẫn, trong quá trình lập kế hoạch, nghiên cứu khả thi và thiết kế, các nhà thầu có thể tiến hành nhiều bước để tối ưu hóa lợi ích và tránh gây tác động tiêu cực. Ví dụ như chọn địa điểm xây dựng dự án phù hợp nhất, điều chỉnh quy mô dự án như xây đập thấp hơn và sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.
Trong trường hợp không thể giảm được các tác động nhất định trong giai đoạn xây dựng và vận hành, nhà thầu có thể cân nhắc nhiều hình thức, biện pháp giảm nhẹ khác nhau với các giải pháp bù trừ tác động tiêu cực như: cung cấp các khu vực sinh sản thay thế cho cá hoặc không xây dựng ở những nhánh sông nhất định để cho cá có thể di cư.
TS Hatda cho biết, Bộ Hướng dẫn mới là tài liệu bổ trợ quan trọng cho Hướng dẫn Thiết kế Sơ bộ (PDG) của MRC dành cho các nhà thầu sử dụng trong giai đoạn chuẩn bị dự án. MRC dùng Thiết kế Sơ bộ để tham chiếu khi thẩm định xem các đập đề xuất trên dòng chính có tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình tham vấn trước sáu tháng hay không.
Mặc dù Bộ Hướng dẫn mới nêu các phương pháp giảm nhẹ cụ thể để giải quyết các rủi ro khác nhau, TS Hatda nhấn mạnh, việc hợp tác trên toàn khu vực với các nỗ lực quy hoạch và giảm nhẹ tác động của thủy điện có vai trò sống còn để ngăn ngừa tác động trên diện rộng.
Tiến sỹ Hatda cho biết: “Giảm nhẹ ở cấp độ toàn lưu vực đòi hỏi phải lập quy hoạch tổng hợp các hệ thống ở cấp độ lưu vực, cũng như hợp tác không ngừng giữa các quốc gia thành viên và các đối tác đối thoại. Việc này cũng quan trọng như việc phối hợp vận hành các đập trên bậc thang thủy điện và các phương pháp chia sẻ lợi ích”.
Trong thập kỷ vừa qua, thủy điện phát triển mạnh mẽ đã mang lại các lợi ích kinh tế đáng kể cho các quốc gia Mê Công. Tuy nhiên, những lợi ích này cũng dẫn đến những đánh đổi, tác động tới các lĩnh vực chủ chốt khác như kinh tế, môi trường và xã hội.
Nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Phát triển Thủy điện Bền vững (ISH) trước đây của MRC, Bộ Hướng dẫn đã trải qua rất nhiều vòng tham vấn ở cấp quốc gia và cấp khu vực với các nhà thầu thủy điện, các bên liên quan, và các quốc gia thành viên của MRC là Campuchia, CHDCND Lào, Thái Lan và Việt Nam.
MRC là tổ chức liên chính phủ về đối thoại và hợp tác cấp khu vực tại Hạ lưu Sông Mê Công, được thành lập năm 1995 trên cơ sở Hiệp định Mê Công giữa Campuchia, CHDCND Lào, Thái Lan và Việt Nam. MRC đóng vai trò là diễn đàn khu vực về ngoại giao nước cũng như một kênh tri thức về quản lý tài nguyên nước vì sự phát triển bền vững trong khu vực. |